Kiến thức Tuyển dụng Công việc có lấy đi của bạn quá nhiều tiền bạc không?

Công việc có lấy đi của bạn quá nhiều tiền bạc không?

3
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamMột câu hỏi tưởng chừng như rất logic nhưng lại là một vấn đề bạn nên xem xét khi quyết định có làm một công việc nào đó hay không? Nghĩa là hãy suy nghĩ xem công việc đó có khiến bạn phải chi rất nhiều khoản phụ phí?
Dưới đây là sáu yếu tố – 6 phụ phí/chi phí gián tiếp bạn cần phải xem xét về công việc của mình để có những quyết định đúng đắn?

1. Quần áo và các phụ kiện
Nếu đặc thù công việc của bạn yêu cầu phải mặc đồng phục đến nơi công sở, ban đầu bạn tưởng rằng bạn sẽ đỡ đi một khoản may mặc, nhưng thực tế chi phí cho việc giặt là hàng tuần những bộ đồng phục này không hề nhỏ. Bên cạnh đó bạn phải sắm riêng những bộ trang phục mặc trong những bối cảnh ngoài công sở.
Đối với những công việc đòi hỏi ngoại hình, thường xuyên phải gặp mặt khách khứa, bạn cũng không thể xuất hiện mãi với một hai bộ trang phục. Công việc đòi hỏi bạn phải năng làm mới mình với những bộ cánh mới, đầu tóc mới và những phụ kiện mới. Đừng quên tính những khoản chi phí đó vào danh sách thu chi.

2. Chi phí đi lại
Để đi đến được cơ quan, rõ ràng bạn phải bỏ ra một khoản chi phí ở nhiều dạng khác nhau. Thật là may mắn nếu nhà bạn ở gần cơ quan và có thể đi bộ được. Nếu ở nhà xa, các phương tiện giao thông công cộng thường rẻ hơn các phương tiện cá nhân – nhưng bạn lại mất rất nhiều thời gian – đó là chi phí thời gian bạn phải bỏ ra.
Nhưng nếu bạn chọn các loại hình giao thông cá nhân, hãy nhìn vào chi phí xăng xe, bảo dưỡng, chi phí cầu đường…Rõ ràng nếu cơ quan ở gần nhà bạn không chỉ ít tốn kém hơn với chi phí xăng xe mà thời gian bảo dưỡng, tuổi thọ của chiếc xe của bạn sẽ kéo dài hơn. Sự thật là chi phí đi lại cũng là một yếu tố cần cân nhắc rất lớn đối với công việc của bạn.

3. Thức ăn
Một trong những cách tiết kiệm tiền bạc nhất là mang theo các bữa ăn trưa đã được chuẩn bị sẵn ở nhà. Tuy nhiên nếu tính chất công việc hoặc thời gian làm việc khiến bạn không thể làm được điều này thì đây là một khoản chi khá lớn. Cơm trưa văn phòng thường không mấy khi rẻ, nhất là khi cơ quan bạn đặt trong một địa điểm đắt đỏ. Nếu như nhà bạn ở quá xa cơ quan, việc đi lại tốn không ít thời gian, bạn không có thời gian dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn cho buổi trưa, hoặc việc tan ca quá muộn khiến bạn không có điều kiện đi chợ cho buổi tối…Đó là nguyên nhân bạn mất quá nhiều tiền vào những bữa ăn.

4. Chăm sóc con nhỏ
Nếu bạn đã có con bạn thừa hiểu những tốn kém dành cho một đứa trẻ. Một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng phần lớn các ông bố bà mẹ đều dành phần lớn ngân quỹ của mình để chăm lo cho con cái của mình, thậm chí nhiều bậc cha mẹ không có việc làm ổn định hoặc công việc bán thời gian còn không đủ tiền lo cho con cái mình một cách đầy đủ. Trừ khi bạn có một nơi tin cậy để gửi gắm con mình như ông bà, người thân…còn nếu không bạn cần phải tính đến những chi phí phát sinh cho việc chăm sóc con do công việc mang lại. Chẳng hạn do đường đi làm quá xa, bạn không thể đón con kịp giờ, và bạn thường xuyên phải trả thêm tiền trông ngoài giờ. Bạn không có thời gian chuẩn bị bữa sáng cho con và phải nhờ cậy các thầy cô trong trường học của con, bạn không còn thời gian và sức lực để kèm cặp con học bài buổi tối và phải nhờ đến gia sư…

5. Dọn dẹp nhà cửa
Công việc của bạn quá bận rộn, thường xuyên phải đi sớm về muộn, và không còn cách nào khác bạn phải thuê người giúp việc. Cho dù bạn thuê người giúp việc và dọn dẹp theo giờ thì chi phí cho nó lâu dần cũng là một khoản lớn, trong khi nếu công việc rảnh rang hơn, gần nhà hơn bạn có thể tự đảm đương được những công việc này.

6. Điện thoại di động và những trò giải trí
Nếu tính chất công việc yêu cầu bạn phải dùng điện thoại di động để liên hệ trong công việc, hãy thương lượng với công ty thanh toán cho bạn toàn bộ những chi phí này. Nếu bạn phải tự mình chi trả thì hãy suy nghĩ vì đây là một trong những chi phí khá đắt đỏ.
Một số công việc cũng đòi hỏi phải thường xuyên đưa khách hàng, đối tác đi ăn uống, phải tự dùng các phương tiện cá nhân để tiến hành những hoạt động này. Hãy cân nhắc xem những gì mình thu về có đủ để trang trải tất cả những chi phí đó không, khoản thu nhập còn lại có xứng đáng với những gì bạn bỏ ra không?…
Nếu không nhìn vào những khoản chi phí phát sinh có đôi lúc bạn cảm thấy thu nhập của mình cũng có thể chấp nhận được. Nhưng nếu bạn bỏ chút ít thời gian để tính toán những khoản phụ phí từ công việc bạn sẽ lý giải được tại sao mình luôn sống trong tình trạng thâm hụt kéo dài.

Theo Dân Trí / Careerbuilder

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không