Những câu hỏi ngớ ngẩn đại loại như công ty này hoạt động trong lĩnh vực gì, nói xấu về đồng nghiệp và sếp cũ hay khen người phỏng vấn một câu lãng xẹt… đó là những thông tin dễ khiến nhà tuyển dụng nổi cáu và loại bạn khỏi cuộc thi.
Khi bạn đang trong tâm trạng rất muốn có việc làm, một cú điện thoại đặt lịch hẹn phỏng vấn từ nhà tuyển dụng được xem là một thành công lớn. Tuy vậy, trong hầu hết các trường hợp, cuộc phỏng vấn chỉ là một bước trong một quá trình lâu dài để nhà tuyển dụng tìm được ứng viên phù hợp.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty đa số đều cắt giảm nhân sự, hạn chế tuyển dụng thì một vị trí công việc được đánh giá cao có thể ví như miếng mồi ngon, hàng chục thậm chí là hàng trăm người cạnh tranh. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên có sự chuẩn bị chu đáo để có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy. Đừng tự loại mình khỏi cuộc chơi chỉ vì những câu nói không nên có khi đối diện với nhà tuyển dụng.
Sau đây là những gợi ý giúp bạn tránh được phần nào những sai lầm trong quá trình phỏng vấn:
– Công ty sẽ dành cho tôi những quyền lợi gì?
Đừng vội vàng nêu đưa ra câu hỏi này ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên bởi nhà tuyển dụng sẽ có cảm giác bạn không thực sự hào hứng với công việc mà chỉ quan tâm đến vấn đề quyền lợi. Hãy dành việc nói về đặc quyền và lợi ích khi đã đi vào giai đoạn đàm phán, tức là sau khi bạn nhận được một lời mời làm việc, hoặc cho đến nhà tuyển dụng nêu ra.
– Lĩnh vực hoạt động của công ty là gì?
Bạn có tin hay không, đa số các nhà tuyển dụng và những người quản lý tuyển dụng nói rằng họ nhận được những câu hỏi loại này trong tất cả các lần phỏng vấn. Điều đó khiến họ thất vọng hoàn toàn vì ngay cả công ty hoạt động về lĩnh vực gì cũng không biết thì ứng viên còn quan tâm gì đến công ty nữa. Lời khuyên ở đây là, trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về công ty và có thể đưa ra bất kỳ ý tưởng nào mà bạn có thể làm cho công ty trở lên tốt hơn thay vì hỏi những câu ngô nghê khiến nhà tuyển dụng phật ý.
– Sếp cũ của tôi không ra gì
Phàn nàn, chê bai về công việc, đồng nghiệp hay sếp cũ chỉ làm hình ảnh của bạn xấu đi trước các nhà tuyển dụng. Ngay cả khi bạn đang nói sự thật, việc nói xấu về chỗ làm cũ khiến cho các nhà tuyển dụng cảm thấy thật khó tin tưởng bạn và họ có thể trở thành nhân vật tiếp theo như sếp cũ của bạn mà thôi. Vì thế, bạn nên nói về những thách thức mà bạn đã trải qua và tập trung vào các thành tích mà bạn đã đạt được ở công ty cũ thay vì ngồi nói xấu.
– Tôi thích đôi kính của ngài
Đừng bao giờ khen về ngoại hình của nhà tuyển dụng bởi làm vậy không thích hợp hay đơn giản chỉ là không lịch sự. Việc đưa ra lời khen là tốt, nhưng phải liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Chẳng hạn như những thành công mà nhà tuyển dụng đó đạt được gần đây trong công việc, không phải vài lời khen lãng xẹt về bề ngoài.
– Tôi bị sa thải và hiện đang thất nghiệp
Bạn không muốn nói dối nhà tuyển dụng tuy nhiên có nhiều cách thông minh hơn để giải thích việc bạn bị sa thải. Bạn có thể nói rằng giữa sếp cũ và bạn thường có những ý tưởng khác nhau, thậm chí trái ngược hoàn toàn về những gì bộ phận của bạn thực hiện. Điều đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái và khó có thể phát huy được bản thân trong môi trường như thế. Bạn muốn tìm niềm vui trong công việc ở một vị trí mới.
– Tôi cần việc làm, bất kỳ việc gì cũng được
Điều này có thể hoàn toàn đúng với hoàn cảnh của bạn hiện tại nhưng tuyệt vọng không phải là điều nhà tuyển dụng muốn thấy ở ứng viên. Điều mà người phỏng vấn cần là bạn mong muốn một công việc cụ thể mà vị trí công ty đang tìm là phù hợp.
Theo Monster/Infonet
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông