Kiến thức Chiến lược Những phát hiện bất ngờ về tài chính thế giới 10 năm...

Những phát hiện bất ngờ về tài chính thế giới 10 năm sau khủng hoảng

6
Nhiều người phàn nàn rằng nền tài chính thế giới hầu như không chịu bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào từ cuộc khủng hoảng do chính nó gây ra, bắt đầu khoảng 10 năm trước. Nhưng một báo cáo từ New Financial cho thấy điều này không hoàn toàn đúng.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Lượng vốn tăng thêm mà cơ quan chức năng yêu cầu các ngân hàng nên có trong bảng cân đối kế toán đã phát huy tác dụng. Từ năm 2006 đến năm 2016, hệ số lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROC) của những ngân hàng lớn nhất trên thế giới giảm xuống một phần ba (các ngân hàng ở Anh và châu Âu còn giảm mạnh hơn). Cán cân quyền lực chuyển từ các nước phát triển sang Trung Quốc. Nước này chiếm đến 4 trong số 5 ngân hàng sở hữu lượng tài sản lớn nhất thế giới năm 2016; trong khi năm 2006 Trung Quốc chỉ có 1 ngân hàng nằm trong danh sách 20 ngân hàng lớn nhất thế giới.

Trung Quốc ngày càng sở hữu nhiều ngân hàng lớn.

Những con quái vật nghênh ngang của ngành ngân hàng đầu tư đã được thuần hóa. Doanh thu của ngành này giảm 34% theo giá thực tế, lợi nhuận rớt 46%. Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)cũng giảm hai phần ba. Nhân viên ngân hàng vẫn được trả công hào phóng, tuy vậy tiền lương đã giảm 52% tính theo giá thực tế. Tầm quan trọng tương đối của các bộ phận khác nhau trong ngân hàng cũng thay đổi. Doanh thu của các phòng ban kinh doanh, giao dịch và huy động vốn sụt giảm nhiều hơn so với bộ phận tư vấn sáp nhập và cho vay.

Thay đổi này phản ánh sự phát triển của thị trường. Năm 2016, TTCK chiếm một phần nhỏ hơn trong GDP so với năm 2006, mặc dù phố Wall vẫn xác lập những mức kỷ lục cao. Điều này do thị trường châu Âu và châu Á hoạt động không tốt bằng. Cả thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đều lớn lên so với một thập kỷ trước. Mặc dù khủng hoảng bắt đầu nổ ra do nợ quá mức, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đã tăng gấp đôi theo giá thực tế trong thập kỷ qua, trong khi khối lượng cổ phiếu phát hành mới lại giảm một nửa.

Trò chơi chuyển giao tài sản trên thị trường ngày càng tăng tốc; khối lượng giao dịch cổ phiếu, ngoại hối và các chứng khoán phái sinh tăng lên (theo giá trị thực tế). Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng giao dịch ở Mỹ tăng trưởng trong khi giao dịch nợ châu Âu sụt giảm.

Trong cơn khủng hoảng, các ngân hàng trung ương nới lỏng định lượng để mua tài sản tài chính (ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ hoặc các tài sản tài chính khác để kích thích nền kinh tế). Điều này mang lại nhiều tác động sâu sắc, đáng chú ý nhất là thị trường trái phiếu, thị trường mà lợi tức giảm xuống mức thấp lịch sử (và vì vậy giá tăng lên). Đối lập với cổ phiếu, giá trị của trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ thường cao hơn đáng kể (trong so sánh với GDP) so với 10 năm trước.

Phố Wall xác lập kỷ lục mới không đủ để kéo thị trường cổ phiếu của thế giới đi lên.

Đây là môi trường tương đối tốt cho các nhà quản lý quỹ, những người thu phí nhà đầu tư dựa vào tỷ lệ % trên số lợi nhuận mà họ đem về cho khách hàng.. Lợi nhuận trước thuế của ngành quản lý quỹ tăng 30% trong giai đoạn 2006 đến 2016. 20 công ty lớn nhất kiểm soát 42% tài sản, tăng đến 33% so với một thập kỷ trước.

Tác giả của báo cáo nhấn mạnh rằng: “Thật đáng ngạc nhiên rằng mọi thứ thay đổi ít như vậy”. Điều đó có thể còn ít bất ngờ hơn nếu bạn cho rằng tài chính có hai mặt: một mặt, nó giống như người chèo lái chu kỳ kinh tế thông qua mở rộng tín dụng; và mặt khác, như một kẻ xúi giục khủng hoảng khi các chủ nợ mất tự tin.

Nếu thị trường lao dốc và ngân hàng thất bại, như họ đã từng vào năm 2008, việc chính quyền làm mọi thứ có thể để ổn định thị trường và giải cứu các ngân hàng là điều có thể hiểu được. Tim Geithner, cựu thư ký kho bạc Mỹ, từng nói: “Một việc thật sự có đạo đức cần phải làm trong cơn hỏa hoạn tài chính cuồng loạn này là dập tắt nó”.

Bằng cách bơm thêm vốn cho các ngân hàng, nhà chức trách ít nhất cũng giúp hệ thống này giảm nguy cơ lập lại chính xác những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng trước. Tuy nhiên, thị trường tài chính quốc tế vẫn đang chứng kiến giá tài sản bị thổi phồng và mức nợ cao. Bên ngoài khu vực tài chính, thậm chí nợ còn nhiều hơn 10 năm trước. Tổng nợ của chính phủ, các hộ gia đình và nợ phi tài chính tương đương 434% GDP ở Mỹ, 428% GDP ở EU và 485% GDP ở Anh.

Nói cách khác, việc vay mượn chuyển sang những bộ phận khác của nền kinh tế, nhưng điều này không hề khiến hệ thống tài chính ít nhạy cảm hơn. Một sự sụt giảm bất ngờ của giá tài sản hoặc tăng vọt của lãi suất sẽ làm lộ ra những hòn đá lởm chởm ẩn dưới bề mặt. Ngân hàng trung ương biết điều này, và đó là lý do vì sao họ cẩn trọng trong việc thu hồi các gói kích thích tiền tệ. Trung tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo sẽ vẫn là ngành tài chính, đó là điều không hề thay đổi.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không