Kiến thức Đào tạo MBA – Có phải “Muốn giỏi thì học” ?

MBA – Có phải “Muốn giỏi thì học” ?

11
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam“Có nên học thêm MBA để dễ thăng tiến?” – câu hỏi đơn giản nhưng… khó trả lời. Chẳng ai dám khuyên bạn đầu tư một khoản lớn thời gian, công sức và tiền bạc cho một khóa học khi không chắc khoản đầu tư này có sinh lợi hay không.
Hẳn chúng ta đều biết, bên cạnh kinh nghiệm, bằng cấp đóng vai trò khá quan trọng cho con đường thăng tiến. Không ít bạn bè, đồng nghiệp và ứng viên từng hỏi tôi: “Có nên học thêm MBA để dễ thăng tiến?” – câu hỏi đơn giản nhưng… khó trả lời. Chẳng ai dám khuyên bạn đầu tư một khoản lớn thời gian, công sức và tiền bạc cho một khóa học khi không chắc khoản đầu tư này có sinh lợi hay không. 
Trong trường hợp của tôi, tôi sẵn sàng khẳng định học MBA rất “đáng đồng tiền”, nhưng với bạn, tôi đành thưa: “Cũng còn tùy…”
Ước mơ & thực tế

Khởi nghiệp từ vị trí chuyên viên phân tích tài chính ở một công ty đầu tư bất động sản tại Washington DC, tôi tiếp nhận rất nhiều kiến thức về tài chính và cách thức đầu tư bất động sản, nhưng lại không biết rõ về marketing, tài chính doanh nghiệp, kế toán, sales và quản trị
1995 là thời kỳ Internet bắt đầu khởi động, tôi hoàn toàn “mê mẩn” trước tiềm năng của công nghệ mới này và bắt đầu nghĩ về hướng đi cho tương lai – điều hành một công ty về Internet. Thế nhưng, mỗi lần phỏng vấn với bất kỳ công ty nào trong ngành Internet, tôi đều nhận được cái lắc đầu hoặc may mắn hơn, họ chỉ mời tôi vào làm phòng tài chính. Tôi nghiệm ra mình phải phát triển thêm kỹ năng mới có thể theo đuổi ước mơ.
“Rớt” & “đậu”

Lần đầu tiên nộp đơn học MBA, tôi nhận được… thư từ chối của trường. Không nản chí (bí quyết thành công đầu tiên của tôi), năm sau, tôi lại nộp đơn tiếp và may mắn trở thành sinh viên Cao học của trường Darden, Đại học Virginia niên khóa 1997. Cảm giác khi ấy thật tuyệt! Tôi gặp nhiều bạn bè mới tài giỏi, năng động đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Phương pháp dạy học theo tình huống của trường giúp chúng tôi tìm hiểu những khó khăn có thực trong kinh doanh và tự tìm ra giải pháp cho mỗi vấn đề. Ngoài ra, tôi còn “lận lưng” được một số vốn kha khá về marketing, tài chính doanh nghiệp, sales và kỹ năng thuyết trình. 
Đạt nấc thành công

Tốt nghiệp MBA vào 1999 – giai đoạn bùng nổ của Internet, tôi đánh liều “di cư” đến Thung lũng Silicon, California. Thú thật, tôi cũng hơi lo ngại khi “phiêu lưu” hết nửa vòng đất nước trong tình trạng “thất nghiệp”, nhưng để theo đuổi ước mơ trở thành giám đốc điều hành của một công ty Internet, tôi quyết “liều một phen” (bí quyết thành công thứ hai). Những kiến thức tiếp nhận từ khóa học MBA thật sự là chìa khóa giúp tôi mở ra nhiều cánh cửa cơ hội mới. Tôi nhanh chóng giành được một vị trí quan trọng ở Yahoo! và đảm nhiệm trong bốn năm trước khi về lại Washington DC để nhận chức vụ cao hơn tại AOL. 
Hai năm sau, tôi khám phá ra thị trường Việt Nam đầy tiềm năng rồi trở thành Giám đốc Điều hành của VietnamWorks. Với tôi, đây quả là một công việc tuyệt vời ở một đất nước tuyệt vời. Mỗi ngày làm việc nhiệt tình ở VietnamWorks cũng thú vị và bổ ích như một buổi học ở lớp MBA. Điều khác biệt duy nhất, những tình huống và quyết định tôi đưa ra đều thật và ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của công ty. MBA quả thực đã đóng góp rất nhiều trong thành công của tôi hôm nay.
Bạn có nên học MBA?

Một lần nữa, tôi phải nói: “Cũng còn tùy…”. MBA thích hợp cho những ai sẵn sàng chuyển nghề, vì bạn sẽ không bị bó hẹp trong một lĩnh vực nào. Nếu bạn thật sự yêu thích công việc hiện tại, đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng (bí quyết thành công thứ ba), bằng MBA sẽ không cần thiết. Mặt khác, học thêm kiến thức cũng chẳng gây “thiệt hại” gì cho công việc. Bạn có thể mở mang kiến thức và tích lũy thêm kinh nghiệm mới. Khi ứng tuyển vào những vị trí quản lý cao cấp, đôi lúc tấm bằng MBA chính là yếu tố phân định thắng bại giữa hai ứng viên.
Muốn biết thì hỏi

Tục ngữ Việt Nam có câu “Muốn biết thì hỏi, muốn giỏi thì học”. Nếu bạn đang phân vân về việc học MBA, đừng ngần ngại xin lời khuyên từ những “tiền bối” trong công việc bạn đang hướng đến. Họ đã đạt được vị trí đó như thế nào? Những kỹ năng nào họ cho là quan trọng nhất? Họ có khuyên bạn nên học MBA hay không? Tại sao? Ngoài MBA, bạn cần học thêm những gì?… Một khi đã có được những thông tin cần thiết, bạn sẽ dễ dàng rút ra được câu trả lời cho mình.

Theo Chris Harvey – CEO VietnamWorks

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không