Nghị định số 59/5009/NĐ-CP (“NĐ 59”), quy định về tổ chức và họat động của ngân hàng thương mại

1639
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNgày 16/07/2009 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/5009/NĐ-CP (“NĐ 59”), quy định về tổ chức và họat động của ngân hàng thương mại. NĐ 59 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2009 và thay thế cho Nghị định 49/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000. Sau đây là một số nội dung chính.
Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
NĐ 59 quy định về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”) cấp Giấy phép thành lập và hoạt động (“Giấy phép”). Các ngân hàng thương mại (“NHTM”) thuộc đối tượng điều chỉnh của NĐ 59 bao gồm NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần, NHTM liên doanh và NHTM 100% vốn nước ngoài.
Riêng NHTM liên doanh và NHTM 100% vốn nước ngoài (gọi chung là “Ngân hàng Nước ngoài”) sẽ áp dụng các quy định tại NĐ 59 đối với những vấn đề không được quy định tại Nghị định 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam (“NĐ 22”).
Thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động
Theo Điều 9 NĐ 59 thì NHNN là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép. NHNN trong phạm vi thẩm quyền của mình có quyền từ chối cấp Giấy phép nếu tổ chức, cá nhân xin phép không đáp ứng các điều kiện và quy định của NĐ 59. 

Điều kiện để được cấp Giấy phép
Để được cấp Giấy phép thì tổ chức, cá nhân xin phép phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 22 Luật các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 (được sửa đổi năm 2004), các quy định của NĐ 59 này và các hướng dẫn của NHNN. Đối với các ngân hàng nước ngoài, ngoài những điều kiện trên còn phải đáp ứng các điều kiện của NĐ 22. 
Cơ cấu tổ chức hoạt động
Theo NĐ 59 thì số lượng các thành viên của Hội đồng quản trị (“HĐQT”) do Điều lệ quy định nhưng tối thiểu phải là 3 người và tối đa không quá 11 người. Tối thiểu ½ tổng số thành viên HĐQT phải là người không điều hành và thành viên độc lập, trong đó có ít nhất 02 thành viên độc lập. Ngoài ra, phải có it nhất ¾ thành viên HĐQT tốt nghiệp đại học. Chủ tịch HĐQT có thể là thành viên độc lập.
Ban Kiểm soát của ngân hàng phải có ít nhất 03 thành viên trong đó có ít nhất ½ tổng số thành viên là chuyên trách. Ban Kiểm soát có bộ phận giúp việc và được sử dụng bộ phận kiểm soát nội bộ của ngân hàng để thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Tổng Giám đốc có thể là một trong số các thành viên HĐQT hoặc do HĐQT thuê. Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày, chịu sự giám sát của HĐQT và Ban Kiểm soát, chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về việc thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình.
Nhiệm kỳ của HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc là 5 năm. Thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc có thể được bầu hoặc bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Ngân hàng cổ phần
Về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Ngân hàng cổ phần (bao gồm cả NHTM cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), NĐ 59 quy định như sau:
(i) Một cổ đông cá nhân được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ của một ngân hàng. Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một ngân hàng.
(ii) Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một ngân hàng.
(iii) Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt nam.
(iv) Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề nghị của NHNN quyết định mức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định nêu trên.
Áp dụng đối với các ngân hàng thành lập trước ngày NĐ 59 có hiệu lực.
Điều 98 NĐ 59 yêu cầu các ngân hàng được thành lập trước ngày NĐ 59 có hiệu lực phải áp dụng các quy định của NĐ 59 theo lộ trình như sau:
(i) Đối với các quy định về HĐQT và cơ cấu HĐQT nêu tại Điều 16 NĐ 59 thì các ngân hàng phải điều chỉnh cho phù hợp trong vòng tối đa 24 tháng kể từ ngày NĐ 59 có hiệu lực; và
(ii) Đối với các quy định về điều kiện và tiêu chuẩn bầu, bổ nhiệm thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc nêu tại Điều 21 NĐ 59 thì các ngân hàng (a) phải thực hiện cho các lần bầu, bổ nhiệm tiếp theo kể từ ngày NĐ 59 có hiệu lực (đối với thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát); (b) phải thực hiện cho các lần bổ nhiệm mới kể từ ngày NĐ 59 có hiệu lực (đối với Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Giám đốc Sở Giao dịch, Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc các công ty trực thuộc); (c) phải thực hiện điều chỉnh tối đa sau 24 tháng kể từ ngày NĐ 59 có hiệu lực (đối với các trường hợp khác);
(iii) Đối với các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần nêu tại Điều 34 NĐ 59, các ngân hàng phải thực hiện điều chỉnh tối đa sau 24 tháng kể từ ngày NĐ 59 có hiệu lực;
(iv) Đối với các quy định khác của NĐ 59, các ngân hàng phải thực hiện ngay khi NĐ 59 có hiệu lực.

Theo Saga

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không