Kiến thức Đào tạo Nếu bạn không thay được lãnh đạo, hãy đổi bản thân

Nếu bạn không thay được lãnh đạo, hãy đổi bản thân

45
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamCó thể chúng ta không thay đổi được phong cách làm việc của lãnh đạo. Nhưng chúng ta có thể thay đổi phong cách làm việc của bản thân.

Tác giả Li Xin Bai là nhà tư vấn chiến lược cao cấp cho hãng IBM ở Trung Quốc.

Các bạn hãy cùng đọc và suy nghĩ về hai phát hiện dưới đây của công ty tư vấn quản lý Hay Group:

1. Các nghiên cứu thực hiện trên phạm vi toàn thế giới đã chỉ ra rằng 70% bầu không khí làm việc trong một công ty là do người lãnh đạo tạo ra; trong khi đó, bầu không khí này ảnh hưởng tới 30% chất lượng hoạt động của công ty. Do đó, lãnh đạo có thể tác động trực tiếp tới 21% chất lượng hoạt động của công ty.

2. Trong số các nhà quản lý tại các công ty của Trung Quốc, 19,1% được đánh giá là những lãnh đạo tài năng, 9,8% có khả năng truyền thụ cảm hứng cho nhân viên, 13,4% không tạo ra được giá trị nào rõ ràng cho công ty, và 57,7% chỉ biết gây thất vọng cho nhân viên. Như vậy, có tới 70% nhà quản lý hoặc không hỗ trợ gì hoặc khiến nhân viên chán nản.

Phát hiện đầu tiên khẳng định rằng lãnh đạo có tầm ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng hoạt động của một công ty. Nhưng phát hiện thứ hai lại cho thấy chất lượng lãnh đạo ở các công ty của Trung Quốc vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Là nhân viên, có thể chúng ta không thay đổi được phong cách làm việc của lãnh đạo. Nhưng chúng ta có thể góp phần giải quyết vấn đề trên bằng cách thay đổi chính phong cách làm việc của bản thân. Trong năm năm qua, hầu như tuần nào tôi cũng gặp gỡ và trao đổi với hai hoặc ba vị CEO.

Kinh nghiệm đó đã đưa tôi tới một kết luận rằng có ba loại lãnh đạo khác nhau. Nhờ biết xác định cấp trên của mình thuộc loại lãnh đạo nào, nên tôi đã tìm ra được cách làm việc với họ sao cho hiệu quả nhất.

Lãnh đạo mặt trời. Về cơ bản, nhà lãnh đạo mặt trời là một doanh nhân luôn giữ vị trí tiên phong trong mọi việc, giống như mặt trời chiếu sáng khắp nơi nơi. Họ giám sát cấp dưới rất sít sao. Đôi khi những vị lãnh đạo năng nổ này cho rằng nếu không trực tiếp tham gia vào công việc, họ sẽ bị mất thế kiểm soát. Nếu là cấp dưới của người lãnh đạo loại này, bạn hãy luôn ghi nhớ về cảm giác bất an này của ông ta, và tỏ ra thông cảm.

Hãy để ông ta cùng tham gia vào công việc bạn làm để ông ta có cơ hội thể hiện năng lực của mình. Mẫu người này muốn là người có ích, nên cứ tạo cho ông ta việc gì đó để làm! Hãy mời lãnh đạo cùng tham gia – vì dù sao ông ta vẫn cứ “nhúng mũi vào” bất kể bạn có mời hay không – và như thế khả năng ông ta hỗ trợ bạn sẽ càng được tăng thêm.

Công việc của bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu biết tận dụng kinh nghiệm và hiểu biết của lãnh đạo về khách hàng cũng như về nhiều khía cạnh khác.

Lãnh đạo mặt trăng. Mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời; người lãnh đạo theo tuýp mặt trăng phản ánh ánh sáng của nhân viên mình. Ông ta thường có suy nghĩ cởi mở và biết tin tưởng vào cấp dưới. Chỉ khi nào bạn lạc đường – giống như người đi trên một con đường tối vào buổi đêm – ông ta mới xuất hiện và chỉ ra cho bạn hướng đi đúng.

Người lãnh đạo loại này biết tạo cơ hội phát triển cho nhân viên. Tuy vậy, sự tin tưởng giữa nhân viên và lãnh đạo cũng cần phải được “bảo dưỡng” đúng lúc – khi người lãnh đạo tiến thêm một bước, hãy sẵn sàng trả lời các câu hỏi của ông ta và trình bày ý tưởng của mình để lãnh đạo xem xét, đánh giá.

Lãnh đạo ngôi sao. Người lãnh đạo thuộc tuýp này sẽ chỉ vạch ra phương hướng hành động – họ giống như ngôi sao Bắc Đẩu vậy. Tuy nhiên, cấp dưới của họ vẫn cần phải có ánh sáng rọi đường, vì thế mà các lãnh đạo ngôi sao luôn cần tới những nhân viên có thể đứng lên để chỉ huy những người còn lại. Chỉ những lãnh đạo có sự thông thái tuyệt vời mới đủ tự tin để giữ vai trò ngôi sao Bắc Đẩu này.

Việc họ trao quyền cho nhân viên chứng tỏ rằng họ nhận rõ năng lực của nhân viên. Phong cách lãnh đạo này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi người lãnh đạo xây dựng được một đội ngũ làm việc có năng lực, có thể hoạt động gần như độc lập với sự giám sát ở mức tối thiểu.

Nếu là cấp dưới của người lãnh đạo loại này, bạn sẽ có một nền tảng khá tốt, nhưng bạn phải chứng tỏ được rằng mình xứng đáng với niềm tin lãnh đạo dành cho mình.

Trên thực tế thì mỗi người chúng ta vừa là lãnh đạo nhưng cũng vừa là cấp dưới. Trên cương vị là lãnh đạo, bạn hãy đánh giá các hành động và lời nói của mình theo lăng kính của cấp dưới; còn trong vai trò cấp dưới, hãy tự tìm ra cách làm việc hiệu quả nhất với lãnh đạo.

Hãy đặt ra những tiêu chuẩn cao ở cả hai vai trò này, vì chúng sẽ giúp nâng cao chất lượng làm việc cho tất cả mọi người.

Theo: blogs.hbr.org

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không