Kiến thức Đãi ngộ Nhân lực ngành tài chính: Nóng vì lương

Nhân lực ngành tài chính: Nóng vì lương

6
Chưa bao giờ nhân lực và kèm theo đó là chuyện tiền lương trong lĩnh vực tài chính lại nóng như bây giờ. Các công ty tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kiểm toán, quỹ đầu tưliên tục kêu thiếu nhân lực và sẵn sàng tuyển dụng ngay lập tức nếu gặp một ứng cử viên đủ tài năng và kinh nghiệm.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh nhân lực, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn vượt lên trước với ưu đãi về điều kiện việc làm, lương bổng, đào tạo. Còn giữa các doanh nghiệp trong nước, các công ty tư nhân đang lấn lướt doanh nghiệp quốc doanh trong tuyển dụng nhân viên.

Phó tổng giám đốc thu nhập sáu triệu đồng
Cuối năm ngoái, cả một dàn nhân viên tín dụng của ngân hàng P chuyển sang làm việc tại ngân hàng S. Lý do được những người chuyển đi nêu ra là thu nhập ở nơi mới cao hơn và nội bộ không lục đục. Trước đó mấy tháng, ngân hàng S cũng đã tuyển dụng một số nhân viên thanh toán của chi nhánh ngân hàng quốc doanh Đ. Ông giám đốc chi nhánh này phàn nàn :”Cứ đà này, chúng tôi sẽ mất sạch nhân viên có kinh nghiệm. Sau vài ba năm công tác, bắt đầu thông thạo nghiệp vụ là họ bị nơi khác rủ rê”. “Sao ông không tìm cách giữ?”, “Giữ sao nổi. Chúng tôi là ngân hàng nhà nước, quỹ lương bị khống chế. Dù có tăng tiền ăn trưa, quần áo, phụ cấp khó khăn… thì cũng không thể bằng thu nhập ở các ngân hàng cổ phần” – ông trả lời chua chát.
Chuyện ngân hàng quốc doanh “mất” nhân viên xảy ra như cơm bữa. Vietcombank năm nào cũng có nhân viên chuyển đi nơi khác làm việc. Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank, nói nửa đùa nửa thật, Vietcombank đào tạo hộ nhân viên cho cả ngành ngân hàng. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, “Có thực mới vực được đạo. Nơi nào thu nhập cao hơn, họ có quyền lựa chọn” . Ông chỉ băn khoăn rằng Vietcombank lợi nhuận làm ra nhiều, kinh doanh hiệu quả mà thu nhập của nhân viên cùng chức vụ, cùng trách nhiệm công việc không bằng các ngân hàng khác. Các trưởng, phó phòng của Vietcombank có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Thanh, cả lương và phụ cấp nhận mỗi tháng trên 6 triệu đồng. Trong khi ở ngân hàng cổ phần, giám đốc một chi nhánh thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng; trưởng, phó phòng ban 7-10 triệu đồng/tháng. Còn tiền thưởng, ngày lễ, nhân viên ngân hàng cổ phần được lĩnh vài triệu đồng/người, nhưng nhân viên Vietcombank chỉ được 200.000 đồng/người. Vậy mà tính về hiệu quả kinh doanh, Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế của riêng chi nhánh Vietcombank TPHCM năm ngoái đạt 520 tỉ đồng, quí 1 năm nay là 175 tỉ đồng. Năm 2005 Vietcombank thành phố sẽ vẫn là ngân hàng dẫn đầu với tổng lợi nhuận trước thuế ước 700 tỉ đồng. Nhưng thu nhập của nhân viên sẽ cũng chỉ bằng năm ngoái.
Lợi nhuận tăng, thu nhập nhân viên ngân hàng không tăng, vì sao? Vì sự bất hợp lý của cơ chế tiền lương. Quỹ lương của các ngân hàng quốc doanh không hình thành trên hiệu quả kinh doanh mà trên số lao động nhiều ít. Ngân hàng nào mạng lưới rộng, nhân viên nhiều thì quỹ lương cao. Tổng quỹ lương của Vietcombank chỉ bằng một phần tư của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tỷ lệ lương so với lợi nhuận làm ra ở các ngân hàng Công thương, Nông nghiệp, Đầu tư và Phát triển dao động từ 500-700 đồng/1.000 đồng lợi nhuận, thì ở Vietcombank là 150-200 đồng/1.000 đồng. Một số ngân hàng quốc doanh phải “lách” bằng cách phân phối quỹ lương cho các chi nhánh ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn thấp hơn ở các chi nhánh tại các thành phố lớn. Họ có lý để làm thế bởi mức sinh hoạt ở các thành phố lớn đắt đỏ hơn và các chi nhánh ở thành phố cũng kinh doanh hiệu quả hơn.

