Kiến thức Đãi ngộ Làm thế nào nếu bạn bị sa thải?

Làm thế nào nếu bạn bị sa thải?

11
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamBạn sắp bị nghỉ việc do công ty cơ cấu lại, giảm biên chế hay bị sếp đánh giá là không đủ năng lực… Có hằng trăm lý do như thế. Tình trạng đó thật tồi tệ mà nhiều người gọi là ‘bị sa thải’. Bạn nên làm gì với tình huống không may này?
Dưới đây là một số lời khuyên có thể hữu ích cho bạn:
* Có nên xin nghỉ trước khi công ty cho nghỉ việc? 
Trong mọi trường hợp, bạn cũng không nên làm điều này, bởi bạn sẽ không được hưởng những quyền lợi khi bị công ty cho thôi việc như tiền bồi thường hợp đồng, trợ cấp thôi việc cùng những khoản tiền thưởng.
* Có nên thương lượng trước khi nghỉ việc? 
Bạn hoàn toàn nên làm điều này. Theo luật lao động, người lao động có nhiều quyền lợi khi họ nghỉ việc nhưng đa phần họ không biết điều đó.
Bạn có thể trao đổi với sếp để được xem lại quyết định cho thôi việc. Sau đó hãy kiểm tra lại chính sách thưởng phạt của công ty đối với người lao động, đặc biệt là trường hợp của bạn. Bạn cũng có thể tiếp xúc với người đã từng bị công ty cho thôi việc để có được thông tin thực tế nhất.
Bên cạnh đó, bạn có thể trình bày với sếp hay phòng nhân sự về những thành quả bạn đã mang lại cho công ty trong suốt thời gian bạn làm việc với công ty (hãy chắc chắn rằng những thông tin đó được lưu trong văn bản). Nếu gia đình bạn gặp khó khăn khi bạn bị sa thải, bạn cần thông báo cho công ty biết.
Thông thường một nhân viên làm việc có ký kết hợp đồng chính thức với công ty sẽ được bồi thường 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc ở công ty. Ở đây bạn không chỉ thương lượng về tiền lương khi ra đi mà còn nhiều vấn đề khác như: yêu cầu một thư giới thiệu, chế độ bảo hiểm thất nghiệp…
* Những động tác cần làm trước khi nghỉ việc? 
Bạn cần dành ít nhất một ngày để giải quyết những vấn đề cá nhân, đặc biệt là gửi email thông báo cho đồng nghiệp, khách hàng hay người quen rằng bạn chính thức nghỉ việc ở công ty. Điều đó đảm bảo rằng mọi người không bị bất ngờ khi liên hệ đến công ty cũ sau khi bạn đã nghỉ việc. Ngoài ra, họ có thể là những người có thể giúp bạn tìm được công việc mới khi công ty họ có nhu cầu tuyển dụng. Đừng kể lể dài dòng hay phê phán bôi nhọ công ty cũ hay đồng nghiệp. Bạn sẽ thể hiện mình là người chuyên nghiệp và biết cư xử bằng cách nêu ngắn gọn là bạn sẽ nghỉ việc ở công ty từ ngày… tháng… năm và thể hiện lòng cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ của họ trong suốt thời gian bạn làm việc ở đây. 
* Trả lời ra sao nếu có ai hỏi vì sao bạn nghỉ việc? 
Bạn chỉ nên trả lời ngắn gọn, luôn giữ sự thư thái và không đổ lỗi cho bất cứ phía nào. Lý do bạn nghỉ việc có thể được trình bày rất khách quan và không thể hiện sự bất mãn tiêu cực nào. Ví dụ bạn có thể nói “Công ty có chính sách giảm bớt số lượng nhân viên kinh doanh vì công ty đặt ra mục tiêu củng cố thị trường hiện tại và không mở rộng thêm thị trường tiềm năng…”, “Sếp mới của phòng tôi muốn nhân viên của ông ấy biết rành kỹ thuật thiết kế web nhưng tôi lại được tuyển vào vị trí thiết kế đồ họa từ ban đầu. Tôi rất tiếc mình không đáp ứng được ngay nhu cầu mới này vì cần có thời gian đào tạo thêm…” Khi kết câu chuyện, bạn nên chọn một câu có ý nghĩa tích cực như: Tôi rất quý thời gian làm việc ở đây, vì tôi đã trau dồi được nhiều kiến thức và có được nhiều kinh nghiệm làm việc tốt.
* Làm sao để bắt đầu một hành trình mới lạc quan và thành công? 
Khi bị nghỉ việc, thông thường bạn sẽ trải qua 5 trạng thái cảm xúc sau: cảm giác bị từ chối, tức giận, cảm giác bị đánh giá thấp, thất vọng và cuối cùng là đành chấp nhận.
Đừng quá khắt khe với bản thân, bạn hãy nghĩ rằng đây chỉ là thời kỳ không may (dù bạn bị tinh giảm biên chế hay bị sếp đánh giá thấp) nhất thời của mình và bạn sẽ lại chinh phục và gặt hái những thành công mới. Nếu cứ trốn chạy trong sự tức giận và chán nản, bạn sẽ không thể có được năng lượng cho một “hành trình” mới.
Hãy chăm sóc tinh thần và sức khỏe cho mình bằng cách tập thể dục và ăn uống điều độ, trò chuyện cùng bạn bè thân thiết. Hãy lên cho mình một lịch trình mới khả thi và tốt hơn mà bạn thích và đặt mục tiêu làm cho bằng được. Nếu làm được, bạn sẽ không có cảm giác mình bị sa thải mà sẽ tràn đầy sinh khí mới để chinh phục những thách thức mới trong công việc sắp đến.

Theo Vietnamworks

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không