Kiến thức Tuyển dụng Điều nhà tuyển dụng muốn nghe nhất

Điều nhà tuyển dụng muốn nghe nhất

14
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamƯớc mơ nghề nghiệp, mục tiêu cụ thể trong công việc, những câu hỏi đắt giá và những lời nói thật. Đó là những điều mọi nhà tuyển dụng đều muốn tìm ở các ứng viên.
Ước mơ và mục tiêu
Với những ứng viên cho vị trí lập trình hay phân tích thiết kế phần mềm, những “tâm sự” sau đây sẽ tạo ấn tượng tốt: “Tôi muốn viết ra những phần mềm giúp cho nhà quản lý Việt Nam có thể nắm bắt những thông tin kịp thời và chính xác để đưa ra những quyết định trong điều hành, và phần mềm này có thể bán được trên thị trường phục vụ của người tiêu dùng Việt Nam”.
Có lần một ứng viên đã trả lời câu hỏi “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?” như sau: “Bây giờ tôi đang ứng tuyển vào vị trí nhân viên khảo sát – tư vấn – triển khai phần mềm nhưng trong 3 năm nữa tôi muốn mình trở thành trưởng phòng”.
Sẽ thật tuyệt vời nếu ước mơ nghề nghiệp của bạn phù hợp với những mục tiêu, chiến lược lâu dài hoặc nhu cầu nhân sự trước mắt của công ty. Nhưng ngay cả khi chưa có sự tương đồng giữa ước mơ của bạn và định hướng phát triển của công ty, nhà tuyển dụng luôn trân trọng những ứng viên có những khát khao về nghề nghiệp và biết đặt cho mình những mục tiêu phát triển trong công việc.
Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy thích thú hơn khi được nghe bạn trình bày về các dự án, những công việc cụ thể bạn đang làm để thực hiện những ước mơ và mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
Những câu hỏi đắt giá
Thông thường, bạn sẽ có cơ hội để đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn. Một số nhà tuyển dụng chủ động “nhường sân” cho bạn với những lời đề nghị như “Bây giờ, bạn có thể hỏi những vấn đề mình quan tâm?”. Hoặc “Nếu được hỏi chúng tôi, bạn sẽ hỏi những điều gì? Bạn quan tâm điều gì khi dự định ứng tuyển vào công ty chúng tôi?”.
Đây là lúc nhà tuyển dụng chờ được nghe những câu hỏi đắt giá của ứng viên. Chúng ta đều biết một câu hỏi luôn luôn ẩn chứa sự quan tâm của người hỏi, và đây chính là thông tin để nhà tuyển dụng đọc những “giá trị” của ứng viên (Hãy nói cho tôi biết những điều bạn quan tâm, tôi sẽ cho biết bạn là ai).
Những câu hỏi đắt giá ở đây là những câu hỏi nhằm khai thác thông tin chiều sâu, thường những thông tin này ít xuất hiện trong giới thiệu công cộng của công ty. Dưới đây là một số câu hỏi tôi sưu tầm được từ các ứng viên:
– Định hướng mục tiêu của công ty hoặc một sản phẩm chiến lược những năm sắp tới?
– Công ty mong đợi gì ở một người trong vị trí tuyển dụng như tôi?
– Công ty có những biện pháp nào để giúp nhân viên phát huy năng lực, sở trường của cá nhân hoặc tinh thần đồng đội, làm việc nhóm?
– Triết lý quản lý và những giá trị văn hoá mà công ty đeo đuổi là gì?
– Với những thông tin về tôi mà anh chị đã có cho đến giờ này, anh chị nhận thấy tôi có thể đảm nhận được vị trí công việc tuyển dụng.
Nói thật bằng lời và “không lời”
Trong xã hội tràn ngập thông tin như hiện nay, sẽ không mấy khó khăn để người tìm việc tìm hiểu và nắm bắt những điều các nhà tuyển dụng muốn nghe.
Tuy nhiên, trung thực thường là một trong những tiêu chí hàng đầu để các nhà tuyển dụng đánh giá, lựa chọn ứng viên. Có một định nghĩa rất thú vị về trung thực do Tổ chức Giáo dục giá trị sống toàn cầu giới thiệu “Trung thực là sự thống nhất trong suy nghĩ, lời nói và hành động”.
Trong giao tiếp, suy nghĩ bên trong của chúng ta không chỉ thể hiện qua lời nói và còn “xuất hiện” qua cử chỉ, nét mặt, âm giọng, tư thế ngồi…
Thông thường, ngôn ngữ cơ thể không biết nói dối! Vì thế, nhà tuyển dụng không chỉ lắng nghe những điều bạn nói mà còn quan sát để “đọc” tính trung thực của lời nói qua ngôn ngữ không lời mà bạn thể hiện. Vì vậy, trước một nhà tuyển dụng lão luyện, đừng có ý định nói dối, bạn sẽ không qua mặt được họ đâu.

Theo Sài gòn Tiếp Thị

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không