Bảo hiểm lên ngôi
Cách đây ba tháng, một công ty bảo hiểm nhân thọ tuyển dụng được bảy người cho các vị trí trưởng bộ phận, nhưng nay chỉ còn lại một. Ông giám đốc chỉ còn nước kêu trời! Hiện tại không công ty bảo hiểm nước ngoài nào không có ít nhất một vài nhân viên cũ của Bảo Việt hay Bảo Minh. Nhưng sự dịch chuyển nhân lực không chỉ từ các công ty quốc doanh sang doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, mà còn từ các ngành nghề khác “chạy về” bảo hiểm do thu nhập và đãi ngộ của bảo hiểm hấp dẫn. Trong lĩnh vực tài chính, thu nhập của nhân viên bảo hiểm đang đứng đầu. Nếu có thấp, thì chỉ sau dầu khí – trưởng bộ phận một doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận. Giám đốc hỗ trợ kinh doanh, phát triển thị trường của một công ty bảo hiểm nước ngoài được trả 9.000 đô-la Mỹ/tháng. Những so sánh mà chúng tôi thu thập được: giám đốc bán hàng, phụ trách vùng, tỉnh của những công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thu nhập sau thuế từ 500 – 1.000 đô-la Mỹ/tháng thì qua bảo hiểm thu nhập được nâng lên 700 – 1.500 đô-la Mỹ/tháng; giám đốc phụ trách kinh doanh phạm vi toàn quốc thu nhập 1.200 – 2.000 đô-la Mỹ/tháng qua bảo hiểm được trả 1.800 – 2.500 đô-la Mỹ/tháng. Mới đây, một công ty bảo hiểm tung ra “chiêu độc”: mua bảo hiểm mức cao cho người thân như vợ, chồng, con cái của dàn nhân sự cao cấp. Cán bộ quản lý cao cấp ở các công ty bảo hiểm có thu nhập cao bởi áp lực công việc lớn, thời gian không cố định.
Cũng nhưbảo hiểm, chứng khoán là ngành mới hình thành được năm năm và đang phát triển, song mặt bằng lương ở chứng khoán thấp hơn bảo hiểm. Hiện chỉ có tổng giám đốc một công ty chứng khoán có thu nhập khoảng 2.000 đô-la Mỹ/tháng, còn lại đều thấp hơn mức này. Nhân viên chứng khoán lương trung bình không cao, khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Bù lại, họ có thể mua bán cổ phiếu, tự kinh doanh cho bản thân dưới hìnhthức người khác đứng tên. Ngoài ra, các nhân viên môi giới, tự doanh ở một số công ty chứng khoán được thưởng theo một tỷ lệ nhất định với lợi nhuận mà họ mang lại cho công ty. Gần đây có xu hướng nhân viên chứng khoán chuyển sang làm cho các quỹ đầu tư nước ngoài, cả chính thức và không chính thức. Một người đã từng làm việc ba năm cho một công ty chứng khoán giải thích việc anh ta chuyển qua quỹ đầu tư vì thu nhập ở quỹ đầu tư cao gấp đôi, chưa kể điều kiện được tiếp xúc, trao đổi thường xuyên với các chuyên gia tài chính nước ngoài.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không