Điểm tựa cho nông sản Việt

120
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamVấn đề mấu chốt và được xem là “nút thắt” quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt chính là công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì suy cho cùng, thương hiệu của một sản phẩm chính là nguồn gốc ra đời của sản phẩm đó. Đây là chia sẻ của TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện chiến lược chính sách (Bộ NN- PTNT) với DĐDN.
Ông Sơn cho biết, từ một nước phải nhập khẩu gạo để cứu đói thì giờ đây VN đã XK gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá với sản lượng lớn không nhất thì nhì ở trên thế giới. Đây thực sự là một thành tích đáng kể của ngành nông nghiệp VN và của người nông dân VN.
– Thế nhưng, hàng loạt nông sản của ta bị trả về và mới đây nhất là chuyện phía Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu tôm tươi của VN đã khiến nhiều DN lo ngại. Ông suy nghĩ gì về điều này ?
Thời gian gần đây tôi cũng nhận được phản ánh của một số DN rằng, nhiều trường hợp thương nhân Trung Quốc thu mua tôm nguyên liệu rồi bơm các loại tạp chất như thạch rau câu vào để tăng trọng lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm tôm VN. Việc hợp tác XK giữa DN VN và thương nhân Trung Quốc thường không bền chặt, DN và người nuôi tôm VN luôn ở thế bị động. Tuy nhiên, trước thông tin chúng ta bị phía bạn “gài bẫy” thì theo tôi không thể vội vàng đưa ra kết luận chủ quan như vậy.
Theo công văn do phía Trung Quốc gửi, có 3 nguyên nhân khiến nước này đưa ra quyết định tạm dừng nhập khẩu mặt hàng tôm là do nghi ngờ tôm VN có mang virus bệnh hại và chứng nhận đối với mặt hàng tôm XK của VN không đúng theo yêu cầu của Trung Quốc. Hơn nữa, VN chưa chuyển danh sách các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm của mình cho Trung Quốc. Thế nhưng, mặt hàng bị cấm nhập khẩu lại rơi vào tôm nguyên liệu, chưa qua chế biến. Các lô hàng này chủ yếu nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới, nên việc Trung Quốc cấm nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chế biến XK tôm của VN vào thị trường nước này.
– Nhưng rõ ràng điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu nông sản VN. Là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông, trước mắt ta cần làm gì ? 
Nông sản VN XK chiếm lĩnh được thị phần lớn ở các thị trường phổ thông, không đòi hỏi cao về chất lượng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của VN là vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Trong bối cảnh siết chặt bảo hộ mậu dịch hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp tưởng như đơn giản lại vô cùng khó khăn đối với người sản xuất cũng như DN XK. Đơn cử vừa qua, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với 5 loại quả xuất sang Trung Quốc cũng khiến các cơ quản quản lý, DN tới người nông dân lúng túng.
Trong khi đó, các thương hiệu hàng đầu đều có liên tưởng đến xuất xứ sản xuất. Xuất xứ đó có thể là một quốc gia hoặc một địa danh địa phương cụ thể. Ví dụ như, khi nhắc đến các thương hiệu đồng hồ có tên tuổi người ta sẽ nhớ về đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp (Rolex, Tissot, Longines). Nước Đức được nhắc đến đầu tiên khi nói đến các thương hiệu xe sang (BMW, Mercedes, Audi); và nói đến sản phẩm công nghệ, nước Mỹ chắc chắn là “vô đối” (Apple, IBM, Microsoft)…
– Nhưng việc truy xuất nguồn gốc không phải bây giờ mới nói ?
Đối với các nước có nền nông nghiệp phát triển việc truy xuất nguồn gốc là việc làm thường xuyên và lâu dài nhưng đối với VN lại chưa được thực sự quan tâm. Thậm chí, chỉ sau khi nước nhập khẩu ra quyết định dừng nhập các lô hàng nông sản từ phía VN vì nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm khuẩn, không đảm bảo chất lượng thì cơ quan quản lý của chúng ta mới ráo riết truy xuất nguồn gốc giống như kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngay cả bài toán quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi đã được đưa ra từ lâu, song đến nay, mọi việc vẫn như mới. Tôi cho rằng, đây là một trong những “nút thắt” quan trọng nhất mà chúng ta cần phải nhanh chóng tháo gỡ.
– Vậy theo ông, gỡ những “nút thắt” này bằng cách nào ?
Đây là điều mà các nước có thương hiệu nông sản mạnh thường làm. Chính phủ cần xúc tiến thương mại mạnh mẽ vào thị trường lớn và khó tính như: Mỹ, Châu Âu… để tạo điều kiện cho các DN nông sản Việt có cơ hội thâm nhập. Một khi đã chiếm lĩnh thị trường khó tính, các thị trường còn lại sẽ không còn khó khăn nữa. Tuy nhiên, đây là điều hết sức khó khăn cho DN nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ. Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ NN- PTNT cần có chính sách hỗ trợ để bảo hộ cho thương hiệu nông sản VN.
Hơn thế, Bộ NN – PTNT là tổ chức cần nắm rõ những yêu cầu từ thị trường, đồng thời truyền tải đầy đủ và xuyên suốt cho các DN trong lĩnh vực này. Ví dụ như, để thanh long vào được Mỹ, cần tuân thủ quy trình sản xuất về: khí hậu, phân bón, kiểm tra,… Tất cả những yêu cầu đó đều được đưa đến DN đầy đủ và nhanh chóng.
Ngoài ra, bộ cũng cần đặt ra những tiêu chuẩn bảo hộ mang tính địa phương có lợi cho DN Việt nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, nếu thương hiệu Việt không thắng trên sân nhà, lấy đâu ra niềm tin để xuất ngoại? Do vậy, những quy định bảo hộ nhằm ngăn bớt sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại, đồng thời tạo điều kiện để các thương hiệu nông sản nội địa đứng vững.
– Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ từ phía cơ quan quản lý ?
Cái khó nhất của các nhà sản xuất, DN hiện nay là chưa tạo được một chuỗi khép kín sản xuất – thu mua – XK. Tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “làm ăn chụp giật” vẫn còn diễn ra phổ biến. Khi có thị trường thì đầu tư rầm rộ, hoành tráng, đúng quy trình và khi đã xuất được vài lô hàng trót lọt, thì coi như thành công. Điều này đã xảy ra với một số mặt hàng hồ tiêu, cà phê, chè… của VN.
VN gia nhập sân chơi thế giới WTO đã 5 năm, nhưng xem ra vẫn chưa thực sự hiểu kỹ về các thị trường khó tính và quy tắc về “nuôi” các thị trường tiềm năng vẫn chưa được tính đến. Cạnh tranh là cần thiết, nhưng cạnh tranh như thế nào để các thành phần tham gia kinh doanh được lợi lại là chuyện khác. Câu chuyện thanh long vào thị trường Mỹ làm chúng ta phải suy nghĩ. Đối tác chưa kịp đàm phán,chính những nhà XK VN đã giẫm đạp giá lên nhau để đạt được hợp đồng. Hệ lụy là người nông dân và bản thân nhà XK mất rất nhiều. Vì thế, các DN cần bỏ quan niệm cạnh tranh bằng cách hạ giá, mà phải xây dựng thương hiệu và cạnh tranh bằng các dịch vụ kèm theo. Tức là DN cần xây dựng thương hiệu bằng chất xám mà trước hết phải xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật cao. Lúc đó không phải tính đến XK sao cho nhiều hàng hóa mà tính đến chế biến sâu hơn để tạo thương hiệu riêng cho quốc gia mình.
– Xin cảm ơn ông !

Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV:
Cần xóa bỏ tâm lý tiểu nông
Muốn xây dựng thương hiệu nông sản cần xóa bỏ tâm lý “tiểu nông” cố hữu, thậm chí cả sự tự ti để hội nhập. Để phát huy được giá trị hàng nông sản VN trên trường quốc tế rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ vốn, đầu tư thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, tăng cường tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Mặt khác, người nông dân cần có ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Tương lai, mỗi hộ nông dân cần làm chủ máy móc, công nghệ, có ý thức cao hơn trong việc xây dựng uy tín thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng, cải tiến bao bì, nhãn mác… nâng cao chất lượng hàng hóa, khẳng định thương hiệu danh tiếng cho nông sản.

Ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng giám đốc Cty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông: 
Có sự vào cuộc của “bốn nhà”
VN có thương hiệu nông sản nhưng chưa nhiều và chưa vững chắc. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản phải có sự vào cuộc của “bốn nhà”. Việc khẳng định thương hiệu phải bắt nguồn từ cơ sở, từ chính những người nông dân làm ra sản phẩm đến các DN xuất khẩu… Chúng ta phải có cơ chế, chính sách, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật đầu tư cho cây trồng, vật nuôi thành những vùng chuyên canh hàng hóa từ khâu chọn giống cho đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Lúc đó chúng ta mới có thương hiệu nông sản thực sự. Hiện nay, những thương hiệu như Cà phê Trung Nguyên, Mía đường Lam Sơn… rất tốt do họ biết đầu tư thật sự bài bản như đã kể trên. Họ đã tạo ra được những vùng sản xuất hàng hóa rộng lớn mà ở đó nông dân được làm chủ trên cánh đồng của mình và thu lợi một cách ổn định. Khi nông sản đã được khép kín từ đầu vào đến đầu ra bằng bàn tay và khối óc của những nhà chuyên nghiệp, thương lái không còn lý do để ép giá, lũng đoạn thị trường.

Ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Cty CP mía đường Lam Sơn: 
Cần phải gắn với chiến lược phát triển khác
Tôi cho rằng, nông sản VN đang gặp khó khăn khi tiếp cận đến người tiêu dùng nước ngoài và thậm chí cả người trong nước. Nhiều cuộc hội thảo của các nhà khoa học, các nhà quản lý “từ đầu bờ” cho đến “đầu bàn” về việc làm sao xây dựng được thương hiệu cho “nông sản VN”. Nhiều tỉ đồng từ ngân sách đã được chi ra cho việc xây dựng thương hiệu theo hướng “truyền thông tiếp thị”, “tấn công vào thị trường”… Nhưng dường như không mấy ai quan tâm rằng thương hiệu nông sản VN lại đang bị “tấn công” mãnh liệt ngay khi chưa hình thành. Sự tấn công này nguy hiểm cho nhiều đối tượng, như nông sản và người tiêu dùng nông sản trong chiến lược xây dựng nông sản VN nên có thêm những phương án bảo vệ, phòng thủ đối với các cuộc tấn công. Chiến lược cho thương hiệu nông sản VN cần phải gắn với những chiến lược phát triển khác của ngành nông nghiệp. Nếu không, liệu VN có tiếp tục phải trả giá đắt cho nhận thức, phương thức sản xuất, phát triển kinh doanh và sức khoẻ con người và để cho người tấn công thu được những mối lợi nhãn tiền và sâu xa.

Theo Mai Thanh

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không