Thói quen “buôn dưa” được các nhà lãnh đạo nhân lực nhận định là một trong những kiểu gây lãng phí lớn nhất cho công ty, doanh nghiệp. “Căn bệnh” kinh niên này phát triển dưới nhiều dạng khác nhau nhưng chung quy lại đều dẫn đến một hậu quả thấy rõ trước mắt là thất thoát “thời gian vàng bạc”. “Buôn dưa” có thể qua điện thoại, qua chat chit, trò chuyện trược tiếp, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.
Ngân có sở thích “buôn chuyện” từ thời còn đi học. Hễ ngồi đâu cô cũng muốn lôi kéo dăm ba người để trò chuyện như một thú vui giải trí không thể thiếu. Đi làm cho cơ quan nhà nước, công việc nhàn rỗi vì chỉ ngồi văn phòng, đánh máy văn bản, Ngân càng có điều kiện và môi trường thuận lợi để phát huy “thế mạnh” cá nhân.
Những ngày đầu còn e dè thăm dò thái độ, được dăm bữa nửa tháng, Ngân đã trở thành đầu trò cho các lần chuyện trò ở trong phòng. Ngân cùng mấy bà chị ngồi gần hở ra là bàn luận đủ chuyện trên trời dưới đất. Từ chuyện sếp mấy hôm nay sao bỗng dưng khó tính, cho đến cái áo mới của nhân viên phòng bên, từ chuyện tháng sau không biết có được tăng lương hay không cho đến mấy anh phòng kinh doanh cưới vợ chẳng xứng đôi vừa lứa …
Ngân cũng chẳng giấu giếm việc mình thích “buôn”: “Thực ra cũng chẳng được gì nhưng quen miệng rồi, không nói không chịu được, thêm nữa làm thế cho không khí phòng thêm vui vẻ, cũng có mất gì đâu”.
Chuyện chị em công sở “buôn dưa” đã đành, nhưng cánh nam giới văn phòng hiện đại cũng tỏ ra không kém cạnh. Chỉ có điều họ ít khi “bô bô” cái miệng ở văn phòng mà lại khua môi múa mép trong các quan trà đá, cà phê.
Huân làm cho một công ty phần mềm. Thời gian không bị bó buộc lắm. Và vì thế, 8 giờ sáng, mặc cho các đồng nghiệp đã yên vị tại chỗ làm, Huân vẫn thong thả ung dung bên cạnh cốc cà phê với mấy tay chí cốt và “buôn”. Chuyện của Huân cũng đủ thứ “thượng vàng hạ cám” trên đời, chính trị có, kinh tế có, thể thao có hay đơn giản chỉ là cô này xinh xấu ra sao…
Vốn là một người khá trầm tính, lại chẳng có duyên ăn nói, Nga không mấy khi tụ tập và góp mặt bên những đồng nghiệp trong phòng để “buôn dưa”. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cô không mang “căn bệnh khó chữa” đó của giới văn phòng. Ngồi vào bàn làm việc, Nga lại dính chặt vào màn hình máy tính và chat một cách say sưa.
Cô thích trò chuyện qua mạng với anh em bạn bè. Hễ cứ có người nào sáng nick là y như rằng Nga sẽ “nhảy” vào chào dăm ba câu, lời qua lời lại thế là thành chuyện. Đương nhiên việc đó cũng đồng nghĩa với việc Nga đang “đánh cắp” thời gian làm việc một cách rõ ràng nhất, không chỉ của bản thân mình mà của cả những người đang chat với cô. Thậm chí có những ngày, Nga đến cơ quan cũng chỉ để vào mạng chat và “buôn dưa”.
Thay vì chú tâm vào công việc, Nga lại sử dụng phương tiện của công ty để phục vụ cho thú vui của mình. Vẫn đi làm đầy đủ, vẫn nhận lương đều đặn mỗi tháng nhưng chắc hẳn, năng suất và hiệu quả của những nhân viên như Nga sẽ khiến cho lãnh đạo không hài lòng một chút nào.
Về phía các nhà quản lý nhân sự, “buôn dưa” trong giờ hành chính đã thực sự trở thành một vấn nạn đáng để đau đầu nhưng rất khó có thể tìm ra lời giải hợp lý. Văn phòng không có tiếng cười nói thì không khí lạnh lung u ám quá, càng không thể cắt mạng vì công ty doanh nghiệp giờ khó mà tồn tại được khi thiếu Internet. Cấm nhân viên sử dụng Yahoo Messenger trong giờ làm thì nhân viên có trăm ngàn phương đối phó như tạo nick ảo, để chế độ invisible…
Tuy nhiên, hậu quả từ “bệnh buôn dưa” không chỉ “dành” cho phía doanh nghiệp mà còn đe dọa trực tiếp đến nhân viên. Nhiều người do vô tình hay hữu ý mà những câu chuyện chẳng đâu vào đâu đó đi đến tai sếp, trường hợp nhân viên bị sa thải và thất nghiệp vì “buôn dưa” đã không phải là hiếm.
Theo Vieclam.vtv
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông