Kiến thức Tài chính kế toán Kết nối thông tin thuế – kho bạc – hải quan –...

Kết nối thông tin thuế – kho bạc – hải quan – ngân hàng: Người dân và doanh nghiệp được lợi gì?

421
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamVới định hướng lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm trong “lộ trình” triển khai dịch vụ công điện tử ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã và đang triển khai hàng loạt ứng dụng mới theo xu hướng chuyển dịch dần từ mô hình phân tán sang mô hình tập trung, đặc biệt là có sự “đoàn kết, thống nhất” của các đơn vị thuộc Bộ nhằm gia tăng lợi ích cho cộng đồng xã hội. Một trong những minh chứng điển hình là dự án Kết nối thông tin thuế – kho bạc – hải quan – ngân hàng.

Không còn cảnh chen lấn nộp thuế

Suốt một thời gian dài, cứ nhắc tới nghĩa vụ nộp thuế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều lắc đầu ngán ngẩm về phương thức làm việc “hành là chính”.

Ước tính trung bình trong 1 năm, doanh nghiệp Việt Nam phải dành tới 1.050 giờ làm việc cho các thủ tục về thuế với 32 lần nộp thuế các loại, trong khi đó thời gian nộp thuế trung bình của doanh nghiệp trong khu vực chỉ là 227 giờ.

Loại trừ những yếu tố tiêu cực như sự sách nhiễu, cửa quyền, tham nhũng của một bộ phận cán bộ công chức, thì những bất cập nêu trên còn do Nhà nước quy định chỉ được phép thu thuế qua kho bạc. Nghĩa là cứ “đến hẹn lại lên”, tất cả doanh nghiệp và người dân đều phải qua kho bạc để làm tròn nghĩa vụ nộp thuế. Có những điểm thu có tới 18.000 đối tượng nộp thuế, tập trung nộp thuế trong 2 – 3 ngày, rất khó tránh khỏi tình trạng rất hỗn loạn, gây phiền hà, tốn kém cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, người dân.

Để góp phần đơn giản, thuận tiện hoá “câu chuyện” nộp thuế, Bộ Tài chính đã có giải pháp triển khai kết nối thông tin thuế – kho bạc – hải quan – ngân hàng.

Với thực tế trên các địa bàn quận, huyện đều đã sự hoạt động của các ngân hàng, cơ quan thuế chỉ cần ký hợp đồng với các ngân hàng rồi chuyển danh sách đối tượng cần thu để ngân hàng thu hộ. Hệ thống đại lý các ngân hàng sẽ thu tiền qua tài khoản của đối tượng cần thu, sau đó nộp lại tiền vào ngân sách.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết dự án kết nối đã được triển khai tại các địa bàn trọng điểm có số thu lớn, đối tượng nộp thuế đông như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng,… Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu tới 6 tháng đầu năm 2011 sẽ phải triển khai dự án kết nối nêu trên ở tất cả 63 tỉnh thành phố đối với những đối tượng, lĩnh vực cần thiết.

Khi đó, người nộp thuế sẽ không còn phải chầu chực để nộp thuế, mà có thể nộp thuế ngay tại nhà bất kỳ lúc nào (trước đây chỉ có thể nộp trong giờ hành chính và những ngày làm việc của cơ quan kho bạc, nay có thể nộp qua thẻ ATM).

Riêng với các doanh nghiệp, việc kết nối và trao đổi trực tuyến về số thuế đã thu giữa các ngân hàng với ngành Hải quan đã giúp cho việc thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời ngay sau khi các đơn vị này hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại ngân hàng.

Trở thành “Thượng đế” khi đi “làm nghĩa vụ”

Điểm rất đáng lưu ý trong dự án kết nối thông tin thuế – kho bạc – hải quan – ngân hàng là với sự tham gia của hệ thống các ngân hàng, “nộp thuế” không còn là một nghĩa vụ đơn thuần mà đã trở thành một hoạt động hấp dẫn đối với những đối tượng nộp thuế.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: Với các ngân hàng thương mại, mục tiêu cuối cùng là làm sao để khách hàng đến nộp thuế, nộp ngân sách trở thành nhóm khách hàng tiềm năng, sau đó sẽ là khách hàng dịch vụ lâu dài, bền vững của ngân hàng. Trên thực tế, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều hình thức, chương trình như quay số trúng thưởng… dành cho các đối tượng nộp thuế tại ngân hàng.
Rõ ràng, “sáng kiến” sử dụng thế mạnh của các ngân hàng thương mại để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp đã khiến cho “nghĩa vụ” nộp thuế trở thành hoạt động hấp dẫn, thú vị hơn trước rất nhiều (trước đây, các cơ quan thu như kho bạc, cơ quan thuế không bao giờ có chuyện “thưởng” như vậy bởi ngân sách Nhà nước không có những mục chi này; mặt khác, theo Luật Công chức thì cán bộ kho bạc, thuế không được phép làm dịch vụ như ở ngân hàng – PV).

