Kiến thức Đãi ngộ Chuyện đồng lương và tiền thưởng

Chuyện đồng lương và tiền thưởng

2
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTết đến, ai chẳng mong chờ lương và thưởng. Trong khi nhiều người hy vọng sẽ có được khoản tiền đáng kể để mua sắm thêm những đồ dùng nhiều tiền đã dự tính suốt cả năm thì không thiếu người chỉ mong có chút tiền để…. vượt cho xong cái tết.
Hơn mười lăm năm trước đây, “dòng văn học vỉa hè” có một bài vè được nhiều người tấm tắc khen hay vì mô tả đúng phần nào thực trạng đời sống công chức vào lúc ấy:
“Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý”.
Tất nhiên chữ nghĩa có phần cường điệu và nếu soi rọi với tình hình hiện nay thì tình hình đã được cải thiện phần nào, nhưng trong chừng mực bài vè trên đây cũng phản ánh một thực tế về đồng lương mà cho đến gần đây vẫn còn nhiều lời than vãn.
Một công chức làm công tác nghiên cứu trong một bài viết trên báo có nhận định rằng chưa bao giờ đồng lương của chúng ta bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của người công chức. Thời bao cấp người ta bám vào đồng lương như một nỗi tủi hổ, nhưng đến thời buổi kinh tế thị trường, sau bao nhiêu lần điều chỉnh lương, tình hình vẫn không khá hơn bao nhiêu so với giá cả vùn vụt tăng như tình hình hiện nay.
Lương không đủ sống, vậy mà nhiều người vẫn tìm mọi cách bước vào cổng công sở, còn vào được rồi thì khối người bám trụ không chịu ra. Anh cảnh sát giao thông trước khi làm công việc này chẳng lẽ không biết mình sẽ nhận được đồng lương không đủ sống? Lương ngành hải quan thấp ai cũng biết nhưng tại sao mấy anh còn trẻ, năng lực dồi dào lại không làm nghề khác mà lại vào đây, thậm chí có người không chừng phải lo lót để có được một chân nhân viên. Ở nhiều địa phương, muốn trở thành công chức là phải có giá. Vậy mà quá nhiều người muốn trở thành công chức. Chẳng qua là vì giờ đây đồng lương nhà nước đã có thêm nhiều “họ hàng” được xã hội mặc nhiên thừa nhận và đang trở thành bầu sữa nuôi sống người công chức.
Người bà con gần nhất của lương là “bổng”. Đó là những cải thiện đáng kể nhờ vào lợi thế, tư thế của cơ quan nhà nước. Bổng nhỏ là việc cải thiện thu nhập cho CBCNV bằng tiền cho thuê mặt bằng, mở quán bia, quán nhậu hay làm dịch vụ giữ xe. Đây là một dạng biến tướng của “kế hoạch 3” thời bao cấp. Bổng lớn hơn là cải thiện chế độ tiền thưởng hằng quý, hằng năm mà thực chất là tự cho mình quyền điều chỉnh nguồn thu ngân sách nhà nước qua các cuộc bình chọn, bình bầu. Mấy năm trước đây ngành điện và bưu chính viễn thông được xem như người mở đường với những khoản tiền thưởng chóng mặt, nhất là mấy dịp lễ tết. Giờ đây bổng loại này được mở rộng ra nhiều ngành và trở thành phổ biến. Chức càng cao, thưởng càng lớn là nguyên tắc vận hành của bổng.
Người bà con thứ hai của lương là “lộc”. Có thể nhận diện người bà con này qua vài hiện tượng phổ biến. Công chức bây giờ đi họp thường có tiêu chuẩn “phong bì”, tiêu chuẩn thế nào tùy thuộc cơ quan tổ chức họp hành, vị trí khách mời và nội dung họp. Ban đầu phong bì chỉ là khoản bồi dưỡng có tính ban phát, dần dần là quyền lợi không thể thiếu, để rồi trở thành căn bệnh mãn tính được xem là chuyện đương nhiên đến mức anh lái xe cho sếp cũng có phong bì. Lộc còn là của bá tánh tự nguyện cho người công chức tận tình giúp đỡ mình. Ai hơi đâu mà làm không công cho người khác, thôi thì nhiều cũng chỉ đôi ba trăm ngàn đồng, ít thì cũng vài ba chục gọi là chút lòng với nhau. Chính nhờ lộc mà chị văn thư ở ủy ban phường, chị hộ lý ở bệnh viện, anh cán bộ tiếp dân, thậm chí cả anh dân phòng cũng… sống được. Tất nhiên không thể so sánh với “lộc” của người có quyền cao chức trọng, nay đã biến dạng, không còn nhẹ tênh như thuở ban đầu, mà đã là sản phẩm của cơ chế xin cho. Tâm lý phổ biến trong xã hội hiện nay là chung chi cho công chức là cách hữu hiệu nếu muốn đi ngang về tắt”.
