Tháng 4-1995, hai ông McCormack và Laking thông qua một công ty của họ tại Ailen đã thành lập liên doanh với Công ty Khai thác đá Nghệ An, gọi là liên doanh Anh Việt. Liên doanh Anh Việt có vốn đầu tư ban đầu gần 1,8 triệu USD, trong đó công ty của hai ông McCormack và Laking góp 55,5%, còn lại là của Công ty đá Nghệ An.
Hình sự hóa tranh chấp đầu tư nước ngoài
Liên doanh Anh Việt hoạt động từ năm 1996 đến năm 2000 với chủ tịch hội đồng quản trị là ông McCormack. Trong thời gian này, hai ông McCormack và Laking đã chuyển nhượng hầu hết phần vốn góp của mình tại liên doanh Anh Việt cho những người nước ngoài khác nhưng được ủy quyền quản lý toàn bộ cổ phần.
Tháng 5-2000, ông Laking ký hợp đồng chuyển nhượng hẳn phần vốn góp của bên nước ngoài tại liên doanh Anh Việt cho Công ty Khai thác đá Nghệ An với giá 420.000 USD và nhận lại một máy nghiền đá. Nhận đủ tiền, hai ông McCormack và Laking chia nhau, riêng máy nghiền đá thì đem cho thuê, mỗi tháng thu 5 triệu đồng…
Việc chuyển nhượng vốn góp cho Công ty Khai thác đá Nghệ An không có sự bàn bạc, thỏa thuận, đồng ý của các nhà đầu tư nước ngoài khác – những người đã ủy quyền cho hai ông McCormack và Laking quản lý cổ phần. Vì thế, sau khi phát hiện ra sự việc, tháng 5-2002, họ đã gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an.
Sau đó, ông Laking bị khởi tố, truy tố, kết án sáu năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Riêng ông McCormack đã xuất cảnh khỏi Việt Nam nên cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm tách ra để xử lý sau. Theo tòa sơ thẩm, hai ông McCormack và Laking đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 210.000 USD (khoảng 4 tỉ đồng) của các chủ đầu tư nước ngoài khác.
Xem xét lại, tòa phúc thẩm cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự hóa tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Ở đây, bản chất của vụ việc là sự tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài, tại các công ty nước ngoài, phát sinh do có hoạt động đầu tư vào các mỏ đá ở Việt Nam. Liên quan đến tranh chấp này, một công ty nước ngoài từng khởi kiện tại Tòa án London (Anh) hồi tháng 8-2002. Như vậy, tranh chấp đầu tư quốc tế này phải do tòa án hoặc trọng tài nước ngoài giải quyết.
Từ đó, tháng 8-2011, tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, chỉ áp dụng hình phạt là trục xuất ông Laking ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Mập mờ ranh giới có tội hay không
Tháng 7-2000, nguyên giám đốc chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp 3 (Centrimex 3) Hoàng Đình Dung ký hợp đồng bán cho một công ty nông sản 10.000 tấn phân bón urê với trị giá hơn 21,6 tỉ đồng. Cùng ngày, Dung ký hợp đồng mua 10.000 tấn phân bón trên với giá 1,45 triệu USD với một công ty ở Đức. Đôi bên thỏa thuận thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ L/C và không hạn chế do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phát hành.
Hai tháng sau, tàu chở số phân bón trên nhập Cảng Sài Gòn. Sở giao dịch 1 của Ngân hàng NN&PTNT qua kiểm tra bộ chứng từ thấy có ba lỗi nên thông báo cho Dung biết. Dung đã lấy lý do bộ chứng từ có lỗi nên không nhận hàng, khiến chủ tàu phải cho tàu về Cảng Karachi (Pakistan) bán để thu hồi chi phí. Từ đó, phía ngân hàng nước ngoài đã phong tỏa, trích tài khoản của Ngân hàng NN&PTNT mở tại Đức với số tiền hơn 20 tỉ đồng bao gồm tiền hàng gốc và lãi chậm trả.
Khi truy cứu trách nhiệm của Dung vì để mất 10.000 tấn phân urê, các cơ quan tố tụng đã phải tranh cãi xung quanh việc Dung có phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước trong hoạt động ngân hàng hay không.
Theo quan điểm thứ nhất, Dung không phạm tội bởi lẽ việc kiểm tra, bắt lỗi chứng từ là do Sở giao dịch 1 Ngân hàng NN&PTNT thực hiện. Việc Dung không nhận hàng là do không có bộ chứng từ. Sở giao dịch 1 Ngân hàng NN&PTNT nắm giữ bộ chứng từ nên mới là người sở hữu hàng.
Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng khi ký hợp đồng mua bán với phía nước ngoài, Dung và Centrimex 3 phải chịu trách nhiệm về lô hàng. Trách nhiệm của Dung trước hết là phải tìm mọi biện pháp để nhận hàng. Nếu có nghi ngờ về chất lượng hàng hóa thì hai bên có thể thương lượng hoặc yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết. Còn ở đây Dung lại từ chối nhận hàng với lý do nại là không có vận đơn gốc.
Những người theo quan điểm này cho rằng bản chất của vấn đề là do vào thời điểm số hàng chở về Việt Nam thì giá phân urê đang liên tục giảm. Nếu nhận hàng để bán lại thì sẽ lỗ nên lấy cớ bộ chứng từ có lỗi, Dung đã không đến ngân hàng nhận chứng từ để đi nhận hàng, đồng thời cũng không yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh để nhận hàng.
Hơn nữa, Dung còn có văn bản gửi ngân hàng là chỉ nhận hàng với điều kiện phải tính giá phân urê theo giá thị trường tại thời điểm nhận và phải giám định lại chất lượng. Như vậy, Dung đã đề nghị ngân hàng từ chối thanh toán L/C và từ chối nhận hàng không có căn cứ. Việc làm trên là thiếu trách nhiệm, dẫn đến thất thoát toàn bộ lô hàng phân đạm tài sản của nhà nước nên Dung cần phải chịu trách nhiệm hình sự…
Phải tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường
Các chế tài và luật pháp hiện còn kẽ hở, kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mang tính quốc tế chưa nhiều nên việc xử lý đối với loại tội phạm kinh tế – chức vụ có yếu tố nước ngoài có rất nhiều thử thách.
Khi giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng không chỉ cần biết các quy định của luật quốc tế mà còn phải hiểu và diễn giải một cách đầy đủ được tinh thần, những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, nếu không dễ dẫn đến cái nhìn phiến diện. Mặt khác, không phải bất cứ những tập quán thương mại quốc tế nào cũng có thể viện dẫn luật nội địa hoặc các hiệp ước để làm căn cứ mà chúng ta có thể dựa trên nguyên tắc thừa nhận lẫn nhau, có đi có lại…
Một vấn đề đáng chú ý khác là trong các quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế cần tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường thay vì sự can thiệp của các cơ quan công quyền theo kiểu xin cho hoặc bằng những mệnh lệnh hành chính khác. Khi phát sinh các tranh chấp trong dân sự, thương mại quốc tế, không thể dùng biện pháp hành chính hoặc hình sự can thiệp mà phải dựa trên các thiết chế trọng tài hoặc tòa án thương mại.
Theo Kinhtetapdoan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông