Kiến thức Đãi ngộ Vì sao nhân viên không dám xin nghỉ phép

Vì sao nhân viên không dám xin nghỉ phép

36
Lần cuối bạn khuyến khích nhân viên của mình lấy ngày phép để đi du lịch là khi nào?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Nhân viên chăm làm đến quên cả sử dụng ngày nghỉ phép nghe có vẻ rất tốt cho các doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp của bạn có thật sự được hưởng lợi từ điều này? Không phải vô cớ mà ngày càng nhiều công ty đưa ra chính sách nghỉ phép không giới hạn cho nhân viên. Mục đích là giúp nhân viên cân bằng công việc và cuộc sống, tăng cường hiệu suất làm việc. Ngoài ra, việc khuyến khích nhân viên đi du lịch kích thích họ luôn sáng tạo, đổi mới trong công việc.  
 
Với vai trò quản lý, bạn đã tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên của mình sử dụng quyền lợi này? Có thể họ cũng rất muốn nhưng không dám vì những lý do dưới đây.
 
1. Sếp không nghỉ sao tôi dám nghỉ
 

Khi sếp không sử dụng ngày phép của mình để đi du lịch hoặc thậm chí việc sếp liên tục online để kiểm tra công việc trong kì nghỉ cũng đủ khiến nhân viên khủng hoảng không dám nghĩ đến chuyện xin sếp nghỉ để đi du lịch vài ngày. Cố kiểm soát mọi công việc ở văn phòng trong khi nghỉ phép vô hình khiến nhân viên hình dung kì nghỉ của họ cũng chẳng thoải mái gì khi liên tục bị sếp réo gọi.
 
Tôi có một anh bạn sống và làm việc ở châu Âu 6 năm, anh ta kể rằng có một đợt ông chủ của anh ta nghỉ phép đi du lịch ở Maldives 4 tuần và thậm chí ông ấy chẳng cần mang máy tính xách tay theo để làm việc. Câu hỏi đặt ra ở đây là công ty có trở nên hỗn loạn khi vắng mặt sếp hay không? Có hậu quả nào nghiêm trọng đã xảy ra khi ông ấy rời đi chăng? Câu trả lời là không. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng sắp xếp và quản lý công việc.
 
2. Không ai có thể làm việc đó ngoài tôi
 

Rất nhiều doanh nghiệp có phong cách làm việc theo kiểu “công việc của ai người nấy làm”, “đó là việc của anh ta, tôi không biết gì cả”. Điều đó đồng nghĩa rằng nếu một trong những nhân viên của bạn nghỉ phép, sẽ không có ai thay thế người đó cả. Kết quả là họ không dám nghỉ phép vì sợ không ai hỗ trợ giải quyết công việc hoặc sợ viễn cảnh quay lại công ty sau kỳ nghỉ. Danh sách các công việc ứ đọng, còn đồng nghiệp và khách hàng thì đang rất tức giận chờ họ quay về giải quyết “hậu quả”.
 
Làm thế nào để nhân viên thoải mái nghỉ phép mà không áy náy hay lo sợ? Các doanh nghiệp thông minh thường đào tạo theo chiều ngang cho nhân viên trong cùng một bộ phận để họ có thể hỗ trợ lẫn nhau khi có một người nghỉ phép hoặc có sự thay đổi nhân sự.
 
3. Tôi muốn thể hiện sự cống hiến hết mình cho công ty
 

Suy nghĩ này rất dễ khiến nhân viên của bạn làm việc đến kiệt sức. Đầu óc cũng như một bộ máy, nếu phải chạy không ngừng nghỉ trong một thời gian dài thì năng suất làm việc sẽ giảm. Nhân viên của bạn, thậm chí chính bạn có thể đang dấn thân vào công việc một cách điên cuồng và không để đầu óc có thời gian giải lao. Việc này không bao giờ là điều đáng tự hào.
 
Bạn còn nhớ câu chuyện tiều phu đốn củi không? Hãy ý thức cho nhân viên về tầm quan trọng khi mài chiếc rìu của họ. Những doanh nghiệp có văn hóa đổi mới sáng tạo luôn kích thích nhân viên không chỉ làm việc chăm chỉ mà còn làm việc một cách thông minh.
 
4. Tôi cũng chẳng biết làm gì trong những ngày nghỉ phép
 

Thực tế là nhiều người không biết làm gì với những ngày nghỉ phép. Du lịch ư? Họ ngại phải chuẩn bị nhiều thứ để đi du lịch, họ không có nhiều kinh nghiệm đi du lịch hoặc muốn đi nhưng lại không có ai đi cùng. Tại sao không tự tổ chức những chuyến dã ngoại, team building hoặc chuyến du lịch cho nhân viên? Tùy theo quy mô công ty, bạn có thể cho phép nhân viên mang theo gia đình hoặc bạn bè. Ngoài ra, bạn có thể tạo cảm hứng và kích thích họ thông qua những bài viết về các chủ đề liên quan đến du lịch, những mẹo sử dụng ngày phép, chia sẻ về các bước chuẩn bị bao gồm giấy tờ, thủ tục khi du lịch nước ngoài…
 
Lời kết:

Lời khuyên cho các nhà quản lý là chủ động khuyến khích nhân viên của mình sử dụng các ngày nghỉ. Hãy giúp họ ý thức được rằng sức khỏe của nhân viên cũng là sức khỏe của doanh nghiệp. Bằng cách này, nhân viên cảm thấy được quan tâm và tăng mức độ gắn kết với tổ chức. Đây yếu tố góp phần quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp.

Theo Hrinsider

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không