Kiến thức Tài chính kế toán Doanh thu sụt giảm “thê thảm”

Doanh thu sụt giảm “thê thảm”

903
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamDoanh thu góp phần quan trọng tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp, được ví như “máu” của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã không còn nguồn để “tiếp máu” khi doanh thu gần như cạn kiệt.
Trường hợp “sốc” nhất chính là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) khi doanh thu thuần của công ty mẹ bị âm trong quý IV. Nguyên do là vì một dự án khu công nghiệp của PVA chậm quyết toán bàn giao, chủ đầu tư cắt giảm đầu tư đã tạo ra một khoản giảm trừ doanh thu gần 74 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVA (mẹ) trong quý IV chỉ đạt gần 12 tỷ đồng, dẫn đến doanh thu thuần bị âm 62 tỷ đồng.

Thua cả … trà chanh vỉa hè
Quý IV/2011, Công ty CP XD Sông Hồng (ICG) còn đạt doanh thu hơn 12 tỷ đồng nhưng quý IV/2012 chỉ đạt xấp xỉ 800 triệu đồng, tức là doanh thu đã giảm đến hơn 93%. Cả năm 2012, doanh thu của ICG đạt vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng, chỉ tương đương 16% so với năm 2011, lợi nhuận năm 2012 đạt 1,7 tỷ đồng. Thoạt nhìn, tình hình tài chính của ICG chưa đến mức nghiêm trọng vì ít ra công ty cũng còn có lãi. Nhưng thực tế, doanh thu sụt giảm mạnh cho thấy vấn đề bán hàng, tiêu thụ sản phẩm của công ty có vấn đề nghiêm trọng.
Eo hẹp bậc nhất có lẽ là trường hợp của CTCP Tài Nguyên (TNT). Trên BCTC quý IV/2012, công ty mẹ TNT không phát sinh một đồng doanh thu nào, trong khi cùng kỳ năm trước đó còn đạt hơn 26 tỷ đồng. Rốt cuộc doanh thu công ty mẹ TNT trong quý IV đến từ hoạt động tài chính, nhưng cũng chỉ đạt 330 triệu đồng, một con số quá ít ỏi, có lẽ chỉ tương đương với một quán… trà chanh vỉa hè kinh doanh trong 1 tháng.
Những trường hợp trên đây đã phần nào cho thấy sự “kiệt quệ” trong hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. Giả sử mỗi lần đóng tiền để mua căn hộ, khách hàng sẽ đóng tiền mỗi đợt khoảng 300-400 triệu đồng cho một căn hộ khoảng 2 tỷ đồng thì doanh thu chỉ vài tỷ đồng mỗi quý cũng cho thấy doanh nghiệp chỉ thu hoặc bán được chưa đến một chục căn hộ.
Doanh thu giảm, có nghĩa là khả năng bán hàng kém, hay nói cách khác là khó tiếp cận với khách hàng. Vì vậy, khả năng các
doanh nghiệp này gượng dậy được khi thị trường bất động sản được cứu hay có dấu hiệu hồi phục cũng không hề đơn giản vì sự chú ý sẽ dành cho những thương hiệu uy tín, hoạt động ổn định trước tiên thay vì tìm đến những đại gia nhưng đã “cạn máu”.

Mất sức cạnh tranh
Doanh thu giảm, không có doanh thu hoặc bị “âm” đã là bi kịch, nhưng có những trường hợp có doanh thu cũng chẳng vui vẻ cho lắm và doanh thu cũng không nói lên được bản chất. Đơn cử như trường hợp của những doanh nghiệp trong ngành vận tải biển, ngoài doanh thu từ dịch vụ vận chuyển hàng hóa, còn có doanh thu đến từ hoạt động thanh lý tàu cũ. Điều đáng nói là doanh thu từ mảng này được xếp vào nhóm doanh thu khác, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải biển xem đây là nguồn “tiếp máu” thường nhật.
Quý IV vừa rồi, lợi nhuận trên báo cáo tài chính công ty mẹ của CTCP Vận tải và Thuê tàu (VFR) đạt số dương (có lãi) gần 400 triệu đồng cũng là nhờ việc bán tàu của mình, tạo ra khoản thu nhập gần 33 tỷ đồng để bù cho những khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chính. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, số lượng tàu, cũng chỉ là hữu hạn, bán mãi rồi cũng đến lúc hết tàu để bán, sau đó doanh nghiệp vận tải biển sẽ làm như thế nào?
Sự thê thảm về doanh thu còn được thể hiện rất rõ tại một số công ty chứng khoán (CTCK), chẳng hạn CTCK Hòa Bình (HBS) đã từng vào top 10 thị phần môi giới vài năm trước, nhưng trong quý IV/2012 vừa qua, doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán chỉ đạt vỏn vẹn gần 600 triệu đồng. Với doanh thu này, làm sao HBS có thể cạnh tranh được với các đại gia khác? Nói đơn giản thì có khi chỉ một nhóm khách VIP tại các CTCK lớn cũng có thể tạo ra doanh thu trong 1 tháng hơn cả con số 600 triệu đồng của HBS trong một quý.
Trong thời điểm khó khăn, việc duy trì được nguồn thu thậm chí còn quan trọng hơn cả việc tạo ra lợi nhuận. Khó khăn thì cũng đã khó khăn rồi, có lẽ các doanh nghiệp cũng không nên che giấu, hay tìm cách tạo ra những nguồn lợi nhuận “ảo”. Thay vào đó nên tiến hành giải trình để các cổ đông hiểu rõ vì sao nguồn thu sụt giảm và phương án ứng cứu như thế nào. Và ngược lại, có lẽ các nhà đầu tư khi quan sát doanh nghiệp, thay vì chỉ nhìn vào chuyện lỗ hay lãi cũng nên xem xét đến doanh thu để đánh giá xem doanh nghiệp có còn đủ “máu” để mà tồn tại hay không.

Theo thoibaokinhdoanh

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không