Kiến thức Đào tạo Làm gì khi sếp bất tài.

Làm gì khi sếp bất tài.

2
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamKhông phải lúc nào bạn cũng may mắn được là cấp dưới của những vị sếp tài giỏi, mẫu mực bởi trên thực tế, một số người dù bất tài và thậm chí thua kém bạn về mọi mặt vẫn chễm chệ ngồi vào cái ghế lãnh đạo.
Ngân là nhân viên kinh doanh có năng lực và nắm trong tay một mạng lưới khách hàng cũng như mối quan hệ rộng khắp. Vì chán môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ không thỏa đáng ở công ty cũ, Ngân đã “nhảy việc” sang một tập đoàn lớn có tiếng tăm hơn. Khấp khởi đi làm với nhiều dự định lớn được nung nấu từ lâu nhưng Ngân phải sớm vỡ mộng ngay từ buổi gặp gỡ với trưởng phòng Mai, người sẽ trực tiếp chỉ đạo cô cùng các đồng nghiệp ở dự án mới. Ấn tượng đầu tiên về sếp theo như Ngân nhận xét là “nhìn đã biết không thể làm nên trò trống gì”.
Càng tìm hiểu về lý lịch sếp, Ngân càng nản, cô tự hỏi không biết số phận của mình sẽ ra sao khi là cấp dưới của một người chẳng có chút năng lực lẫn kinh nghiệm gì. Mai không thể tự tay hoàn thành những phần việc đơn giản nhất từ viết quyết định, báo cáo gửi lên lãnh đạo mà phải nhờ vả Ngân hoặc các đồng nghiệp khác. Trong khi công việc đang chất cao như núi, lại phải gánh vác thêm từng việc nhỏ nhặt của sếp, không chỉ Ngân mà ai cũng bực mình nhưng chẳng ai dám kêu ca vì chỉ cần Mai khó chịu, người đó sẽ bị sa thải ngay lập tức.
Trong giờ làm việc, Mai toàn bắt nhân viên đáp ứng những thứ chẳng liên quan gì đến chuyên môn như đi mua bánh, hoa quả, bắt đi uống cà phê, shopping cùng mình… Từ ngạc nhiên, Ngân đi đến thất vọng vì một người có năng lực nhiều năm như cô giờ đây lại phải làm việc dưới sự chỉ đạo của một người kém cỏi như thế. Cô cũng nhanh chóng nhận ra mức lương hấp dẫn mà phía công ty đưa ra không đủ lớn để làm mất đi cảm giác phục tùng một kẻ bất tài. Cuối cùng Ngân quyết định xin thôi việc để tìm cho mình một hướng đi mới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn cách giải quyết tiêu cực như Ngân. Phương, nhân viên bán hàng của một công ty mỹ phẩm đã từng trải qua giai đoạn cực kì tồi tệ vì là cấp dưới của một quản lý không chỉ kém cỏi, bất tài mà còn rất xấu tính. Phương và các đồng nghiệp từng bị tay quản lý này cướp công doanh số bán hàng, khiến không ít lần họ bị lãnh đạo khiển trách nặng nề, lương thưởng bị cắt. Không thể chịu mãi được cảnh bị oan ức như vậy, cô cùng đồng nghiệp làm đơn tố giác hành vi và cung cách quản lý yếu kém của người quản lý. May mắn là lãnh đạo cuối cùng cũng hiểu ra vấn đề, người quản lý bị thay thế bằng một người có năng lực và rất chu đáo với anh em.
Chuyện gặp phải sếp kém năng lực và trình độ quản lý yếu không còn là chuyện lạ lẫm vì cơ chế “tế nhị” ở một số công ty. Có những người nhờ may mắn hơn là nhờ năng lực mà leo lên được vị trí cao trong công ty, doanh nghiệp. Thực tế đó là một điều vô cùng tồi tệ với những cấp dưới chịu sự chỉ huy của sếp đó. Tuy nhiên những nhân viên trẻ hiện nay đã hoàn toàn tin tưởng vào cơ chế “tự đào thải” khắc nghiệt của thị trường lao động.

Theo Dân Trí

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không