Bạn đã tìm việc trong một thời gian dài mà chẳng có kết quả, bạn đang dần tuyệt vọng? Đừng vội từ bỏ trước khi thử làm theo 5 cách dưới thử những cách dưới đây:
1. Thay vì tìm việc tại nơi bạn đang sinh sống hãy thử đến một miền đất mới
Thật là khó khăn để bạn có thể đi đến quyết định này – tuy nhiên hãy suy nghĩ ít nhiều về nó. Nếu bạn tìm việc ở nơi bạn sinh sống chỉ là vì bạn quen với môi trường sống và cuộc sống nơi đây, thì hãy nghĩ đến việc tìm kiếm công việc ở một nơi khác. Sự thật là với cùng một loại bằng cấp, với chỗ này có thể khó kiếm được một công vịêc như ý, nhưng với nơi khác với nền kinh tế phát triển hơn, năng động hơn lại có vô vàn cơ hội đang chờ đợi bạn. Vì thế nếu không có gì vướng bận, không có gì lôi kéo khiến bạn bắt buộc phải ở lại hãy mở rộng địa bàn tìm kiếm việc của mình.
2. Thay vì tìm kiếm một công việc toàn thời gian hãy thử những công việc tạm thời
Tất nhiên khi bắt tay vào tìm kiếm việc làm ai cũng mong mình tìm kiếm được một công việc ổn định, như ý ngay từ đầu. Tuy nhiên sẽ rất khó khăn nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Thay vì mất công tìm những công việc ổn định, toàn thời gian như mong muốn, hãy mở rộng vùng tìm kiếm và chấp nhận những công việc tạm thời hoặc bán thời gian trước đã. Công việc bán thời gian hay tạm thời chưa hẳn đã không tốt. Nó là một cơ hội tốt để bạn học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm, kiến thức trước khi có một công việc chính thức. Nếu bạn làm việc bán thời gian cho một công ty, trong một lĩnh vực bạn yêu thích, hãy cố gắng làm tốt, nó sẽ là cơ hội cho bạn chuyển từ tạm thời sang chính thức, từ bán thời gian sang toàn thời gian…
3. Thay vì tìm kiếm một địa chỉ xin việc mới, hãy xem xét lại những địa chỉ đã từng dự tuyển
Bạn có thể sẽ ngần ngại tiếp cận với những công ty bạn đã từng nộp hồ sơ, bạn ngại liên hệ lại với những người bạn đã từng liên lạc, bạn chán ghét phải chờ đợi trong dai dẳng…Tuy nhiên từ bỏ là một biện pháp không được khuyến khích. Tích cực liên lạc với những chỗ đã từng nộp hồ sơ là cách cho họ thấy rằng bạn vẫn đang mong muốn làm công việc đó và chờ đợi hồi âm từ phía họ. Thậm chí nếu bạn đã từng tham gia vòng phỏng vấn của công ty nhưng không thấy phản hồi từ họ, bạn có thể liên hệ trực tiếp để hỏi họ kết quả thế nào và vì sao họ không tuyển dụng bạn. Nếu như câu trả lời của họ là họ cần một ứng viên có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn có thể đề xuất một vị trí nào đó phù hợp với khả năng và thuận tiện cho việc học hỏi kinh nghiệm. Hãy chấp nhận một công việc không mấy ưng ý ở hiện tại để hướng tới một công việc tốt hơn trong tương lai.
4. Thay vì tập trung vào thế mạnh, hãy nhìn nhận đến những thiếu sót
Bạn rất tự tin với những công cụ xin việc hiện đang có trong tay mình: một CV được chăm chút hoàn hảo, một thư xin việc rõ ràng, mạch lạc. Bạn đã được gọi đi phỏng vấn ở rất nhiều công ty, nhưng kết quả đều bặt vô âm tín. Giờ là lúc bạn phải nhìn nhận nghiêm túc những thiếu sót của mình. Vấn đề không phải là bằng cấp? Vậy vấn đề là ở những gì bạn thể hiện với họ qua cuộc phỏng vấn, qua phong cách của bạn. Hãy chỉn chu hơn nữa ở khâu yếu này. Trang bị cho mình một phong cách lịch sự, một thái độ tự tin. Hãy chuẩn bị sẵn sàng những câu hỏi bạn dự định hỏi nhà tuyển dụng, những câu trả lời mà bạn cho rằng họ sẽ hỏi như: Hãy giới thiệu một chút về bản thân? Hãy nói cho tôi biết vì sao bạn muốn vào làm tại công ty này? Bạn biết được những gì về công ty? Trong 5 năm qua bạn đã hoàn thiện bản thân mình như thế nào? Những bài học nào được rút ra từ những nơi làm cũ….
5. Thay vì thiết lập mạng lưới tìm việc với bạn bè và những người thân trong gia đình, hãy mở rộng các mối quan hệ
Mọi người đều biết một sự thật là con đường tìm việc tốt nhất là thông qua bạn bè và những người thân trong gia đình. Nhà tuyển dụng có vẻ thích tập trung sự chú ý vào những CV mà họ tin tưởng hơn là hàng trăm ngàn ứng viên họ không hề quen biết trước. Nếu bạn đã khai thác các mối quan hệ bạn bè và người thân nhưng cơ hội mở ra cho bạn không nhiều. Đây là thời gian bạn cần nghĩ tới việc mở rộng mạng lưới của mình. Hãy hỏi thông tin từ những đồng nghiệp cũ, thầy giáo cũ, thành viên trong các câu lạc bộ bạn đang tham gia… Tận dụng các mối quan hệ ngay cả trên facebook và các mạng xã hội khác để mở rộng các cơ hội cho mình.
Theo Dân Trí / Careerbuilder
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông