Giải phóng hàng tồn kho

326
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamMặc dù sản phẩm tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến đã có xu hướng giảm dần trong vài tháng gần đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất tiếp tục ngưng trệ và tác động đến phát triển kinh tế nói chung. Để giải phóng hàng tồn kho, trong lúc các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bộ, ngành được thực thi, nhiều ngành hàng đã nỗ lực tìm hướng đi cho riêng mình. 
Bị “vạ lây”
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 13,78% so với cùng kỳ đã tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm, khiến hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là đường ăn, sắt thép, xi măng, ô tô, xe máy có mức tồn kho lớn nhất. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải ngừng hoạt động trong nhiều tháng. Tính đến thời điểm 1/6/2012, tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước. 
Đối mặt lượng tồn kho tăng cao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho biết: do chịu tác động từ thị trường bất động sản “bất động” nên thị trường tiêu thụ thép theo đó cũng “bị vạ lây”. Tính đến thời điểm này, tồn kho toàn ngành thép lên đến 370.000 tấn, cao hơn mức cho phép 120.000 tấn, dẫn đến việc hầu hết nhà máy sản xuất chỉ chạy 50% – 60% công suất. Cũng như sắt thép, sức tiêu thụ mặt hàng xi măng từ đầu năm đến nay cũng giảm mạnh khiến mức tồn kho của ngành đến cuối tháng 6 lên đến gần 3 triệu tấn. 
Đối với ngành sản xuất ô tô, xe máy, mặc dù không tiết lộ mức tồn kho cụ thể nhưng Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Laurent Chapentier cho biết, tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và của các đại lý đang ở mức rất cao, tháng sau cao hơn tháng trước khiến các nhà sản xuất, lắp ráp đang thực hiện các biện pháp cắt giảm sản xuất, đặc biệt, hệ thống các đại lý đang gặp khó khăn về vốn do lượng tồn kho cao. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với hàng điện tử, điện lạnh, mặc dù các siêu thị, trung tâm thương mại đã nỗ lực tung nhiều chiêu kích cầu thị trường, thậm chí giảm giá đến 50% nhiều mặt hàng trong các dịp lễ lớn như 30/4 và 1/5 hay sự kiện thể thao Euro vừa qua nhưng sức tiêu thụ cũng không đáng kể so với mọi năm…
Trước việc tồn kho tăng cao, sản xuất ngừng trệ, mỗi doanh nghiệp, ngành hàng đã tìm hướng đi cho riêng mình. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, bên cạnh việc tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tích cực tìm kiếm khách hàng trong nước, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách xuất khẩu thép ra nước ngoài, sang các thị trường truyền thống là Lào, Mianma và tìm kiếm thị trường mới là Mỹ, châu Âu. Ông Nghi cũng chia sẻ, mặc dù lợi nhuận của việc xuất khẩu thép vào thời điểm này rất thấp, nhưng đây là giải pháp tình thế để các doanh nghiệp trong ngành giải quyết được lượng hàng tồn kho, thu hồi được vốn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để công nhân mất việc. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu không được như cùng cùng kỳ năm ngoái nhưng Việt Nam đã xuất khẩu được 1.076.000 tấn thép thành phẩm các loại, đạt giá trị kim ngạch gần 1 tỷ USD. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Thép cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu thép; đồng thời xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm áp lực tồn kho hiện nay của ngành. 
Trong khi đó, Chủ tịch VAMA lại cho rằng, để đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng ô tô, xuất khẩu như các ngành khác là điều không thể do giá xe ở Việt Nam cao hơn các nước. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất đã mạnh tay liên tiếp đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhưng sức tiêu thụ vẫn không đáng kể. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng xe bán ra của các thành viên chỉ đạt 35.725 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VAMA, hiện nay, để sở hữu và lưu hành được một chiếc xe, người tiêu dùng đã và đang phải chịu rất nhiều các khoản thuế, phí và lệ phí (các loại thuế đã chiếm trên 50% doanh thu bán xe). Để cải thiện thị trường ô tô, VAMA kiến nghị Chính phủ hoãn, ngừng áp dụng các loại phí lưu hành ô tô theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời đề xuất giảm lệ phí trước bạ xuống một tỉ lệ hợp lý hơn, tương đương với 5%, áp dụng đồng đều trên cả nước, tương tự như lệ phí trước bạ áp dụng đồng đều cho xe tải là 2%…
Tích cực “kích thích” tiêu thụ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, giải phóng hàng tồn kho đang là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo các bộ, các ngành giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các đơn vị chức năng để tìm các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. 
Bộ Công Thương sẽ rà soát lại các mặt hàng tiêu dùng tồn kho cao để có biện pháp giảm giá, đẩy mạnh các chương trình bình ổn, đưa hàng Việt về nông thôn qua hệ thống phân phối nhằm giảm giá thành cũng như cân đối cung – cầu trong nước. Đồng thời xem xét áp dụng hình thức hàng đổi hàng đối với các doanh nghiệp có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác nhưng tồn kho lớn. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến” nhằm tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng Việt; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng và chuẩn bị triển khai Đề án “Đưa hàng Việt về nông thôn một cách bền vững thông qua các Hợp tác xã thương mại”; triển khai các nội dung xúc tiến từ chương trình khuyến công, trong đó xây dựng Đề án “Phát triển thị trường nội địa đối với sản phẩm công nghiệp nông thôn giai đoạn 2012-2015”. 
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ các sản phẩm của ngành công nghiệp như vật liệu xây dựng, xi măng sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện; đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn để giảm hàng tồn kho. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu và xem xét giảm thuế VAT xuống 5%, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm giá bán sản phẩm trong nước. Đối với các mặt hàng tồn kho cao như thép, cơ khí, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đưa thuế xuất khẩu về 0%. Đối với ngành ô tô, Bộ cũng đang cân nhắc đề xuất giảm lệ phí trước bạ xuống 10%; với ngành sản xuất máy nông nghiệp, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân mua máy móc thiết bị sản xuất, chế biến nông sản và vận tải nhỏ; cho mua trả chậm, giảm thuế VAT cho các sản phẩm máy nông nghiệp để giảm giá thành, kích thích tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung đẩy mạnh Chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu đi kèm với cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho xuất khẩu thuận lợi. 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, cùng với các giải pháp trên, Bộ Công Thương tiếp tục bám sát và thực hiện Nghị quyết 11/2011, Nghị quyết 01 và 03/2012 của Chính phủ; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để nắm tình hình cụ thể, từ đó đưa ra giải pháp rõ ràng hơn. Bộ trưởng cũng nhận định, với biện pháp đồng bộ về tài chính, chính sách tài khóa, đầu tư nếu phối hợp đồng bộ thì tồn kho của những mặt hàng này sẽ được giảm dần.

Theo Văn Xuyên

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không