Thời gian gần đây, không ít nhà tuyển dụng phàn nàn về “độ chênh” khá lớn giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng với khả năng đáp ứng công việc của nhân viên trẻ. Đâu là cái thiếu và cái yếu tạo nên hố sâu ngăn cách này?
Thiếu những tiêu chuẩn chung
Lật giở các trang giới thiệu việc làm hiện nay đều thấy các công ty tuyển người dựa theo “một tiêu chuẩn chung”: Tốt nghiệp đại học (chuyên ngành liên quan); ngoại ngữ C, vi tính thành thạo, chấp nhận làm việc với áp lực cao…
Tâm lý chung của các ứng viên trẻ là đều coi trọng bằng cấp. Vậy là từ đó, các sinh viên trước khi ra trường đã trang bị hành trang cho mình khá đầy đủ, gồm các loại chứng chỉ này nọ, thậm chí có loại giá khá “mềm” (chỉ khoảng… 50.000 đồng).
Tuy nhiên, hồ sơ chỉ là hồ sơ. Mặc dù hồ sơ của bạn có “đẹp” đến mấy thì khi đối mặt với cuộc phỏng vấn bạn mới thấy kiến thức của mình chẳng là gì so với yêu cầu công việc thực tế. Chưa nói đến nhiều người lại tìm việc bằng cách rải hồ sơ và hy vọng vào sự may mắn.
Thiếu kiến thức xã hội
Một điều quan trọng mà nhiều nhân viên quên mất rằng: Kiến thức xã hội cực kỳ quan trọng, quyết định đến việc có thể làm tốt hay không tốt công việc. Thậm chí nhiều ứng viên còn “vô tình” quên không tìm hiểu về công ty mà mình tham gia thi tuyển. Họ giống như một cái máy chỉ biết địa chỉ và thông báo tuyển dụng của công ty.
Nhiều nhà tuyển dụng chỉ cần hỏi ứng viên những câu hỏi ngoài lề để thẩm định kiến thức thực tế của ứng viên. Nhưng có không ít ứng viên trả lời rằng: họ không biết gì vì thời gian qua chỉ lo học nên không quan tâm “chuyện xã hội”.
Nhiều người tham gia tuyển những ngành nghề liên quan đến thị trường, kinh doanh mà không có kế hoạch cập nhật thông tin về xã hội, thị trường. Và cái yếu lớn nhất là bỏ qua khâu tìm hiểu về công việc và công ty mình dự định sẽ làm việc…
Thiếu tự tin và sự quyết đoán
Thương trường là chiến trường và bí mật kinh doanh là chìa khóa của thành công. Tâm lý “đứng núi này trông núi nọi” là hệ quả sự thiếu ổn định, thiếu tự tin của lao động trẻ. Xét ở góc độ kinh doanh, tâm lý này sẽ là mầm mống của thay đổi thỏa hiệp, (thậm chí là phản bội) khi họ phải đứng trước sự lựa chọn “một mất, một còn”.
Bởi vậy, khi tuyển người, các công ty thường “soi” kỹ tiêu chuẩn này… Trước câu hỏi “Bạn có tự tin là tự mình có thể tìm được việc làm hay không?”, chỉ 4% trả lời “tin”, trong khi 53% kêu “rất khó”… Vì thế, nhiều nhà tuyển dụng đặt ra yêu cầu rất cao về sự tự tin, lòng đam mê, yêu nghề của lao động trẻ. Chỉ có điều đó mới hun đúc được ngọn lửa nhiệt tình để làm việc hiệu quả…
Thiếu sáng tạo trong công việc
Người trẻ có thời gian để thử nghiệm và thất bại. Thật khó khi phải làm theo ý của người khác vì nếu tình trạng đó kéo dài, sẽ là thử thách cho tư duy sáng tạo của mỗi người.
Vì vậy, hãy luôn sáng tạo, càng nhiều càng tốt và nhìn vào thực tế để sáng tạo. Hãy nhớ rằng: Có cơ hội cho tất cả vì mọi ý tưởng đều đến từ thực tiễn. Lao động trẻ có kiến thức, chuyên môn, và chỉ có sự sáng tạo mới giúp họ nhận biết năng lực của mình.
Nhưng nhiều cơ quan lại có tình trạng đố kỵ với nhân viên trẻ có ý kiến vì cho rằng như thế là… “trứng khôn hơn vịt”. Nhiều người an phận với vị trí của mình, đành tặc lưỡi không ý kiến cho nhanh. Cứ lặp lại như thế, tư duy sáng tạo của nhân viên trẻ sẽ bị mài mòn dần và nhanh chóng mất đi.
Thiếu kiên nhẫn, hay nóng vội
Nhân viên trẻ thường nóng vội, thiếu kiên nhẫn, muốn mọi việc suôn sẻ ngay, những yêu sách phải được đáp ứng. Đó cũng là điều bình thường bởi khi suy nghĩ chưa chín.
Bên cạnh đó, nhân viên trẻ thường nôn nóng muốn khẳng định vị trí công việc và đồng lương. Họ thường rơi vào khủng hoảng tâm lý muốn thay đổi vị trí công việc nên thường có những bước “nhảy cóc” liên tiếp.
Trước câu hỏi: “Sao phải thay đổi công việc nhiều thế?”, đa số trả lời rằng họ không đủ kiên nhẫn chờ thay đổi vị trí công việc, đồng lương, cơ hội thăng tiến, họ cần tìm nơi làm việc mới – nơi có thể trọng dụng họ ngay chứ không muốn chịu khổ bởi các “chiêu” thử thách rườm rà…
Ngoài ra…
– Nhân viên trẻ thiếu những tiêu chuẩn chung, một phần do phương pháp đào tạo chưa hợp lý. Bằng cấp chưa phản ánh đúng năng lực thực tế của người lao động.
– Nhân viên trẻ nóng vội, thích thay đổi công việc liên tiếp vì đó là quá trình đi tìm sự sáng tạo của người trẻ.
– Nhân viên trẻ thiếu tự tin, vì nhiều cơ quan không để cho họ có điều kiện thể hiện và phát huy năng lực của mình…
– Nhân viên trẻ sẵn sàng dứt áo ra đi vì chính họ nhận thấy công việc hiện tại chưa phù hợp và cảm thấy thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp.
Theo Thị Trường Tiêu Dùng
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông