Lãnh đạo vụ chức năng của NHNN chia sẻ: Sự phối hợp của 3 nhà: nhà nông, nhà DN, nhà khoa học chưa thực sự tốt. Lợi ích của người nông dân chưa được đảm bảo. Dưới góc độ người làm chính sách, theo ông, cần nghiên cứu để có chính sách điều tiết rõ ràng minh bạch về lợi ích, trong đó chú ý đến lợi ích của người dân trực tiếp sản xuất nhằm khuyến khích để họ thực sự gắn bó và hăng say sản xuất.
Vốn ngân hàng dồn về tam nông
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP (Nghị định 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nông nghiệp và nông thôn trong 3 năm qua đã tăng mạnh so với trước.
Mặc dù năm 2012 là năm vô cùng khó khăn của hệ thống ngân hàng, đến cuối tháng 10/2012 tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trong hệ thống mới chỉ đạt khoảng 3,3%, nhưng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng tới 5,3% so với cuối năm ngoái. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua cũng đề nghị: khuyến khích các ngân hàng cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng vốn ngân hàng góp phần làm nên những mùa vàng bội thu. (Ảnh: Hoàng Giáp)
Thực tế cho thấy, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) thì các chính sách tín dụng cho lĩnh vực này cũng liên tục được thay đổi, theo hướng tăng về nguồn vốn và mở rộng đối tượng. Chẳng hạn, theo Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 và Quyết định số 148/1999/QĐ-TTg ngày 7/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ, khách hàng là hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được vay vốn đến 10 triệu đồng không phải thế chấp tài sản.
Tại Nghị quyết số 11/2000/NQ – CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ cho phép các hộ làm kinh tế trang trại được vay 20 triệu đồng không phải thế chấp tài sản. Đặc biệt, theo Nghị định 41, các TCTD có thể xem xét mức vốn cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với hộ gia đình tối đa đến 50 triệu đồng; đối với hộ sản xuất, kinh doanh tối đa 200 triệu đồng, đối với hợp tác xã, chủ trang trại tối đa 500 triệu đồng.
Về mặt điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), NHNN cũng “mở” hơn, để giúp TCTD có điều kiện tham gia cho vay tam nông. Chẳng hạn, NHNN cho phép các NHTM sau: MDB, MHB, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, Agribank và LienVietPostBank được áp dụng mức trích tỷ lệ dự trữ bắt buộc (từ tháng 2/2012 đến tháng 7/2012 theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 20/2010/TT-NHNN ngày 29/9/2010).
Theo đó, các TCTD có dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% – 70% thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND chỉ bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.
Theo nguồn tin của phóng viên, đến nay nhiều NHTM đã tập trung vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có tỷ trọng dư nợ cho vay tam nông/tổng dư nợ ở mức khá cao, điển hình như: Agribank có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 70% tổng dư nợ; MHB đạt 66,98%; Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đạt 62,02%; MDB đạt 46,24%.
Để tín dụng tam nông hiệu quả hơn
Tạo lập các kênh dẫn vốn đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là cần thiết. Đa số vốn cho vay khu vực tam nông đều có cơ chế ưu đãi: ưu đãi về bố trí nguồn vốn, thời hạn cho vay dài, lãi suất ưu đãi…. Song, thực tế đang xảy ra tình trạng người vay mong muốn ngày càng nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ Nhà nước và nảy sinh tâm lý “của vay là của được”, chây ì trong trả nợ, hoặc sử dụng đồng vốn không hiệu quả.
Bên cạnh đó, từ việc thực hiện cho vay tam nông theo Nghị định 41 cũng cho thấy, nếu chỉ riêng hệ thống ngân hàng “chăm chút” đầu tư tín dụng thì chưa đủ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ ngành liên quan để “chăm lo” cho người dân từ khâu nuôi trồng, cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm…
Theo Chỉ thị số 06/CT-NHNN về các giải pháp điều hành CSTT, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, NHNN đưa ra nhiệm vụ: các vụ, cục chức năng thực hiện các công cụ CSTT để khuyến khích mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và các TCTD đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế…
Tại một hội thảo về chính sách cho tam nông, GS – TS. Võ Tòng Xuân – chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa ra một câu chuyện rất thực tế: Cuối vụ đông xuân 2011 – 2012 nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại bội thu một lần nữa. Năng suất bình quân toàn vùng có thể lên đến 7 tấn/ha.
Cái hồ hởi của bà con nông dân mới “vút lên” lại tắt ngấm ngay vì các công ty lương thực không mua lúa. Cả thương lái “ta” và thương lái “tây” hè nhau không mua lúa để buộc nông dân phải bán giá rẻ.
Đã 37 năm hòa bình rồi mà phần lớn nông dân trồng lúa của ĐBSCL vẫn nghèo, không tiền dành dụm trong nhà, lại nợ trong nợ ngoài, mọi thứ đều trông chờ vào hạt lúa mới vừa thu hoạch, cho nên thương lái trả bao nhiêu là phải chấp nhận bấy nhiêu. Phải chi được khá giả thì họ đã “neo” lúa lại chờ giá lên mới bán! GS-TS. Võ Tòng Xuân đặt câu hỏi: “Vì sao cái nghèo cứ đeo đuổi tầng lớp nông dân mãi vậy?”.
Vị giáo sư này cũng nêu thêm lý do khác: phần lớn người nông dân không có tay nghề, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ thấp. Nhà nước đào tạo cán bộ khuyến nông để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Nhưng các cán bộ khuyến nông chỉ hướng dẫn xong thì rút đi, người nông dân học xong rồi… để đấy. Ngay cả với DN hoạt động trong lĩnh vực tam nông cũng không được đào tạo, cập nhật kỹ thuật mới; vốn đầu tư của ngân hàng có, nhưng không đủ nhiều để đầu tư thiết bị hiện đại…
GS – TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, đầu tư vốn cho tam nông là quan trọng, nhưng đi kèm với vốn phải là áp dụng khoa học kỹ thuật; đặc biệt là phải đủ tiềm lực tài chính để tổ chức đồng bộ một hệ thống phát triển kinh doanh theo thế mạnh của từng vùng sinh thái đặc thù; xác định thị trường để chọn lựa sản phẩm có thế mạnh, từ đó thiết kế các phương cách đầu tư để sản xuất ra sản phẩm ấy… như vậy đồng vốn đầu tư mới mang lại hiệu quả cao.
Lãnh đạo vụ chức năng của NHNN chia sẻ: Sự phối hợp của 3 nhà: nhà nông, nhà DN (bao gồm cả ngân hàng các DN chế biến, lo đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp), nhà khoa học chưa thực sự tốt. Lợi ích của người nông dân chưa được đảm bảo, tình trạng bán lúa non, tình trạng bị ăn chặn của nông dân vẫn khá phổ biến.
Dưới góc độ người làm chính sách, theo ông, cần nghiên cứu để có chính sách điều tiết rõ ràng minh bạch về lợi ích, trong đó chú ý đến lợi ích của người dân trực tiếp sản xuất (lợi nhuận tổng thể của sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản cần có bàn tay Chính phủ điều tiết) nhằm khuyến khích người nông dân, ngư dân, diêm dân để họ thực sự gắn bó và hăng say sản xuất.
“Có thể học tập kinh nghiệm này của ngành du lịch Thái Lan, các DN hàng không có thể lỗ về giá vé, khách sạn lỗ về giá phòng nhưng những ngành dịch vụ ăn uống, vui chơi và nhất là bán được nhiều hàng hóa thì về tổng thể ngành du lịch thu được lợi nhuận và có sự điều tiết rất tốt trong nội bộ ngành” – vị này ví von.
Theo Thoibaonganhang
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông