Sau khi được Chính phủ chấp thuận, NHNN chính thức tham gia thị trường vàng với tư cách là người cầm trịch nhằm bình ổn thị trường vàng khi có biến động. Thương hiệu quốc gia SJC đã được độc quyền cho các ngân hàng và doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh mua bán dù đã giảm bớt những cơn sốt ảo, nhưng giá chênh lệch vẫn còn cao.
Hành là chính
NHNN khẳng định là để kiến tạo lại thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, khuyến khích đưa tiền vào sản xuất, kinh doanh thay vì vào dự trữ vàng như hiện nay… Tất cả các biện pháp như cho phép tạm xuất, tái nhập vàng, thử nghiệm đấu thầu vàng miếng… chỉ lại hướng đến mục tiêu đơn giản là kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên
Công ty SJC, cũng đã khẳng định: chỉ trong vòng 1 tuần sau cuộc ký kết này, giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới.
NHNN cho rằng vào thời điểm 30/6/2013, khi tất cả các NHTM phải tất toán xong trạng thái vàng thì nhu cầu mua vàng sẽ giảm, chênh lệch cung cầu sẽ trở nên cân bằng hơn và hy vọng khi đó giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới hơn.
Tuy nhiên, cho đến nay, thời gian đã hơn 1 tuần nhưng giá vàng trong nước vẫn chưa thể sát giá vàng thế giới, thậm chí chênh lệch lại còn gia tăng thêm. Giới đầu cơ vàng lại chứng minh điều ngược lại là có thể đẩy giá vàng tăng bất cứ lúc nào. Hơn nữa, vàng trong nước chỉ có thương hiệu SJC là độc quyền thì lại càng dễ làm giá vì cung cầu mất cân đối nghiêm trọng. Mặc dù SJC có thể gia công lên tới 80.000 lượng/ngày, tương đương khoảng 3 tấn vàng, nhưng khi thị trường biến động mạnh vẫn chưa thể tác động, gia công, đáp ứng kịp thời trong thời gian ngắn được.
Như vậy, kể cả khi NHNN can thiệp mạnh vào thị trường, chủ động sản xuất vàng miếng cũng như nhập nguyên liệu vàng nhằm mục đích kéo sát giá thế giới thì mọi thứ cũng chẳng thay đổi là bao. Xu hướng vàng trên thế giới là giảm giá, nhưng giá vàng trong nước lại chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Mức chênh lệch giá vẫn lớn so với vàng thế giới. Còn với chính sách bất nhất, NHNN cứ muốn bình ổn theo cách của mình, nhưng thị trường không thể tuân theo. Sẽ có nhiều người được hưởng lợi hoặc bị thiệt hại từ chính sách này.
Giá vàng có thể tăng bất cứ lúc nào
Hiện nay, người mua vàng chủ yếu để đầu cơ hoặc sử dụng vàng như công cụ tích trữ tài sản mang tính an toàn cao. Như vậy mục tiêu bình ổn thị trường vàng phải nhắm đến là loại bỏ khả năng đầu cơ lũng đoạn thị trường.
Sao quản được đầu cơ?
Thời điểm NHNN chuẩn bị đấu thầu vàng miếng, giá vàng vừa hạ giảm chênh lệch với giá thế giới thì người dân đã ồ ạt mua vàng. Các ngân hàng thậm chí không còn vàng miếng để bán! Điều này chứng tỏ những bất ổn và bất an chỉ làm tăng chứ không làm giảm đi nhu cầu tích trữ vàng trong dân.
Quản lý kiểu này sẽ chỉ làm cho thị trường ngầm có cơ hội thu mua, tích trữ vàng SJC nhiều hơn dẫn đến nhiều bất ổn nhằm thao túng và trục lợi. Đây chính là nguyên nhân đẩy cầu tăng, gây ra chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Nếu thị trường ngầm có thể tích lũy số lượng vàng miếng SJC đủ lớn để tạo áp lực giá thì lúc đó NHNN sẽ đối phó như thế nào? NHNN sẽ phải đánh đổi bằng sự biến động giá trị nội tệ, tác động đến lạm phát khó thể kiểm soát được.
Trên thế giới, chưa có ngân hàng trung ương nào đứng ra độc quyền quản lý thị trường vàng như ở Việt Nam. Họ vẫn quản lý tốt thị trường vàng thông qua sàn giao dịch tập trung có tính chuyên nghiệp cao (Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore). Vì vậy, NHNN nên tổ chức và quản lý sàn giao dịch vàng tập trung (sàn giao dịch vàng vật chất, giao ngay hoặc có kỳ hạn như các sàn hàng hóa đang làm). Chính sách thiết lập, quản lý và vận hành sàn vàng phải thực sự minh bạch, ổn định và liên thông với thế giới. Các NHTM được phép kinh doanh giao dịch vàng trên sàn này và cân bằng trạng thái vàng bằng công cụ phái sinh, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa không phải xuất lượng ngoại tệ lớn để nhập vàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu tích trữ trong dân chỉ có thể giảm đi khi nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, khi đó tiền sẽ được ưu tiên đưa vào sản xuất kinh doanh thay cho tích trữ. Việc điều tiết thị trường bằng công cụ hành chính thì làm sao có thể liên thông với thị trường quốc vận hành liên tục không ngừng được?
NHNN nên công bố lộ trình các tiến trình quản lý và cách quản lý giá vàng minh bạch để người dân và ngân hàng bớt thiệt hại khi mua vàng không đúng giá trị thực của nó. Cơ quan chức năng cần có biện pháp để thị trường này hoạt động lành mạnh, hạn chế tối đa sự chi phối của giới đầu cơ. Do đó, việc can thiệp hành chính cần sử dụng ở mức hợp lý để tránh những chi phí không cần thiết và làm méo mó thị trường này.
Theo thoibaokinhdoanh
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông