Một cuộc phỏng vấn không tốt có thể giảm đi nhiều cơ hội việc làm của bạn nhưng đừng quá lo lắng, không gì là không thể khắc phục được miễn sao bạn phải giữ được sự bình tĩnh và nền nã trong mọi cử chỉ, lời nói. Những mẹo sau sẽ giúp bạn khôi phục lại những ấn tượng không tốt trong cuộc phỏng vấn, đảm bảo bạn vẫn có được công việc mình mơ ước:
Làm bản đánh giá bằng văn bản
Đừng để những lo lắng, chán nản bủa vây bạn, thay vào đó, điều bạn cần làm đầu tiên là đánh giá tình hình khách quan bằng một văn bản cụ thể. Sau cuộc phỏng vấn không tốt đó, bạn hãy viết ra mọi thứ mà bạn tin rằng nó khiến buổi gặp gỡ trở nên tồi tệ, bao gồm những câu nói gây hiểu nhầm, những điểm không thuyết phục và các điểm quan trọng mà bạn quên không đề cập đến.
Sau khi đã vạch rõ những sai sót, bạn nên đưa ra cách giải quyết từng vấn đề, để có thể hóa giải mọi hiểu lầm đáng tiếc. Phương pháp này cũng rất hữu ích để xem bạn có lỗi gì trong buổi phỏng vấn đó, bởi đôi khi, các ứng viên sau cuộc nói chuyện cảm thấy không được như ý, và họ tìm cách đổ hết lỗi cho người phỏng vấn. Nếu bạn có người quen trong công ty ấy, hãy nhờ họ tìm hiểu xem những gì bạn đã gây ra có quá nghiêm trọng không và nếu có thể, nhờ họ nói tốt về bạn vài câu với người tuyển dụng. Điều đó rất có lợi cho bạn trong hoàn cảnh này.
Kết nối với người phỏng vấn
Tùy thuộc vào tính cấp bách của từng tình huống cụ thể, bạn hãy gọi điện cho người phỏng vấn để làm rõ một số sai lầm ngớ ngẩn của bạn trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn nên đợi ít nhất là 24 giờ rồi hẵng nhấc máy để tránh những cảm nhận không tốt về bạn vẫn còn lưu lại ở nhà tuyển dụng. Khi gọi điện, điều đầu tiên bạn nên nói là lời cảm ơn với nhà tuyển dụng về buổi phỏng vấn vừa qua. Sau đó, hãy nói với họ rằng, bạn đã có bản đánh giá bằng văn bản về những chủ đề đã được trao đổi trong buổi phỏng vấn.
Một cách phổ biến hơn mà nhiều người thường áp dụng là gửi lời cảm ơn bằng một lá thư viết tay hoặc qua email. Điều này giúp bạn chuộc lỗi phần nào cho những sai lầm trong buổi phỏng vấn. Bạn có thể nói với nhà tuyển dụng rằng, bạn vẫn sẽ là một ứng viên tiềm năng cho công ty của họ và rất hy vọng có cơ hội hợp tác.
Đề nghị một cuộc phỏng vấn thứ hai
Nếu như các bước nêu trên không mang lại kết quả và bạn thấy mình đang dần rời xa vị trí của nhà tuyển dụng thì cơ hội duy nhất cho bạn vào lúc này là hãy gọi điện trò chuyện và đề nghị sắp xếp cho bạn một cuộc phỏng vấn thứ 2. Nhưng nên nhớ, bạn không nên nói điều này qua email bởi sự tác động bằng bằng cuộc trò chuyện qua điện thoại sẽ mang lại kết quả cao hơn rất nhiều.
Hãy nhớ rằng, sử dụng phương pháp này là bạn đang đặt mình vào tình thế “một mất một còn”. Có thể nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bất ngờ và nhận ra những điều thú vị từ bạn nhưng cũng không ngoại trừ trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khó chịu để gặp lại bạn ở một cuộc phỏng vấn thứ hai. Vì thế, đây là mẹo mà bạn chỉ nên sử dụng khi đã không còn gì để mất.
Tìm hướng đi mới
Nếu nhà tuyển dụng vẫn từ chối bất chấp mọi nỗ lực của bạn thì cũng đừng nên bỏ bê mọi việc và cứ chăm chăm nhìn vào mỗi công ty đó. Hãy tập trung tìm kiếm cơ hội mới với hy vọng, bạn sẽ chín chắn hơn trong những lân phỏng vấn tiếp theo.
Ngoài ra, bạn cần chắc chắn rằng, cuộc phỏng vấn tại công ty tiếp theo sẽ thành công hơn và cách tốt nhất để làm được điều đó là rút ra bài học từ sai lầm cũ. Tốt hơn là hãy đưa ra bản đánh giá bằng văn bản và cố gắng xác định một số vấn đề chung về cách tiếp cận, cách trả lời phỏng vấn… Sau đó, bạn nên có giải pháp để ngăn ngừa những sai lầm tương tự xảy ra lần nữa.
Thực hiện theo các thủ thuật này, bạn có thể tăng thêm cơ hội khắc phục sai lầm từ cuộc phỏng vấn không tốt một cách đáng kể. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ một điều, nếu bạn nhận thấy cá tính của bạn có thể xung đột với văn hóa công ty thì tốt nhất là đừng nên kết nối với nhà tuyển dụng. Hãy coi thất bại đó là một bài học, cho bạn thêm kinh nghiệm để tạo những bước ngoặt mới trên con đường sự nghiệp.
Theo socola
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông