Giữ vai trò quan trọng đối với công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tuy nhiên việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam hiện đang yếu thế, phần lớn sản phẩm CNHT vẫn phải nhập khẩu.
Đây là rào cản cho mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và là trở ngại lớn trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia phấn đấu tới năm 2020 đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự hạn chế phát triển của ngành CNHT chủ yếu do các chính sách về CNHT còn thiếu và chưa đủ mạnh.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến đáng kể ở tầm chính sách vĩ mô trong việc phát triển CNHT thể hiện qua 2 văn bản quan trọng là Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN năm 2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ số 12/2011/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 2 năm 2011. Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các chính sách trên dường như vẫn chưa “chạm” đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, vẫn còn thiếu và yếu.
Quyết định 12 của Thủ tướng được coi là lời tuyên bố chính thức đầu tiên của Chính phủ Việt Nam về sự ủng hộ dành cho công nghiệp hỗ trợ, tạo ra sự chú ý với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Quyết định này ra đời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng vì nội dung còn quá chung chung nên thực tế chưa phát huy tác dụng. Điều mà nhiều người mong đợi là một văn bản pháp luật cao hơn, thì đến nay vẫn chưa có. Theo ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, Quyết định này được đánh giá là chưa đủ mạnh để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ông Phan Đăng Tuất cho rằng vì là quyết định nên nó vẫn chịu ràng buộc của các văn bản pháp luật cao hơn hiện hành như Luật Doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, về công nghệ cao, về các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…
Bên cạnh đó, bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp phụ trợ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp Bộ Công Thương, cho rằng, Quyết định 12 của Thủ tướng chưa thực sự có tác dụng nhiều do các hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ gần như không có gì mới so với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cũng thừa nhận, việc cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ đang trở nên khó khăn, vì không còn hàng rào bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước như trước. “Trong bối cảnh này, nếu chính sách nhà nước không phù hợp, thì công nghiệp hỗ trợ không phát triển được”. Ông Tuyển phân tích và cho rằng, hệ thống chính sách dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải gắn chặt với các chính sách về cơ cấu kinh tế và phát triển vùng.
Theo các chuyên gia, trước nhu cầu hội nhập và nhất là trước những thách thức từ AFTA và Trung Quốc, Việt Nam cần cố gắng lớn để đẩy mạnh phát triển các ngành CNPT. Các ngành này phát triển sẽ tạo ngay nhiều công ăn việc làm và dần dần thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia tầm cỡ lớn.
Kinh nghiệm của các nước khi phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian đầu vai trò của Chính phủ rất quan trọng, trước hết là việc hình thành các chính sách. Chính vì vậy, ông Phan Đăng Tuất cho rằng Việt Nam cần có các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế… Tiếp đến là các ưu đãi về tài chính, về đất đai, hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, rồi chính sách khuyến khích thành lập các doanh nghiệp sản xuất công ngiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó cần xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để thực hiện sự quản lý nhà nước dẫn dắt liên kết các doanh nghiệp làm CNHT… Nói tóm tại chúng ta cần phải ban hành nhiều đạo luật chứ không chỉ 1 đạo luật là đủ – Viện trưởng Viện Chính sách Công nghiệp nhấn mạnh.
TS Lê Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, cũng nhấn mạnh đến các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực phụ trợ. Hiện tại, việc sản xuất linh kiện trong nước có giá thành cao hơn nhập khẩu, vì Việt Nam phải nhập hầu như toàn bộ nguyên vật liệu, thuế cao, chi phí lớn (hạ tầng, giao thông, điện… chưa tốt). Chính vì vậy, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần có những ưu đãi đặc biệt cho lĩnh vực này thì các doanh nghiệp nước ngoài mới quyết định đầu tư. Cụ thể, chính sách ưu đãi cần ở đây là thuế, giá thuê đất, lãi suất, tài chính, các hỗ trợ “mềm” về thủ tục kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật, đào tạo nhân lực đặc biệt là kỹ sư và công nhân giúp doanh nghiệp quản lý tổ chức sản xuất hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này, ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO), cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách đào tạo nhân lực bài bản. Chỉ có tay nghề lao động tốt mới có thể tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Hirokazu Yamaoka chia sẻ: “Ở Nhật Bản, có 2 biện pháp hỗ trợ, thứ nhất là hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, thứ hai là hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao tay nghề, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm này để có chính sách đào tạo được nguồn nhân lực phục vụ cho CNHT trong thời gian tới”.
Theo Ngọc Huy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông