Kiến thức Tài chính kế toán Đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm: Bước tiến cải cách...

Đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm: Bước tiến cải cách thủ tục hành chính

1411
Thông tư hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án do Bộ Tư pháp xây dựng được đánh giá là một bước tiến về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

Công cụ pháp lý hữu hiệu

Hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm là công cụ hữu hiệu bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch cũng như góp phần tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường.

Hiện Việt Nam có 3 phương thức đăng ký, bao gồm: đăng ký giao dịch bằng động sản; đăng ký giao dịch bằng bất động sản và tài sản gắn liền trên đất và đăng ký bằng tàu bay, tàu biển.

Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án.

Thông tư này hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, xoá đăng ký và cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng mua trả chậm, trả dần, có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ; thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản kê biên, và các giao dịch khác thuộc thẩm quyền của các Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, Thông tư này không hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình kiến trúc khác, cây rừng, cây lâu năm.

Tăng cường minh bạch – công khai

Thực tế, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm chưa được thiết lập, điều này đã ảnh hưởng đến việc công khai hóa nhanh chóng và chính xác các thông tin về giao dịch bảo đảm.

Để khắc phục bất cập vừa nêu, Dự thảo Thông tư quy định: Mọi tổ chức, cá nhân có quyền tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm của Trung tâm Đăng ký thông qua Hệ thống đăng ký trực tuyến.

Thông tin tự tra cứu về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên không có nội dung xác nhận của Trung tâm Đăng ký.

Việc tự tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến không phải nộp phí cung cấp thông tin.

Để tránh những tranh chấp có thể phát sinh do thời gian ghi nhận của máy tính nối mạng của khách hàng và thời gian ghi nhận của Hệ thống đăng ký trực tuyến khác nhau, Dự thảo Thông tư quy định thời điểm đăng ký trực tuyến được xác định theo thời gian ghi nhận của hệ thống máy chủ cài đặt ứng dụng đăng ký trực tuyến.

11 loại tài sản bảo đảm được đăng ký trực tuyến

Theo dự thảo Thông tư, các trường hợp đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm gồm: Việc thế chấp tài sản, bao gồm cả thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, việc cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ; Các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định.

Dự thảo Thông tư cũng đã quy định rõ 11 loại tài sản bảo đảm được đăng ký trực tuyến, gồm:
Ô tô, xe máy, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác, các phương tiện giao thông đường sắt;
Tàu cá, các phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa;
Máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hoá khác, kim khí quý, đá quý;

Tiền Việt Nam, ngoại tệ;

Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch;

Quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm phát sinh từ hợp đồng hoặc từ các căn cứ pháp lý khác;

Quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp;

Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;

Lợi tức, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm hoặc các lợi ích khác thu được từ tài sản bảo đảm;

Các động sản khác theo quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Dân sự;

Các tài sản khác gắn liền với đất khác mà không phải là nhà ở, công trình kiến trúc khác, cây lâu năm, cây rừng.

(Theo eFinance Online)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không