Indonesia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, có thu nhập cao dự trù tăng lên gấp đôi vào năm 2020 và một tỷ lệ tăng trưởng đều đặn trên 6 % một năm bất chấp khủng hoảng toàn cầu.
“Dân số trẻ, tầng lớp tiêu dùng mới và tốc độ đô thị hóa nhanh là những lực đẩy sẽ đưa nền kinh tế 850 tỷ USD này tăng từ vị trí 16 hiện nay lên thứ 7, xếp trên cả các nước phát triển như Anh và Đức vào năm 2030”.
Đó là một khẳng định trong Báo cáo Khám phá tiềm năng phát triển của Indonesia (The archipelago economy: Unleashing Indonesia’s potential) của Hãng nghiên cứu McKinsey Global Institute cách đây không lâu.
“Vượt mặt” Anh, Đức
Là quốc gia đông dân thứ tư trên địa cầu, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, có thu nhập cao dự trù tăng lên gấp đôi vào năm 2020 và một tỷ lệ tăng trưởng đều đặn trên 6 % một năm bất chấp khủng hoảng toàn cầu. Dân số trẻ là yếu tố tăng sức sản xuất của nước này. McKinsey ước tính khoảng 70% dân số Indonesia vẫn ở độ tuổi lao động (từ 15 – 64) trong 18 năm tới. Ông Raoul Oberman, Chủ tịch McKinsey & Company Indonesia cho biết: “Indonesia có dân số tăng nhanh hơn, sức lao động tốt hơn và trẻ hơn rất nhiều so với các nước Tây Âu.”
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại các thành phố nhỏ cũng sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Indonesia, cho thấy vai trò chủ đạo của Jakarta đang giảm dần, mặc dù Thủ đô vẫn đang đóng góp 1/4 vào GDP của quốc đảo này. Theo McKinsey, 86% GDP của nước này sẽ đến từ khu vực thành thị năm 2030. Oberman cho biết: “Các thành phố lớn như Jakarta hay Surabaya đang là trung tâm kinh tế của Indonesia. Nhưng chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai sẽ nằm tại các thành phố không thuộc đảo Java như Pekanbaru, Pontianak, Karawang, Makassar và Balikpapan”…
Tỷ lệ người tiêu dùng tăng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trên thế giới, không kể Ấn Độ và Trung Quốc, chính là bằng chứng cho thấy cơ hội phát triển thị trường mà Indonesia mở ra. Tỷ lệ người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy các thị trường nội địa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, đảm bảo rằng nền kinh tế Indonesia không dễ bị tổn thương trước các cú sốc trong tương lai.
Tuy nhiên, Indonesia thường bị nghĩ rằng chẳng có gì ngoài các tài nguyên thiên nhiên. Rõ ràng là đảo quốc này rất giàu tài nguyên thiên nhiên với các thứ bậc đáng nể: nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, xuất khẩu than đá lớn thứ hai thế giới, sản xuất cacao và thiếc lớn thứ hai thế giới, có trữ lượng nickel và bauxite lớn thứ tư và thứ bảy thế giới. Indonesia cũng có nhiều nguồn tài nguyên địa nhiệt nhất thế giới…
Trên thực tế, Indonesia không dựa vào xuất khẩu, và càng không dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Indonesia là nước nhập khẩu dầu ròng từ năm 2004. Có thể hơi ngạc nhiên đối với các nhà quan sát khi một nửa GDP nước này đến từ các lĩnh vực dịch vụ như dịch vụ tài chính (đặc biệt là tiết kiệm và đầu tư), bán lẻ và viễn thông.
Nền kinh tế Indonesia cũng thường bị cho là “bất ổn”. Nhưng quốc đảo này đang tăng trưởng bền vững với tỷ lệ ấn tượng 4 – 6% trong vòng 10 năm qua, không bấp bênh như các nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc hay bất kỳ nước phát triển nào khác. Nợ công của Indonesia đã giảm 70% trong chỉ một thập kỷ và hiện ở mức thấp hơn nhiều so với con số 85% của các nền kinh tế phát triển. Lạm phát, từng ở mức trên 30% cách đây 10 năm, giờ dừng lại ở mức 8%, tương đương với con số này ở các nền kinh tế chín muồi hơn như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Những thách thức
Tất nhiên, cho dù đã tham gia câu lạc bộ nhóm G20, con đường phát triển của Indonesia vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức. François Raillon nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan nghiên cứu quan hệ quốc tế, CERI của Pháp phân tích rằng, mô hình phát triển thần kỳ của Indonesia đương nhiên có nhiều nhược điểm. Thứ nhất Indonesia là một đất nước rộng lớn với hơn 17.000 hòn đảo cho nên Jakarta không dễ quản lý tình hình. Đương nhiên là có những vùng bị phép màu kinh tế bỏ quên.
Một mắt xích yếu kém khác là như nhiều nước đang phát triển, Indonesia cần cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở yếu kém. Thế rồi khi kinh tế phát triển, thì kèm theo đó là phân hóa giàu nghèo cũng rõ rệt hơn; tình trạng nghèo khó vẫn tồn tại. Một thách thức nữa đặt ra cho Indonesia liên quan đến vấn đề tôn giáo. Là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất địa cầu, Indonesia luôn đi theo đường lối ôn hòa tuy nhiên chính quyền nước này vẫn luôn phải cảnh giác trước các phần tử cực đoan. Indonesia từng là nạn nhân của nhiều vụ khủng bố. Đây có thể cũng là một yếu tố khiến các nhà đầu tư còn do dự bỏ vốn vào nước này.
Theo Thế giới & Việt Nam
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông