Kiến thức Đào tạo Làm thế nào để đối phó với “kẻ trộm” cổ cồn trắng?

Làm thế nào để đối phó với “kẻ trộm” cổ cồn trắng?

136
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamBạn luôn tự hào về các nhân viên của mình – những người đã góp phần làm nên sự thành công của doanh nghiệp. Một số nhân viên chủ chốt gắn bó với bạn, chia ngọt sẻ bùi, và không ít người trong số họ đã tạo dựng được mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khá tốt.

Bạn hãnh diện về họ, và có ý định bổ nhiệm họ vào những vị trí cao hơn. Thế rồi, vào một ngày đẹp trời, họ đến gặp bạn, chìa lá đơn xin thôi việc để “ra riêng”.

Bạn cứ nghĩ rằng, mất đi một nhân viên cừ khôi không có gì đáng sợ lắm, rồi bạn sẽ lại đào tạo người khác thay thế. Tuy nhiên, điều mà bạn ít khi ngờ tới – đó là bí quyết kinh doanh, danh sách khách hàng, có thể đã bị chính những nhân viên này “nhặt nhạnh” mang theo.

Chỉ đến khi nguồn doanh thu giảm đi trông thấy do mất khách hàng, bạn mới nghĩ tới những cựu nhân viên của mình. Làm thế nào để đối phó với những tên “kẻ trộm” cổ cồn trắng này?

“Kẻ trộm” cổ cồn trắng hoành hành khắp nơi

Cách đây không lâu, công ty săn đầu người lừng danh Korn/Ferry đã phải nộp đơn lên tòa án thành phố Redwood, bang California để kiện cựu nhân viên của mình – David Nozal – người từng giữ vị trí trưởng bộ phận săn đầu người cao cấp, vì tội lấy cắp thông tin, dữ liệu mật từ cơ sở dữ liệu khách hàng của Korn/Ferry với ý định “ra riêng”.

Tình trạng lấy cắp thông tin tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng xảy ra tương đối phổ biến giữa cộng đồng các cư dân cổ cồn trắng, đặc biệt là trong các công ty kinh doanh, cung cấp dịch vụ tư vấn hay tuyển dụng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, trong các trường hợp này, theo các chuyên gia nhân sự, thông tin chưa hẳn đã đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, đối với những người đã từng nắm giữ các vị trí quan trọng trong các công ty từng bị thiệt hại vì vấn nạn trên, thanh danh và uy tín của họ quan trọng hơn nhiều.

Ngoài ra, sự hiểu biết thị trường cũng như cách thực hiện công việc cũng là những yếu tố tạo nên sự thành công cho bước đầu khởi nghiệp.

Helena làm việc cho một công ty săn đầu người có tên tuổi tại Berlin từ năm 2000. Sau hai năm làm việc, nhặt nhạnh kiến thức và kinh nghiệm, Helena đã gây dựng được một khối lượng lớn khách hàng cũng như danh sách các ứng viên sáng giá.

Cô được đánh giá là một trong những nhân viên năng động nhất, tạo ra nguồn doanh thu lớn nhất cho công ty. Cuối năm 2002, cô được ban giám đốc thưởng cho một chuyến du lịch dài ngày ở Tây Ban Nha, ngoài khoản tiền thưởng vượt định mức.

Những tưởng con đường sự nhgiệp của cô sẽ mở ra từ đây, bởi mới chỉ hai năm mà cô đã tạo ra cho mình một vị trí cùng mức đãi ngộ đáng mơ ước. Thế rồi, vào một ngày đẹp trời, cô ăn vận lịch sự, gõ cửa phòng làm việc của cấp trên và khẽ khàng đặt lá đơn xin thôi việc lên bàn trước sự ngỡ ngàng của bà giám đốc.

Điều đáng nói là, cùng một lúc, công ty mất hai nhân viên chủ chốt. Helena đã kịp rủ rê thêm một nữ nhân viên sáng giá trong bộ phận của mình để tính chuyện “ra riêng”. Mặc cho bà giám đốc ra sức thuyết phục, Helena vẫn cương quyết từ chối việc ở lại công ty.

Cùng với người bạn của mình, cô mở công ty cung cấp dịch vụ săn đầu người cao cấp. Đương nhiên, tỷ lệ thuận với việc ra đi của cô là sự sụt giảm doanh thu. Điều quan trọng hơn, các khách hàng “sộp” của công ty đã rồng rắn theo Helena về …trụ sở mới của cô.

Bây giờ, Helena là Tổng giám đốc – Partner của công ty săn đầu người do cô sáng lập với doanh thu không kém phần hấp dẫn so với nơi làm việc cũ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại không ít các công ty cung cấp dịch vụ ở Việt Nam. Các công ty họat động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ (tư vấn luật, tuyển dụng, dịch vụ vận tải, dịch vụ môi giới bất động sản…) thường phải đối mặt với vấn nạn mất cắp thông tin, cơ sở dữ liệu khách hàng mà thủ phạm không ai khác chính là các nhân viên kỳ cựu – những người đã từng một thời được ban giám đốc tin cẩn và trọng vọng.

Một cựu nhân viên dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn luật của công ty X. nọ tại TP.HCM đã từng được đánh giá rất cao nhờ kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm và khả năng tạo dựng mối quan hệ, khả năng thương thảo và đàm phán với khách hàng.

Người phụ nữ ngọai tứ tuần lịch lãm này là nhân vật gần như không thể thiếu trong các dự án tư vấn đầu tư của công ty. Và rồi, trong giai đọan thay đổi cơ cấu nhân sự theo yêu cầu của công ty mẹ tại nước ngoài, chị đã làm đơn xin nghỉ việc để bắt đầu sự nghiệp riêng của mình.

Và đương nhiên, các khách hàng mà chị từng phụ trách tại nơi làm cũ cũng quay đến với công ty mới của chị. Người viết bài này không có ý tò mò về nguồn khách hàng “bí mật” kia. Chỉ biết rằng, sau khi “ra riêng” được mấy tháng, người phụ nữ này đã khiến các đồng nghiệp cũ ở nơi làm việc trước “lé mắt” vì nhiều “lộc”.

Chiếc xe Pajero hai cầu cáu cạnh với lái xe riêng luôn túc trực đưa đón chị đi công cán. Mặc dù văn phòng của chị không được uy nghi, to lớn như trụ sở của công ty tư vấn cũ, song khách hàng tây tàu cứ dập dìu lui tới.

Cách đây mấy tháng, chị còn được đối tác mời sang Băng Cốc để thảo luận về một dự án đầu tư. Trong một bữa tiệc nhỏ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chị đã nửa đùa nửa thật nói rằng, chỉ cần phục vụ 70% đám khách hàng cũ của công ty mà trước đây chị đã từng phụ trách, tiền bạc sẽ chẳng để đâu cho hết.

“Tình trạng nhân viên tách ra làm ăn riêng và kéo theo các khách hàng của công ty về cho mình là tương đối phổ biến trong các công ty cung cấp dịch vụ.

Các công ty này, vô hình chung đã phải trả một cái giá khá đắt. Thứ nhất, họ mất đi những nhân viên có năng lực. Thứ hai, đó là nguồn khách hàng của công ty đang có nguy cơ bị san năm sẻ bảy hoặc thậm chí là mất trắng” – anh N., phó giám đốc của một công ty tư vấn luật tại TP.HCM nhận xét.

Đó là chưa kể đến tình trạng các nhân viên chủ chốt của nhiều doanh nghiệp danh tiếng bị “hốt gọn” bởi các đối thủ – thường là các công ty có vốn nước ngoài mới vào Việt Nam kinh doanh, làm ăn.

Họ không tiếc tiền bạc để “săn” bằng được các nhân viên chủ chốt đang làm việc trong các công ty đối thủ của họ – thường là các chuyên gia công nghệ, chuyên gia thương hiệu, giám đốc bán hàng….

Các nhân viên này, khi rời bỏ chốn cũ để ra đi theo lời mời gọi ngọt ngào, hấp dẫn của đối thủ, thường có thể mang theo một phần các bí mật kinh doanh, thậm chí là danh sách khách hàng. Báo chí đã từng nhắc đến trường hợp một giám đốc bán hàng của một công ty dược phẩm nọ tại TP.HCM, đã “bỏ ta, theo địch” và sau khi đầu quân tại nơi làm mới, anh chàng này đã kéo hết khách hàng của công ty cũ về cho chủ mới.

Cũng cần nói thêm rằng, giá “săn” một nhân viên cao cấp này thường rất hấp dẫn, chẳng thế mà các chuyên gia săn đầu người thường có hẳn một chương trình “giám sát con mồi” hết sức chặt chẽ.

Hồ sơ của các “người hùng” luôn được các tay “thợ săn” cập nhật kỹ lưỡng, cẩn thận. Lâu lâu, họ gọi điện hỏi thăm các ứng viên nhằm “giữ mối làm ăn”.

Cũng có cô nàng “thợ săn” lành nghề, trong một “phi vụ” thực hiện đơn đặt hàng của một khách hàng nước ngoài, đã trổ tài bằng nhiều cách mới chiêu dụ được một VIP. Trong một lần tiếp cận “con mồi” tại một quán bar sang trọng, cô “thợ săn” này trong vai một tiểu thư đài các đã “vô tình” va phải đối tượng để rồi có cớ làm quen.

Ban đầu là lời xin lỗi nhỏ nhẹ, rồi hỏi tên, rồi những câu chuyện bâng quơ…Và sau nhiều cuộc nói chuyện như vậy, nàng “thợ săn” mới xuất chiêu hạ gục con mồi. Mức lương hấp dẫn cùng các chế độ đãi ngộ lao động xứng đáng đã khiến chàng trai – một giám đốc bán hàng xuất sắc, gục ngã.

Điều đáng nói là, sau khi chia tay với chủ cũ, anh chàng mang theo cả mối làm ăn của mình đến nơi làm việc mới. Công ty cũ không chỉ mất một nhân viên sáng giá mà mất luôn cả nguồn khách hàng.

Tại ai? Tại anh chàng nhân viên chơi trò đứng núi này trông núi nọ? Hay tại cô nàng “thợ săn” xinh đẹp đã thổi vào tai anh chàng những lời đường mật?

Còn anh chàng giám đốc kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị xúc ủi của một công ty liên doanh tại quận Gò Vấp đã kịp kéo 80% khách hàng của công ty theo mình “ra riêng”, cho dù nếu ở lại công ty, anh ta vẫn có nhiều cơ hội trên con đường sự nghiệp.

Bộ phận kinh doanh của công ty này bây giờ hoạt động cầm chừng, vì người mới đến thay vị trí giám đốc kinh doanh gần như phải đi dựng lại “cơ nghiệp” từ con số không. Vị Tổng giám đốc công ty, đầu hai thứ tóc, ngao ngán than vãn nhưng không thể kiện anh chàng phó giám đốc của mình ra tòa bởi không đủ bằng chứng buộc tội.

Trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cao cấp tại Việt Nam, chưa có con số thống kê nào chính xác đề cập đến việc các cựu nhân viên của các trung tâm săn đầu người “rẽ lối” ra riêng, song người viết bài này cũng đã từng được biết ít nhiều về vấn nạn đó.

Một cô “thợ săn” (xin được giấu tên), đã từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho một vài công ty săn đầu người tên tuổi trong thành phố, đang có ý định ra riêng. Điều đáng nói là, cô sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với giá chỉ bằng 2/3 giá của công ty, có hóa đơn đỏ hẳn hoi.

Khi được hỏi làm cách nào mà cô có thể “qua mặt” được sếp của mình, cô cười thật tươi “Em có cách của em chứ”. Có một điều thật ngạc nhiên là, không ít khách hàng của cô – những nhà tuyển dụng nước ngoài, lại chấp nhận “đi đêm” với cô chỉ để được hưởng giá rẻ hơn so với giá của công ty cô phát ra.

Tại Việt Nam, thị trường cung cấp đầu người “chất lượng cаo” được coi là nơi kiếm tiền khá dễ, song, uy tín, thanh danh của công ty cung cấp dịch vụ vẫn là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với phần lớn khách hàng, chứ không phải là nguồn thông tin bị “đánh cắp” kia.

Danh sách khách hàng, có thể có lợi trong một thời hạn nhất định nào đó, và kiểu kinh doanh này thường chỉ mang tính chất chụp giật chứ không mang tính chuyên nghiệp, dài hạn.

Một nhân viên đã từng dối trá cấp trên của mình thì sớm hay muộc cũng dễ dàng chơi trò “bịt mắt bắt dê” với khách hàng của mình. Mà điều đó khó có thể chấp nhận được trong thời buổi cạnh tranh gay gắt với những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường. Khó khăn lớn nhất vẫn là sự khan hiếm nguồn nhân lực cao cấp, chứ không hẳn là việc mất mát thông tin, mặc dù điều này cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp.

Giải pháp nào đối với những tên trộm cổ cồn trắng?

Thật khó mà “bắt được tận tay, day tận trán” những tên “kẻ trộm cổ cồn trắng”, một khi mọi quy định chỉ mang tính chung chung, không cụ thể.

Bạn có dám chắc rằng những ai bỏ bạn ra đi để mở doanh nghiệp riêng cũng đã chơi trò xỏ xiên nào đó với bạn, nhất là khi người đó phụ trách nguồn khách hàng của công ty?

Giám đốc một công ty tư vấn luật nọ đã phải đề phòng tình trạng đánh cắp thông tin hoặc “ăn mảnh” của nhân viên bằng cách “bao sân” gần như toàn bộ công việc của mình.

Gần như mọi nguồn khách hàng của công ty đều do hai người vốn là sáng lập viên, cổ đông của công ty đồng thời là giám đốc và phó giám đốc, đảm nhận. Họ thú nhận rằng, công việc có nhiều áp lực, khó khăn, song chẳng có con đường nào khác đối với họ lúc này. Khái niệm lòng tin nhân viên, cho và nhận…đối với họ có lẽ chỉ là những danh từ mỹ miều.

“Không tin được đâu. Mình giao mối khách hàng cho nhân viên là có ngày họ lật mình như chơi. Chắc ăn nhất là cho họ làm những phần việc lặt vặt, gần như là những công đoạn cuối, còn mình phải đảm bảo các giao dịch ban đầu với khách hàng” – anh N. , phó giám đốc công ty này nói.

Song, một vấn đề đặt ra là, nếu lượng khách hàng lớn, công ty đến một lúc nào đó sẽ “phình” to ra, liệu hai người có cáng đáng nổi mọi việc? Lúc đó, dù tin hay không tin nhân viên, họ sẽ buộc phải trao quyền cho nhân viên của mình để công việc trôi chảy hơn.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm cách đối phó với tình trạng này bằng cách bổ sung các điều khoản chặt chẽ liên quan đến trách nhiệm của nhân viên đối với công ty vào hợp đồng lao động.

Ví dụ, công ty có thể coi danh sách khách hàng là nguồn sở hữu trí tuệ của mình mà theo đó, nhân viên không được phép tiết lộ hay chuyển giao danh sách này cho bất cứ một bên thứ ba nào hoặc dùng cho mục đích riêng sau khi nghỉ việc.

Với điều kiện này, doanh nghiệp có thể kiện ra tòa những ai vi phạm hợp đồng lao động.

Sự hãnh diện của các công ty tên tuổi

Nhiều công ty tên tuổi trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn không coi việc “ra riêng” của các cựu nhân viên là vấn đề quan trọng lắm, trong khi các công ty thươngmại, sản xuất lại đặt nặng trọng tâm vào vấn đề này.

Các công ty thương mại, sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài thường “ràng” nhân viên chủ chốt của mình bằng nhiều loại “dây buộc”: hợp đồng lao động ký dài hạn, ít nhất cũng phải từ ba năm trở lên, các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ tại nước ngoài, mức lương, thưởng hấp dẫn…

Thêm vào đó, điều kiện bảo mật thông tin, bí quyết kinh doanh…trong hợp đồng lao động chính là thứ “vắc xin” hữu hiệu chống lại mầm bệnh của những kẻ muốn “ăn mảnh”.

Nhiều công ty săn đầu người tên tuổi không thèm coi các cựu nhân viên mở doanh nghiệp riêng, là đối thủ của mình. .

“Trên thị trường cung cấp dịch vụ săn đầu người cao cấp, kẻ thắng cuộc là những hãng tên tuổi, chuyên nghiệp, có uy tín. Các công ty cò con khó mà có thể trở thành đối thủ của chúng tôi. Thậm chí, nếu có “đánh cắp” hệ thống danh sách khách hàng của chúng tôi, họ cũng khó mà dựng được tên tuổi cho mình” – Vị partner của công ty cung cấp dịch vụ săn đầu người cao cấp Ancor tại Nga đã nhận xét như vậy trong một bài viết trên tạp chí Quản lý công ty.

Còn hãng Ward Howell International thì lại tự hào về các cựu nhân viên “đủ lông đủ cánh” của mình khi họ ra riêng. Không ít trong số những người ra đi đã ăn nên làm ra trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ săn đầu người, tuy nhiên, ban giám đốc của Ward Howell International không coi họ là đối thủ ghê gớm.

“ Các công ty tên tuổi có nhiều lợi thế hơn so với các công ty mới ra đời. Với uy tín và tên tuổi của công ty cùng với sự thông hiểu thị trường, phong cách phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, chúng tôi có khả năng “săn” các ứng viên hạng nhất.

Các công ty cò con không thể cạnh tranh nổi với chúng tôi, vì thế chúng tôi không coi họ là đối thủ” Varabiev – partner của Ward Howell International nhận xét như vậy.

“Không phải cứ ra riêng là đã oai, – vị partner của một công ty săn đầu người có tên tuổi tại Berlin (Đức) bình luận, – Có khá nhiều cựu nhân viên của chúng tôi đã ra đi để mở doanh nghiệp riêng, song chỉ mấy năm sau họ đã phải giã từ giấc mộng đẹp đẽ của mình bởi không thể tồn tại nổi trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thương trường.

Họ như chiến binh bại trận, lúng túng quay về chốn cũ để bắt đầu lại hành trình khởi nghiệp của mình. Chúng tôi sẵn sàng nhận lại những ai đã dứt áo ra đi, vì chúng tôi hiểu họ. Có thể trong công ty của chúng tôi, họ thật sự giỏi giang, song, để tạo dựng một sự nghiệp kinh doanh, không phải ai cũng có khả năng và bản lĩnh”.

Cách hành xử cao thượng này không phải lúc nào chúng ta cũng bắt gặp, đơn giản, đó là phong cách chuyên nghiệp của những con người chuyên nghiệp.

Theo Bwportral

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không