Nhìn nhận một cách khách quan thì với việc tham gia thu ngân sách, các ngân hàng sẽ có thêm một lượng khách hàng nhất định. Và để tăng tính cạnh tranh, ngân hàng sẽ tích cực đầu tư dịch vụ hiện đại, phát triển thêm các sản phẩm mới, chẳng hạn như thu qua tài khoản, qua Internet, qua điện thoại di động… Điều này đồng nghĩa việc nộp thuế của người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng đa dạng, tiện lợi.

Cần “chuẩn hoá” dữ liệu nộp thuế

Để dự án kết nối thông tin thuế – kho bạc – hải quan – ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả thì độ chính xác, thống nhất về thông tin dữ liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Phạm Anh Tuấn, do Kho bạc Nhà nước chưa tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng nên vẫn còn những thông tin dữ liệu chưa “khớp”, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, ngành Thuế đang nỗ lực tập trung hoá cơ sở dữ liệu nhưng một số đơn vị vẫn chưa thống nhất danh bạ người nộp thuế với Tổng cục và các đơn vị khác. Trong bối cảnh các ngân hàng như Viettin Bank đang đẩy mạnh việc thu thuế qua các kênh tự động, đòi hỏi thông tin phải hoàn toàn chính xác, thì những bất cập vừa nêu sẽ gây khó khăn lớn cho các ngân hàng.

Ghi nhận phản ánh của ông Tuấn, ông Trần Nguyên Vũ, Phó Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết lãnh đạo Bộ Tài chính đã đồng ý với phương án Tổng cục Thuế chủ trì vận hành cổng thông tin trao đổi của các cơ quan thu với các ngân hàng. Tất cả thông tin về người nộp thuế, các nghĩa vụ thu nộp của các đối tượng nộp trên cả nước sẽ tập trung ở Tổng cục Thuế, và Tổng cục Thuế có trách nhiệm đảm bảo thông tin đó phải chính xác, đầy đủ để các ngân hàng thương mại có thể kết nối, truyền qua Internet để tra cứu thông tin. Khi đó, các ngân hàng không phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng mà có thể sử dụng qua hệ thống của cơ quan thuế, hải quan để thực hiện thu tốt hơn.

“Theo kế hoạch của ngành Thuế, trong năm nay sẽ thí điểm tập trung dữ liệu qua cổng thông tin kết nối với các ngân hàng và các cơ quan liên quan”, bà Lê Hồng Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết thêm.
Cũng theo định hướng của Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi đối tượng ngân hàng tham gia kết nối thông tin với thuế – kho bạc – hải quan để đáp ứng nhu cầu của số lượng rất lớn đối tượng nộp thuế trên phạm vi cả nước (hiện Kho bạc Nhà nước chỉ được phép mở tài khoản ở ngân hàng quốc doanh và uỷ nhiệm thu ở 3 ngân hàng thương mại cổ phần).

Tại Hội nghị bàn tròn thuộc Hội thảo Triển lãm Ứng dụng CNTT trong ngành
Tài chính (ICTF 2010) vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng
giám đốc Kho bạc Nhà nước đã công bố kế hoạch triển khai dự án Kết nối
thông tin thuế – kho bạc – hải quan – ngân hàng trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với Kho bạc Nhà nước: Chuyển đổi ứng dụng TCS sang mô hình
tập trung; Xây dựng Cơ sở dữ liệu tập trung về thu ngân sách Nhà nước
(giao diện với Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc –
TABMIS; kết nối với Trung tâm dữ liệu Bộ Tài chính); Xây dựng Cổng trao
đổi thông tin với các ngân hàng; Nghiên cứu giải pháp về xác thực điện
tử, áp dụng chữ ký số để pháp lý hóa các dữ liệu điện tử.
Đối với cơ quan thu: Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước và các ngân
hàng thương mại trong việc cung cấp dữ liệu về số phải thu ngân sách Nhà
nước; Rà soát chuẩn hóa lại danh mục đối tượng nộp thuế và sổ thuế đảm
bảo đầy đủ, chính xác; Tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng nộp thuế
về mã số thuế, nội dung mục lục ngân sách và các thông tin bắt buộc
phải cung cấp khi thực hiện nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng.

Đối với các ngân hàng thương mại: Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu
và chương trình ứng dụng kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch
Core-Banking nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin và quy trình xử lý
nghiệp vụ nội bộ phía ngân hàng, qua đó số thu ngân sách Nhà nước sẽ
được phản ánh tức thì vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng;
Nâng cao tiện ích nhằm mục tiêu thu đa điểm – liên chi nhánh trên toàn
quốc, theo đó người nộp thuế có thể nộp tại bất kỳ địa bàn nào với các
hình thức khác nhau.

(Theo Tài chính điện tử)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không