Kiến thức Tài chính kế toán Cần quyết liệt hơn trong công tác chống hàng nhái, hàng giả

Cần quyết liệt hơn trong công tác chống hàng nhái, hàng giả

176
Các DN sản xuất hàng tiêu dùng đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái khiến không ít DN lo lắng về sức tiêu thụ hàng hóa thời điểm này.
Nhan nhản hàng nhái
Nhằm đón mùa mua sắm cuối năm, các DN tại TPHCM đang ráo riết thực hiện kế hoạch sản xuất dự trữ hàng hóa. Đặc biệt, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm được chuẩn bị với số lượng lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chuẩn bị đó, các DN e ngại hàng giả, hàng nhái đang khiến nhiều sản phẩm có thương hiệu bị sụt giảm cả về doanh số lẫn lòng tin người tiêu dùng, chiếm đoạt thành quả đầu tư của các DN.
Ông Trần Đình Thiện, Trưởng Đại diện khu vực miền Đông của Công ty TNHH Mỹ phẩm Lan Hảo, cho biết: “Trong các nhóm sản phẩm của công ty, dòng sản phẩm phấn trang điểm bông cúc nhãn hiệu Thorakao đang bán rất chạy, chiếm giữ gần 50% tổng doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái Thorakao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của công ty”.
Một đại diện của nhãn hàng mỹ phẩm Olay cũng chia sẻ, trung bình mỗi sản phẩm của Olay giá khoảng 200.000 đồng, nhưng hàng giả giá chỉ bằng 25%, tức khoảng 40.000-50.000 đồng. Đánh vào tâm lý thích hàng rẻ, nhiều công ty kinh doanh bất chính đã qua mặt người tiêu dùng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của hàng thật.
Hiện nay, sự xuất hiện của hàng nhái, hàng giả ngày càng tinh vi, sản phẩm được sao chép nguyên mẫu, khác biệt rất nhỏ nên dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng. Thị trường đang có rất nhiều sản phẩm nhái bao bì với tên gọi gần giống các thương hiệu nổi tiếng.
Sản phẩm nhái từ hàng tiêu dùng đến thực phẩm như bột giặt MoMo nhái theo Omo, nước rửa chén Vỹ Hảo nhái theo sản phẩm Mỹ Hảo, bột ngọt Asinonoto nhái theo thương hiệu Ajinomoto, bánh kẹo Kim Đô nhái tên của Kinh Đô…
Theo bà Phạm Thu Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư-Thương mại Thu Hiên, đơn vị này đã từng bị một công ty khác làm nhái sản phẩm bột rau câu dẻo Konnyku Jelly.
Sản phẩm bị nhái hình ảnh, bố cục thiết kế bao bì và được bán ra thị trường với giá rất rẻ. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, cơ quan chức năng chỉ xử lý bằng văn bản và xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với công ty làm nhái. Trong khi đó, suốt thời gian bị nhái sản phẩm, Công ty Thu Hiên đã tốn nhiều chi phí và thời gian để giúp khách hàng nhận biết hàng thật, hàng giả.
Cần chế tài mạnh hơn
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các DN lo làm sao tiêu thụ hàng hóa cũng đã gần “hụt hơi”. Để tạo dựng được tên tuổi, vị thế, DN đã phải tiêu tốn chi phí rất lớn từ đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu, thực hiện nghĩa vụ thuế và đăng ký bảo hộ cho sản phẩm. Trong khi đó, các công ty làm giả lại không chịu các khoản phí tương tự. Khi bị phát hiện, mức phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe nên mức độ vi phạm, tái phạm rất cao.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. Ảnh: A. TUẤN
Hơn nữa, việc chống hàng nhái, hàng giả cũng gặp không ít khó khăn nên đa số DN chỉ mới dừng lại ở việc khuyến cáo người tiêu dùng phải kiểm tra sản phẩm bao bì, tên nhãn hiệu, nơi sản xuất để mua được sản phẩm thật, thay vì tiến hành khiếu kiện.
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Minh, hàng nhái, hàng giả đã trở thành nỗi ám ảnh cả với DN và người tiêu dùng hiện nay. Mẫu giày của công ty vừa ra mắt vài ngày thị trường đã tràn ngập những sản phẩm tương tự.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nhận định hiện nay không chỉ các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường bị làm giả, làm nhái mà các mặt hàng như thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, xi măng, phân bón và những mặt hàng có tính kỹ thuật và giá trị lớn như sắt thép, phụ tùng xe máy… cũng bị làm giả. Tuy nhiên, chế tài đối với hành vi này còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.
Hơn nữa, kinh phí chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế trong khi chi phí điều tra để phát hiện, giám định và tiêu hủy hàng giả lại rất cao. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn chưa chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi thông qua việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Để đẩy lùi hàng giả, tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, DN cần kết hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả.
Đồng thời, cơ quan quản lý cần đưa ra những chế tài mạnh hơn, hỗ trợ các đơn vị chức năng về kinh phí để triển khai kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vấn nạn hàng nhái, hàng giả.

Theo Saigondautu

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không