Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Hầu hết các doanh nghiệp ngành nhựa đều cho rằng áp dụng thuế BVMT với túi ni lông là đúng. Nhưng theo phản ánh, một số doanh nghiệp hiện vẫn còn lúng túng, gặp khó khăn khi áp dụng thuế đối với loại sản phẩm này.
Cần có tiêu chí cụ thể hơn
Theo Luật Thuế BVMT, túi ni lông không thân thiện với môi trường phải đóng thuế 40.000 đồng/kg. Do chưa có tiêu chí, quy định cụ thể để xác định thế nào là túi ni lông thân thiện với môi trường nên một số doanh nghiệp sản xuất túi ni lông chưa nắm được có thuộc đối tượng chịu thuế BVMT hay không và phải chịu như thế nào.
Ông Phạm Hoàng Việt, Ủy viên HĐQT, phụ trách kinh doanh nội địa Công ty cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát cho biết, Công ty của ông chuyên sản xuất bao bì nhựa tự phân hủy sinh học, nhưng do giá thành sản phẩm loại này hiện nay vẫn ở mức cao nên Công ty chủ yếu sản xuất hàng để xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, Công ty chỉ xuất bán nếu có đơn đặt hàng. Tuy nhiên, các sản phẩm bao bì nhựa tự phân hủy khi xuất hóa đơn bán trong nước Công ty vẫn phải đóng thuế BVMT. Bởi theo quy định, các sản phẩm không phải chịu thuế là những sản phẩm đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường nhưng hiện chưa có quy định cụ thể để xác định thế nào là sản phẩm thân thiện môi trường, nên sản phẩm của Công ty ông chưa được cấp chứng nhận.
Khoản 3 Điều 2 Luật thuế BVMT quy định, túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện Tổng cục Môi trường đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 67/2011/NĐ-CP về các tiêu chí túi ni lông thân thiện với môi trường, dự kiến Thông tư sẽ được ban hành cuối tháng 5/2012
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Liên Hoàn Phát (TP. Hải Phòng), túi xốp chỉ nên hiểu là loại túi thường chỉ sử dụng một lần, dùng cho hàng hóa ngoài chợ, được người dùng phân tán nhỏ lẻ, không được tái sinh. Việc áp thuế với các sản phẩm túi loại này là hợp lý, để hạn chế việc sử dụng.
Nếu hiểu túi nhựa xốp bao gồm tất cả các loại túi, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hoá và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường, thì việc áp thuế với các sản phẩm túi ni lông dùng trong công nghiệp (như túi lót HD, LLPE, LPE dùng để đóng hàng hóa công nghiệp, thức ăn chăn nuôi, lúa gạo, phân đạm…) sẽ không hợp lý, bởi các loại túi này ít tác động đến môi trường, có giá trị tái sử dụng cao.
“Đã đến lúc cần thiết phải có những quy định để làm rõ thế nào là túi nhựa xốp thuộc diện chịu thuế, tiêu chí túi ni lông thân thiện với môi trường, tránh gây hiểu nhầm cho doanh nghiệp, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định và có tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời có chế tài đánh mạnh vào việc sản xuất, sử dụng các loại túi ni lông hàng chợ”, ông Hợi kiến nghị.
Lo ngại sản phẩm có thể bị đánh thuế hai lần
Theo khoản 4, Điều 5, Chương 3 Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ, thuế BVMT chỉ phải nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu nhưng thực tế, các doanh nghiệp lo ngại sẽ phải đóng 2-3 lần thuế trên cùng một mặt hàng.
Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì nhựa Tiến Phát tại tỉnh Bình Dương cho biết, theo hướng dẫn của Cục thuế Bình Dương, khi Công ty của ông bán sản phẩm màng nhựa, túi nhựa cho một đơn vị nằm trong khu chế xuất Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh), Công ty của ông phải cộng thuế BVMT vào giá bán và kê khai nộp thuế tại Cục thuế Bình Dương.
Tuy nhiên, khi nhập khẩu vào khu chế xuất, đơn vị nhập khẩu lại phải kê khai nộp thuế BVMT cho Hải quan TP. Hồ Chí Minh. “Cục thuế Bình Dương và Hải quan TP. Hồ Chí Minh đều yêu cầu chúng tôi phải nộp thuế trước, sau đó có hướng dẫn sẽ hoàn thuế sau khiến chúng tôi gặp khó khăn khi bán hàng”, ông Hà chia sẻ.
Cùng chung vướng mắc này, ông Hitoshi Saito, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Nhật Bản, hiện đang đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất cần thống nhất một đơn vị thu thuế.
Ông Hitoshi Saito kiến nghị đưa ra hai cách thu loại thuế này, như chỉ cần thu thuế BVMT tại nhà sản xuất túi PE, không thu khi xuất – nhập túi vào khu chế xuất, không thu khi đơn vị trong nước nhập khẩu bao giấy có lồng túi PE từ khu chế xuất trở lại trong nước; hoặc không thu thuế BVMT khi nhà sản xuất phát hành hóa đơn bán vào trong khu chế xuất, chỉ đóng thuế BVMT khi khách hàng trong nước nhập khẩu bao giấy có lồng túi PE từ khu chế xuất.
Ngoài ra, việc trên hóa đơn bán hàng gộp chung thuế BVMT vào giá bán, không tách ra một cách cụ thể khiến các doanh nghiệp có thể gặp vướng mắc.
Cụ thể, đơn vị mua mặt hàng túi bao bì nhựa về làm thêm một vài công đoạn, sau đó bán cho một đơn vị khác cũng ở dạng túi bao bì thì lại phải kê khai đóng thuế BVMT thêm một lần nữa, còn nếu không muốn đóng thuế thì phải chứng minh. “Tuy nhiên, việc chứng minh không đơn giản vì trên hóa đơn đầu vào của đơn vị không cho thấy đơn vị đã chịu thuế BVMT đầu vào”, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì nhựa Tiến Phát khẳng định.
Ông Hà cũng đưa ra trường hợp doanh nghiệp tái chế nhựa mua phế liệu, phế phẩm màng nhựa, túi nhựa (đã chịu thuế BVMT) về tái sinh thành hạt nhựa tái sinh, sau đó bán cho các doanh nghiệp nhựa để sản xuất ra các túi bao bì nhựa tái sinh và bán ra thị trường, đồng thời phải chịu thuế BVMT một lần nữa. “Nếu áp dụng như vậy sẽ dẫn đến sản phẩm túi bao bì nhựa tái sinh đắt hơn túi bao bì nhựa nguyên sinh, như vậy không hợp lý”, ông Hà nói.
Túi ni lông nội cũng gặp khó, đợi hướng dẫn
Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng) là một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, vì thế túi ni lông để bao gói sản phẩm là thành phần không thể thiếu.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hàng năm, Công ty ông sử dụng một lượng túi ni lông rất lớn, trước đây giá túi ni lông nhập vào chỉ khoảng 35.000 đồng/kg, nhưng từ khi áp thuế BVMT, giá túi ni lông đã tăng hơn gấp đôi khiến chi phí sản xuất bị đội lên nhiều. Hơn nữa, sau khi tính giá túi ni lông vào giá thành sản phẩm Công ty lại chịu thêm một lần thuế giá trị gia tăng khiến sản phẩm xuất khẩu của Công ty phải tăng giá bán, đồng nghĩa với việc giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Từ đó, ông Lĩnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền nên xem xét tách dòng thuế BVMT đối với túi ni lông ra khỏi sản phẩm và thực hiện việc hoàn loại thuế này cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Còn ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH bao bì Liên Hoàn Phát chia sẻ: “Hiện nay có những đơn hàng của Công ty chúng tôi bị tạm dừng lại do khách hàng không chịu cộng thêm vào giá thành 40.000 đồng/kg túi ni lông, kể cả những đơn hàng dài hạn, đã ký trước khi Luật thuế BVMT có hiệu lực”.
Trong khi đó, theo Điều 2 Thông tư số 152/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, túi ni lông PE nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế BVMT nếu tạm nhập khẩu và tái xuất khẩu trong thời hạn quy định của pháp luật.
“Vì quy định trên mà nhiều doanh nghiệp mua túi ni lông để đóng gói hàng hóa xuất khẩu đã lựa chọn phương pháp tạm nhập tái xuất khiến các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông trong nước phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng”, ông Hợi nói.
Còn ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Công ty TNHH bao bì nhựa Tiến Phát cho hay, từ cuối năm 2011 đến nay, Công ty ông phải sản xuất cầm chừng và bán hàng tồn kho từ năm trước để đợi hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Ông Hà cũng cho biết thêm, một số doanh nghiệp nhỏ đã né thuế bằng cách bán sản phẩm và không xuất hoá đơn. Cũng đã có những đối tác mua hàng yêu cầu công ty sản xuất bao bì “lách” thuế bằng cách thay đổi tên đơn hàng trên hóa đơn.
Để chủ trương hạn chế sử dụng túi nilon thực sự đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với các quy định về thuế BVMT, để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc này.
Theo kienthuckinhte
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông