Kiến thức Đãi ngộ Làm sao để thương lượng lương thành công?

Làm sao để thương lượng lương thành công?

100
Thương lượng lương là một trong những việc rất quan trọng bởi nó quyết định đến quyền lợi mà bạn sẽ được hưởng. Vậy làm sao để có thể thương lượng lương thành công? 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Thương lượng lương thất bại do đâu?
Trước khi đến với kỹ năng thương lượng lương, bạn cần phải nhận định xem mình có mắc phải những sai lầm nào dưới đây trong khi thương lượng không nhé!
Sử dụng ngôn từ tự ti
“Tôi không biết nếu công ty có đủ ngân sách để trả cho tôi…”
“Liệu anh/ chị có thể xem xét mức lương…”
“Tôi ghét phải hỏi điều này nhưng công ty có thể trả cho tôi…”
Mika Brzeinski, tác giả cuốn sách Hiểu rõ giá trị bản thân chỉ ra rằng ngôn từ tự ti như vậy sẽ đặt bạn vào tình thế yếu và khiến nhà tuyển dụng dễ dàng nói không. Hãy tự tin hơn, mạnh dạn đề nghị một con số hoặc khoảng ước lượng bạn mong muốn nhận được, đồng thời đưa ra lý do xác đáng cho yêu cầu của bạn và lắng nghe phản hồi của công ty với vẻ mặt nghiêm túc, lạc quan kể cả khi họ không (chưa) chấp nhận con số của bạn.

Chấp nhận lời đề nghị đầu tiên
Không nên vội vàng chấp nhận ngay lập tức lời đề nghị đầu tiên của nhà tuyển dụng. Hãy lặp lại con số của họ, yên lặng vài giây sau đó nêu quan điểm của bạn. Nhà tuyển dụng hầu như không bao giờ bắt đầu với lời đề nghị tốt nhất nên bạn phải thương lượng để đi đến một con số đôi bên đều thấy hài lòng.
Nói nhiều
Nói quá nhiều chưa bao giờ là tốt và trong thương lượng lương nói nhiều có thể phản tác dụng, không những thất bại trong việc thuyết phục nhà tuyển dụng mà còn làm tốn thời gian của cả hai. Do đó, thay vì phản ứng lại ngay trước lời đề nghị của nhà tuyển dụng, hãy suy nghĩ trong giây lát. Sự yên lặng có thể khiến họ lo lắng và cải thiện đề nghị mà bạn không cần nói gì.
Thành công trong thương lượng đòi hỏi bạn phải hiểu đối phương mong muốn, từ đó khéo léo trình bày mình có khả năng đáp ứng được những yêu cầu đó. Để làm được điều này, bạn phải chú ý lắng nghe quan điểm của nhà tuyển dụng.
Quá cứng nhắc
Quá cứng nhắc với tư tưởng “Sẽ không chấp nhận nếu nhà tuyển dụng trả dưới…” thường khó đi đến một thỏa thuận chung khiến cả đôi bên hài lòng. Có thể họ không thể trả nhiều tiên hơn cho bạn nhưng cho phép bạn làm việc 4,5 ngày/ tuần hoặc đáp ứng các yêu cầu khác của riêng bạn. Hãy nhớ ngoài tiền lương, bạn còn có thể thương lượng các lợi ích khác như trợ cấp, thời gian nghỉ phép, làm việc tại nhà, cơ hội học tập… Vì vậy, hãy xác định điều bạn muốn ngoài tiền lương ở công việc này và linh hoạt khi thương lượng.
Bắt đầu với con số mong muốn
Nếu bắt đầu với con số mình mong muốn, khả năng bạn nhận được ít hơn số đó sẽ rất lớn. Thay vào đó, hãy nói quá lên một chút (tất nhiên không quá nhiều), sau đó tiếp tục thương lượng. Luôn luôn củng cố cho yêu cầu của bạn với những lập luận cụ thể về giá trị của bạn, về những gì bạn có thể mang lại hoặc tiết kiệm cho công ty.
Thể hiện rằng mình chắc chắn sẽ nhận việc
Nếu đối phương biết rằng bạn không có sự lựa chọn nào khác và chắc chắn sẽ chấp nhận công việc bằng bất cứ giá nào, bạn sẽ đánh mất sức mạnh “mặc cả” của mình. Kể cả dù bạn không có bất cứ lời đề nghị nào khác, hãy thể hiện rằng bạn không dễ bị lợi dụng và sẵn sàng ra đi nếu không được ghi nhận thỏa đáng.
Thương lượng qua điện thoại
Hãy cố gắng thương lượng trong cuộc gặp mặt trực tiếp. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 60-93% giao tiếp là phi ngôn ngữ. Để hiểu chính xác điều nhà tuyển dụng muốn dựa cả trên ngôn ngữ cử chỉ, thái độ của họ, bạn nên thương lượng trực tiếp. Làm như vậy cho phép bạn kết nối với họ cả về cảm xúc. Qua cái bắt tay, nụ cười, câu chuyện vui, bạn có thể thuyết phục họ tốt hơn.
Dù là vấn đề “cơm áo gạo tiền” nhưng nhiều người lại mắc sai lầm đáng tiếc ở bước quan trọng này và thất bại trong việc nhận được mức lương mong muốn. Vì vậy, muốn thương lượng thành công, bạn nên tránh những sai lầm kể trên.
Cần quan tâm gì khi thương lượng lương?
Quá trình thương lượng để có mức lương thỏa đáng là một khâu cực kỳ quan trọng sau khi bạn nhận được lời mời làm việc của nhà tuyển dụng. Lời khuyên của các giám đốc nhân sự: “Hãy thực tế khi thương lượng lương bổng và cân nhắc thật kỹ nhiều yếu tố quan trọng liên quan”.
Thu thập thông tin
Để biết được mức lương tương xứng cho vị trí bạn ứng tuyển là bao nhiêu, việc thu thập thông tin liên quan đến vấn đề lương bổng là rất cần thiết. Bạn càng nắm bắt được nhiều thông tin, bạn càng có cơ hội thương lượng được mức lương hấp dẫn. Một số nguồn thông tin bạn có thể tham khảo là: khảo sát hàng năm về chế độ lương bổng của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhân sự, các công ty nghiên cứu thị trường. Đặc biệt, bạn bè của bạn có thể là nguồn cung cấp thông tin giá trị về vấn đề “tế nhị” này.
Chọn lời mời làm việc tốt nhất
Nếu bạn được vài nhà tuyển dụng “chấm”, mức lương đề nghị của họ có thể chênh lệch nhau. Tuy nhiên, bạn nên chọn lời mời làm việc mà bạn cho là tốt nhất. Vậy thế nào là “tốt nhất”? Bạn phải xác định được mục tiêu của mình. Ví dụ, là một bà mẹ trẻ, bạn không có thời gian rỗi ngoài giờ làm việc chính thức để cống hiến thêm cho công việc. Rõ ràng trong trường hợp đó lời mời làm việc tốt nhất chính là công việc có mức lương tương đối khá so với năng lực của bạn, và nhất là, cho phép bạn về nhà đúng giờ vào cuối ngày để chăm sóc con trẻ.
Đánh giá lương bổng và các chế độ đãi ngộ
Bạn cần đánh giá mức lương cùng chính sách đãi ngộ của công ty (bảo hiểm y tế, cơ hội đào tạo và phát triển, cơ hội thăng tiến…). Bạn sẽ so sánh chế độ lương bổng đó với mong muốn của bản thân và chính sách lương bổng bình quân của thị trường. Sau đó bạn hãy tự hỏi “Mức lương và các chế độ đãi ngộ đó có thể thỏa mãn các chi phí sinh hoạt và những mong muốn cơ bản khác của tôi?”
Biết người biết ta…
Sau khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có những động thái sau đây không: gửi thư mời làm việc cho bạn rất nhanh, gọi điện kiểm tra xem bạn đã nhận được thư mời chưa, hỏi thăm nhiệt tình và hẹn gặp lại bạn… Tóm lại sự thể hiện quan tâm rất đặc biệt của nhà tuyển dụng đối với bạn đồng nghĩa với việc họ cần bạn. Khi đó bạn có thể an tâm vì bạn sẽ có ưu thế trong quá trình thương lượng lương bổng. Ngược lại, bạn có thể chỉ là sự lựa chọn thay thế nếu như bạn nhận được thư mời làm việc khá lâu sau khi phỏng vấn, bạn cảm thấy khó khăn khi muốn hẹn gặp nhà tuyển dụng…
Kỹ năng thương lượng lương thành công
Allen Salikof, chủ tịch và là CEO của một trong những công ty tuyển dụng quốc tế lớn nhất thế giới nói: “Bạn hãy tìm hiểu về mức lương trước khi thỏa thuận, bao gồm tiền thưởng, hoa hồng, bảo hiểm, trợ cấp cho người phụ thuộc, việc chia lợi nhuận, tiền lương ngày nghỉ, quyền được mua cổ phiếu của công ty… Tất cả những khoản trợ cấp này sẽ ảnh hưởng đến tài chính của bạn, vì vậy đừng bao giờ tính lương mà không tính cả những khoản kể trên”.
Dưới đây là những bí quyết mà Salikof chia sẻ với những ai mong muốn có một mức lương cao hơn:
1. Yêu cầu
Chắc bạn đã từng nghe quy tắc “Không hỏi thì không nói” rồi đúng không. Vậy quy tắc đầu tiên của việc thỏa thuận lương là “Không hỏi thì cũng chẳng được nhận”. Bạn sẽ không thể nhận được mức lương cao hơn nếu bạn không dám mở lời đòi hỏi cho điều đó. Vì vậy, hãy chuẩn bị kỹ lý lẽ và tâm lý để thoả thuận lương.
2. Tìm thông tin
Bạn cần tìm hiểu xem những người ở cùng vị trí như mình kiếm được bao nhiêu tiền. Cách tìm hiểu có thể là dò hỏi người quen, lướt qua những trang quảng cáo việc làm, hoặc xin tư vấn ở các công ty môi giới tuyển dụng.
3. Biết rõ giá trị bản thân
Bạn đã từng có thành tích đặc biệt như có sáng kiến tiết kiệm tiền cho công ty, cải tiến quy trình, hoàn thành chỉ tiêu nào đó, hay góp phần đáng kể trong kết quả kinh doanh của công ty?
Hãy cố gắng biết chính xác sự đóng góp của bạn mang lại hiệu quả bao nhiêu tiền. Và dựa trên mức đó, bạn có thể đề nghị mình xứng đáng được hưởng 5% mức đó.
Và khi đề nghị tăng lương, hãy chủ động nêu lên được những đóng góp đáng kể của mình cho công ty, quá đó chỉ ra được giá trị của mình.
4. Tự làm luật sư biện hộ cho mình
Chủ động trình bày cho sếp thấy những việc mình đã làm được. Không ai có nhiều thông tin về bạn hơn chính bạn, vì vậy bạn phải sẵn sàng trình bày với mọi người về mình. Đừng bao giờ đợi sếp nghĩ tới việc tăng lương cho bạn, hay nhớ ra bạn đã không được lên lương từ 10 năm nay. Chính bạn phải sẵn sàng đòi hỏi quyền lợi cho mình.
5. Lên kế hoạch trước
Nếu bạn muốn tăng lương trước thời hạn, bạn nên báo cho sếp biết bạn muốn thảo luận về vấn đề này. Hãy đề nghị một cuộc hẹn với sếp, và lúc đó bạn có thể gợi ý khoản lương bạn muốn tăng với sếp.
6. Không bao giờ là quá trễ
Nếu kì đánh giá hiệu quả công việc đã trôi qua, nhưng bây giờ bạn lại muốn được tăng lương? Vậy thì bạn có thể xin tăng ở các khoản khác – có thể là tiền thưởng, hoa hồng… hoặc yêu cầu một lần đánh giá mới vì những thành tích mới hoàn thành của bạn.
7. Đợi đến lượt mình
Trong phỏng vấn, tốt nhất bạn không nên vội vàng hỏi “Ông/ bà sẽ trả lương tôi bao nhiêu”. Hãy đợi người phỏng vấn đưa ra mức lương trước. Hoặc nếu người phỏng vấn muốn bạn tự đề nghị mức lương mong muốn? Hãy nói khái quát về khoảng lương bạn muốn, kiểu như “Mức lương của tôi tùy thuộc vào công việc cụ thể tôi làm. Ông có thể cho tôi biết công việc tôi sẽ làm không?
Còn trong trường hợp mọi chuyện đã ngã ngũ, bạn thật sự cần phải nói ra mức lương mình muốn cho nhà tuyển dụng biết và cân nhắc, thì như lời khuyên phía trên, hãy tham khảo kĩ mức trên thị trường để đưa ra một con số hợp tình hợp lí.
8. Biết dừng đúng lúc
Hãy nghĩ đến một cơ hội việc làm khác nếu bạn không thể nhận được một mức lương xứng đáng. Khi đã có một công việc mới “lót tay”, bạn sẽ tự tin hơn trong việc thương thảo tăng lương.
Tuy nhiên, nếu như bạn đã trình bày thành tích của mình nhưng không được tăng lương thì cũng đừng bỏ việc ngay. Bạn sẽ dễ dàng tìm được việc khác khi bạn đang làm việc hơn là khi đang thất nghiệp.
9. Tính hết mọi khoản
Khi bạn tính lương, nhớ gồm cả những khoản khác như: tiền thưởng, hoa hồng, bảo hiểm, chi phí đi lại, chia lợi nhuận v.v.
Nếu nhà tuyển dụng hỏi mức lương hiện tại của bạn bao nhiêu, bạn có thể thành thật trả lời “Cộng tất cả các khoản thì lương tôi là …” và tính tất cả các khoản trên để ra một con số cho họ biết.
10. Chớ đánh giá thấp sự hài lòng
Nếu bạn hạnh phúc với công việc hiện tại nhưng lương lại thấp hơn mức bạn muốn một chút, vậy thì có lẽ chưa phải là lúc bạn cần ra đi. Rất khó để quy ra tiền giá trị của sự thoải mái, hài lòng khi bạn được làm việc mà mình yêu thích.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không