Tuy nhiên, không phải công chức nào cũng có điều kiện để hưởng bổng và lộc, mà đa phần vẫn còn chật vật với thu nhập hằng tháng chỉ trông cậy vào đồng lương nhà nước. Thực tế này cũng diễn ra trong khu vực tư nhân. Ngoại trừ các doanh nghiệp có bề dày trong một số ngành sản xuất và dịch vụ, lương của người lao động trong phần lớn các công ty tư nhân cũng chỉ đủ trang trải mức sống hằng ngày cho bản thân. Hiện nay lương tháng 13 tuy chưa được thể chế hóa nhưng đã trở thành một tập quán và khoản tiền này được các xí nghiệp đưa vào cơ cấu đồng lương của người lao động. Và như vậy nhiều người trông chờ các khoản tiền thưởng trong dịp lễ tết ngoài lương để cải thiện chi tiêu cho gia đình.
Khoản thưởng tết hằng năm của các doanh nghiệp lâu nay không chỉ chênh lệch lớn giữa các khu vực kinh tế mà còn tùy thuộc vào hiệu quả công việc của từng người. Tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, hồi cuối tháng 12 vừa qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông báo tình hình thưởng tết năm 2011, tổng hợp số liệu từ báo cáo của 1.140 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn này.
Theo đó mức thưởng tết cao nhất năm nay đạt trên 532 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp FDI và mức thưởng tết thấp nhất là 1,5 triệu đồng người cũng thuộc về doanh nghiệp FDI. Và kết quả mức thưởng tết tổng hợp cho thấy năm nay cao hơn năm trước từ 15 đến 20%, nhưng các cơ quan chức năng nhận định với chỉ số tăng giá tiêu dùng năm 2010 được tổng cục thống kê công bố là 11,75% thì dù tiền thưởng và cả tiền lương có tăng nhưng đời sống của người lao động vẫn gặp không ít khó khăn. Sự chênh lệch về số tiền thưởng tết tại TP. Hồ Chí Minh là gần 600 lần cũng nói lên sự phân hóa rất lớn về đồng lương giữa các ngành nghề.
Các chuyên gia về chính sách lao động cho rằng, mức thưởng tết chênh lệch quá lớn là một tất yếu của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Việc trả lương, trả thưởng đúng với năng lực và sự cống hiến của người lao động là phương thức hữu hiệu để giữ nhân sự có năng lực trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt. Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, các khoản tiền thưởng có tính hợp pháp vì được tính toán và công bố rộng rãi. Nếu các doanh nghiệp, công ty làm nghĩa vụ thuế đầy đủ cho nhà nước thì họ thưởng tết cao cũng là điều bình thường. Đây được xem là động lực để cùng nhân viên phấn đấu nhiều hơn, đạt kết quả công việc cao hơn.
Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho thấy đang có một sự đổi thay trong chi thưởng tết năm nay. Nếu trong hai năm 2007-2008 mức thưởng cao nhất thuộc về các doanh nghiệp chứng khoán, ngân hàng, địa ốc, năm 2009 là các ngân hàng, thì năm nay mức thưởng cao nhất thuộc về nhiều ngành sản xuất như điện tử, sữa, dịch vụ giao nhận, kinh doanh địa ốc và kinh doanh vàng. Thiếu vắng của ngành ngân hàng trong danh sách này phản ánh sự khó khăn của ngành này trong năm 2011.
Trong khi thưởng tết là sự kỳ vọng của người lao động ở các doanh nghiệp thì đối với các cấp quản lý và chủ doanh nghiệp, đó là nỗi lo toan về một trách nhiệm nặng nề phải hoàn thành để bảo đảm cho người lao động năm nay có một cái tết tốt hơn năm trước. Như vậy mới thấy chung quanh chuyện lương, chuyện thưởng vẫn còn lắm vấn đề vừa giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mà lại vừa là một trong những động lực tăng năng suất để nền kinh tế phát triển.

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không