Trong những năm gần đây, nghề tư vấn quản trị ngày càng phát triển. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Xin có vài ý kiến mạn đàm nhân ngày đầu xuân mới Quý Tỵ về một nghề đang phát triển nhưng cũng lắm gian truân này.
Tư vấn hôm qua
15-20 năm về trước, ở Việt Nam, khái niệm tư vấn còn rất xa lạ. Do vậy, việc một thân chủ nhờ tư vấn rồi không thanh toán phí hay ngộ nhận những việc trao đổi thông tin, nói chuyện cùng nhau là nội dung tư vấn có tính phí là chuyện xảy ra hàng ngày.
Sở dĩ điều đó xảy ra vì nhà tư vấn chưa chuyên nghiệp, chưa biết kiểm soát thông tin trao đổi ở mức độ nào, chưa có các hợp đồng hay hình thức thỏa thuận phù hợp với thân chủ và người nhờ tư vấn cũng không biết gì về công tác tư vấn cũng như trách nhiệm của mình.
Một cách nôm na, có thể hiểu nhà tư vấn như một bác sĩ ở giai đoạn khám bệnh. Bác sĩ cần các thông tin, tiểu sử và các xét nghiệm phù hợp để có cơ sở ra phác đồ điều trị và giải thích phác đồ này với bệnh nhân. Việc điều trị là ở giai đoạn 2, do bệnh nhân chủ động vì bác sĩ không thể uống thuốc thay cho người bệnh được.
Trước đây, người ta thường hình dung nhà tư vấn – cố vấn là những người lớn tuổi, “hết thời” mặc dù có năng lực chuyên môn nhất định. Thực ra đây là những người luôn khát khao đóng góp cho xã hội. Tuy về hưu nhưng vẫn còn nhiều ảnh hưởng, được những cán bộ thay thế mời làm cố vấn chuyên môn hay quản lý trong thời kỳ đầu chuyển giao và tiếp nhận trọng trách còn nhiều khó khăn.
Với những người làm tư vấn tự do thì có một văn phòng nhỏ, một tấm bảng bé thật khiêm tốn. Còn các cố vấn lãnh đạo thì chỗ làm việc thoải mái hơn, thường là văn phòng của tổ chức, công ty hay tại nhà riêng. Công việc làm chính là trả lời những thắc mắc của người cần tư vấn. Tuy nhiên, các câu hỏi này thường tập trung và có tính ngắn hạn, khẩn cấp hơn là có tính chiến lược lâu dài. Công việc tư vấn thường rất nhiều từ các vấn đề xã hội đến các câu hỏi chuyên môn.
Cách nghe tham vấn – tư vấn lúc này thì thường không được trọng thị lắm vì hoặc người cần tư vấn rơi vào trường hợp khẩn cấp nên thiếu chu đáo hoặc là người đang có thế có thời nhưng do xã giao hay hình thức mà phải tư vấn. Mặt khác, không tránh khỏi một số nhà tư vấn hay ý kiến tư vấn thiếu chiều sâu thực tế, không phù hợp do chỉ dự vào kinh nghiệm mà thiếu tính luận lý với thông tin cập nhật theo sự phát triển không ngừng của xã hội. Hoặc thậm chí một số còn thiếu đạo đức nghề nghiệp, cho những lời khuyên nửa vời để thân chủ thất bại rồi mới “ra tay” nhằm nâng cao “cái tôi” và sự quan trọng của mình.
Tư vấn hôm nay
Việt Nam ta đang tham gia sâu rộng vào sự liên thông kinh tế thế giới, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO. Chúng ta đã và đang bỏ lại đằng sau các ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp và đang chuyển đổi mạnh mẽ về nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình này, những thuận lợi về quyền lực hay quyền ưu tiên ngày càng thu hẹp và mất dần. Do hệ thống thông tin quản lý và quy hoạch chưa hoàn toàn công khai minh bạch; tốc độ và nội dung thông tin còn hạn chế ở một số đối tượng, vùng miền nên việc nắm bắt nhanh, khai thác cơ hội quyết đoán nằm ở sự nhạy cảm hay vị trí công tác thuận lợi của mỗi cá nhân, thường là những người có tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm.
Trong điều kiện đó, việc phát triển tư vấn chuyên nghiệp bắt đầu có nhu cầu nghiêm túc hơn, thuận lợi hơn do khách hàng thực sự trân trọng những ý kiến – thông tin quý giá – tạo ra giá trị bạc tỷ. Tuy nhiên, nghề tư vấn và người làm tư vấn vẫn chưa đảm bảo được tính chuyên nghiệp cần có.
Ai – vấn đề gì cần tư vấn?
Khách hàng của nhà tư vấn là những doanh nhân bắt đầu vào thị trường mới (doanh nhân nước ngoài vào thị trường VN, doanh nhân VN ra thị trường nước ngoài hay mở rộng ngành hàng) hay nhiều hơn là các doanh nhân VN dù đã nắm bắt được cơ hội để tạo ra một sản nghiệp nhất định nhưng lại bị “rối tung” trong công tác quản trị doanh nghiệp, một tổ chức gồm nhiều người trong điều kiện thay đổi rất nhanh của nhu cầu, kinh tế, xã hội.
Các vấn đề thường gặp là dù nhu cầu tư vấn là có thật nhưng khả năng đáp ứng và các quy định pháp lý bảo vệ nhu cầu này chưa chuyên nghiệp, chưa theo kịp yêu cầu của thị trường. Mặt khác, công tác tư vấn doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, dẫn đến việc một số nhà tư vấn bị mất ý tưởng và không được trả phí hay trả phí không đúng giá trị còn các doanh nghiệp thì than vãn rằng: tư vấn chẳng được gì, nghe theo tư vấn mà kết quả còn tệ hơn…
Có trường hợp một số anh chị em quản lý cấp trung và cao của các MNCs (Muti National Companies) có chí hướng làm ăn riêng và muốn thử nghiệm sở trường của mình nên cùng hùn hạp. Hoàn tất hồ sơ pháp lý, thuê văn phòng, phân công phân nhiệm và thậm chí chuẩn bị khai trương xong nhưng ngay sau đó dự án Tư vấn đầy khát vọng bị đóng lại. Cũng có vài công ty Tư vấn ban đầu ăn nên làm ra nhưng sau vài chương trình thì chuyển qua đào tạo và tổ chức các hoạt động kinh doanh vì… dễ thở hơn.
Khi nhờ tư vấn, khách hàng thường chỉ nêu ra triệu chứng và đặt ngay chỉ định về phác đồ điều trị, ví dụ hàng tồn kho nhiều, việc bán hàng không thuận lợi… Họ chỉ tập trung vào bán hàng mà không cần biết chất lượng sản phẩm như thế nào? Giá cả có phù hợp không? Thị trường có sản phẩm cạnh tranh?… Từ đó dẫn đến đầu tư tài chính, nhân lực nhiều mà doanh số chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn bị lỗ. Trăm dâu đổ đầu tằm, họ quay sang phê bình, trách móc những người mà họ đã dày công cạy cục mời về để tư vấn cho họ. Vậy bản chất vấn đề là gì ?
Các vấn đề cần giải quyết hiện nay
Với nhà tư vấn:
Cần có bản lĩnh nghề nghiệp sâu rộng, cần nhắm vào mục tiêu và kết quả cuối cùng, không nên chăm chăm vào việc bảo vệ quyền lợi tài chính của mình.
Cần thấu hiểu khách hàng, liên tục học hỏi và tiếp cận vấn đề một cách cầu thị, khách quan, không nên chủ quan dùng kinh nghiệm xưa cũ của mình để áp đặt vào môi trường của thân chủ – khách hàng.
Cần tôn trọng thân chủ – khách hàng nhưng phải thẳng thắn, kiên quyết ngăn những suy tính hay quyết định có thể dẫn đến rủi ro mà họ chưa ý thức được.
Với người sử dụng tư vấn:
Trân trọng giá trị thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp, hướng dẫn,… của nhà tư vấn. Phản biện tối đa khi chưa rõ, nhưng khi đã rõ thì triệt để thực hiện và liên tục cập nhật thông tin, diễn biến và kết quả cho nhà tư vấn.
Cung cấp thông tin trung thực, chuẩn xác và kịp thời cho nhà tư vấn. Tôn trọng và tích cực hợp tác trong quá trình thảo luận tìm ra giải pháp và thể hiện hết các vấn đề của tổ chức – doanh nghiệp.
Không nóng vội, biết tiếp thu ý kiến và bình tĩnh trong mọi trường hợp, đặc biệt cần trân trọng và suy nghĩ kỹ về các vấn đề, giải pháp,… mà nhà tư vấn đã góp ý và trình bày.
Tư vấn… ngày mai
Giống như bác sĩ với con bệnh, tư vấn là nghề chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp với thân chủ. Nếu bác sĩ cần lắng nghe bệnh nhân, xét nghiệm chu đáo, phân tích kỹ các kết quả xét nghiệm, đối chiếu y văn… để đưa ra được phác đồ điều trị mà khi cho toa thuốc vẫn thận trọng từng giai đoạn, liên tục theo dõi diễn tiến con bệnh để điều chỉnh kịp thời và hướng đến việc điều trị dứt bệnh thì nhà tư vấn quản trị với doanh nghiệp cũng vậy.
Cần khảo sát kỹ hiện trạng, nghiên cứu kỹ thị trường (nên qua đơn vị chuyên nghiệp), đối tượng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh doanh và các vấn đề pháp lý trước khi hoạch định chiến lược, đưa ra hướng dẫn thực thi các chiến thuật và kế hoạch ngắn hạn cho doanh nghiệp. Phải cập nhật thông tin và điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết, nhằm về mục tiêu đã xác định. Và điều đặc biệt là phải quản trị tất cả các vấn đề đó trong một thời gian hạn định.
Một số dạng tư vấn doanh nghiệp VN thời gian qua:
Tư vấn theo giờ
Tư vấn theo dự án
Tư vấn theo vấn đề và có thời gian kéo dài
Tư vấn đồng hành
Nghề tư vấn và cơ hội cho thời gian tới, có thể tập trung vào 3 nhóm:
Ngắn hạn: Tư vấn giải pháp chiến thuật nhằm giải quyết vấn đề cụ thể thường là các vấn đề pháp lý hay giải quyết khủng hoảng.
Trung hạn: Tư vấn về một chương trình hay một nhóm các hoạt động chức năng cần thiết cho doanh nghiệp, thường là tư vấn về sự phát triển chuyên môn chức năng, từ việc thiết kế một số quy trình mẫu biểu đến việc nghiên cứu thị trường hay phát triển sản phẩm mới, cách tiếp thị quảng bá, PR cho sản phẩm,… Tư vấn nhóm này thường chỉ đáp ứng nhu cầu cục bộ nên dễ dẫn đến sự mất cân đối trong tổng thể doanh nghiệp, khiến bộ phận này làm tốt nhưng bộ phận kia lại đáp ứng không kịp dẫn đến lãng phí và không thực sự đem lại hiệu quả.
Dài hạn: Tư vấn quản trị và tư vấn chiến lược. Nhằm giải quyết và tốt đa hóa các vấn đề khai thác và gia tăng hiệu quả, từ đó tạo ra sự phát triển vững bền của doanh nghiệp như tư vấn tái cấu trúc, tư vấn đầu tư lớn, bán đi, mua lại, sang nhượng các công ty và cổ phần của công ty. Không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn có tác động liên thông đến các công ty có thể tích hợp nhằm chủ động tìm thế thống trị thị trường,…
Phần lớn công việc tư vấn là không dễ dàng vì thực tế luôn có những đòi hỏi khắt khe và nghiệt ngã. Để làm nghề tư vấn cần nhiều yếu tố và phẩm chất, tuy nhiên có 3 điều quan trọng thường bị bỏ quên hay bỏ qua:
Nhà tư vấn cần tận tình chia sẻ tài năng, kinh nghiệm chuyên môn và vốn sống cho khách hàng. Hướng dẫn cặn kẽ, chia sẻ hết mình nhưng không nên tham gia vào quá trình hoạt động và điều hành của tổ chức.
Khách hàng sử dụng tư vấn với thái độ cầu thị, tham gia kiên trì, một lòng hướng đến mục tiêu chung. Tham gia trực tiếp, càng nhiều, càng sâu, càng kiên trì thì càng nâng cao hiệu quả. Đánh giá đúng thành quả và công lao tâm sức của nhà tư vấn và thực hiện các nghĩa vụ với nhà tư vấn đúng hạn.
Cả hai cần thống nhất các mục tiêu, giá trị đem lại, thời gian hạn định và việc phối hợp chặt chẽ; Thể hiện sự tin cậy và tôn trọng nhau cùng hợp tác giải quyết các vấn đề, không tiếc công sức và dồn toàn bộ tâm huyết để thực hiện cho được mục tiêu chung. Xem đây là cơ hội quý báu để cùng hoàn thiện, trải nghiệm và học tập.
Việc xã hội ngày càng phân nhiệm chuyên môn hóa cao, đi vào nền kinh tế dịch vụ và kinh tế tri thức, chắc chắn rằng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và năng lực hợp tác tích hợp, tư duy hệ thống – logic, thái độ sống tích cực và kiên trì hành động sẽ là chìa khóa thành công cho từng cá nhân và các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt ở quy mô toàn cầu.
10 dự báo của tác giả dành cho các doanh gia nghiệp chủ hoạt động tại VN
1. Gia tăng cạnh tranh đa phương: Nội – ngoại, quốc tế – địa phương do năng lực sản xuất và tính chuyên nghiệp hóa cùng CNTT ngày càng cao.
2. Khát nhân lực, đặc biệt là nhân lực Mid Management (MM) và Senior Management (SM): vòng lẩn quẩn của các doanh nghiệp là trả lương cao để giành cho được người mình muốn nhưng đòi hỏi nhiều, và chóng chán làm mất nhân lực kéo theo sự lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc và dẫn đến việc hoạt động kém hiệu quả. Cần giải pháp toàn cục hơn là do các doanh nghiệp làm tự phát đơn lẻ. Cam kết của doanh nghiệp với người lao động và ngược lại là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra sự ổn định nhân lực tương đối.
3. Gia tăng nhanh và mạnh nền kinh tế khu vực dịch vụ: Nghề thời thượng là truyền thông, tư vấn; sale và supply chain; hoạt động xã hội.
4. Phân cực giàu nghèo ngày càng cao, do vậy các vấn đề về công đoàn chuyên nghiệp và quan tâm đến người lao động là đặc biệt cần thiết để tạo môi trường làm việc tốt hơn. Cần cổ vũ cho triết lý Giver Gain và tuyên truyền về các mối quan tâm của những doanh nghiệp thành đạt đến cộng đồng và xã hội.
5. Ảnh hưởng của công nghệ thông tin internet, network và community: Ảnh hưởng của CNTT đặt ra yêu cầu thông tin minh bạch và trách nhiệm công dân. Tuy nhiên đây cũng là vũ khí bẩn của những kẻ kém nhân cách dùng để gây áp lực với đối tượng. Do vậy rèn luyện, tu dưỡng và giữ mình là yêu cầu cần thiết với mỗi con người, đặc biệt là những người thành đạt. Sẽ ngày càng nhiều các môi trường, cơ hội để tạo ra các cộng đồng – network có chung mức sống, sở thích, năng lực. Sự tương tác giữa các nhóm này ban đầu là tích cực, sau đó sẽ có chiều hướng tiêu cực dần và sau quá trình hoàn thiện sẽ trở lại tích cực hơn trước.
6. Giáo dục, mối lo hàng đầu và cũng là ngành kinh doanh tốt nhất: Giáo dục trở thành mối lo hàng đầu của mỗi gia đình, tổ chức và cả xã hội. Nhu cầu nhân lực có khả năng tư duy logic, thái độ tích cực và dù rất tự tin nhưng biết nhận sai, luôn tôn trọng người khác, dám thể hiện mình nhưng không phủ nhận người khác, biết học hỏi và áp dụng,… trở thành nhu cầu thường trực và là chìa khoá thành công của từng con người, tổ chức.
7. Cách học của người thành công – cách học của tương lai: Cách học của người thành công là học liên tục.
8. Liên kết – Tích hợp từ hoạt động marketing, hệ thống phân phối đến việc tích hợp các công ty: Việc chọn lựa một đối tác phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng. Uy tín, hình ảnh của một bên tham gia liên kết sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lên uy tín, hình ảnh của các bên còn lại. Phạm vi hoạt động của các đối tác cũng là một yếu tố mà doanh gia nghiệp chủ cần phải cân nhắc để đảm bảo lợi thế kinh doanh, lợi ích hữu hình và vô hình của các thành viên liên quan. Nếu ở vai trò là người khởi xướng sẽ có nhiều lợi thế trong việc chọn lựa các đối tác thích hợp.
9. WTO kéo theo sự đổ bộ không chỉ của sản phẩm mà còn các dịch vụ hỗ trợ DN: Song song với việc rất nhiều hàng hóa giá rẻ vào VN, thị trường dịch vụ năm 2008 – 2009 sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Các phương thức kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh như truyền thông đa cấp, tiếp thị trực tuyến, tiếp thị quảng cáo qua blog, web,… tiếp thị truyền khẩu,… sẽ “đổ bộ” vào VN.
10. Lao động tự do, làm công hay làm chủ? Lao động tự do sẽ ngày càng nhiều và chỉ những người tài giỏi, có bản lĩnh mới có thể thành công. Số còn lại vẫn làm công và tìm một nơi ổn định. Song song việc làm chủ từng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ hội để làm chủ cũng nhiều hơn do việc tham gia làm chủ sẽ có nhiều hình thức hơn, qua thị trường chứng khoán, qua các đóng góp và chương trình chia, nhận cổ phần.
Theo Chuyên san Trí Tri
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông