Kiến thức Đào tạo ‘Đấng toàn năng’ cũng nên cẩn thận cái đầu

‘Đấng toàn năng’ cũng nên cẩn thận cái đầu

14
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNếu cánh tả và cánh hữu có thống nhất trên một vấn đề nào, thì ấy là quyền lực đang ngày càng tập trung. Phong trào “Chiếm Phố Wall” biểu tình chống lại nhóm 1% đầy quyền năng. Đảng Trà nổi giận với giới thượng lưu thành thị.
Chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2000 của Al Gore dẫu chẳng ra gì, nhưng câu khẩu hiệu “nhân dân đối đầu với quyền lực” đang định hình nền chính trị thế kỷ 21.
Lý do rất dễ hiểu. Thời khủng hoảng tài chính các chính phủ đã dùng hàng bể tiền của dân để giải cứu ngân hàng khỏi hậu quả của sự tham lam và ngớ ngẩn của chính giới ngân hàng. Ngay sau đó giới ngân hàng tự trả cho mình số tiền thưởng khổng lồ.
Bất bình đẳng gia tăng ở nhiều quốc gia. Giới tài phiệt ngày càng giàu hơn trong khi tầng lớp trung lưu bị bóp nghẹt còn kẻ nghèo hèn bị khinh rẻ. Bọn đầu cơ và chủ sòng bạc chi đậm để thay đổi kết quả bầu cử ở Mỹ còn Tòa án tối cao gật đầu cho chúng chi thoải mái.
Trên đây là cái nhìn của đại bộ phận công chúng. Nhưng Moises Naim không cho là vậy.
Vị cựu Bộ trưởng của Venezuela và hiện đang nghiên cứu tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie này vừa viết cuốn “Sự kết thúc của Quyền lực”, trong đó ông cho rằng kim tự tháp quyền lực kiểu cũ đang sụp đổ.
Những con người nhỏ bé đã biết cách làm các “đại gia” điên tiết. Giới tai to mặt lớn đang ngày càng khó thâu tóm cũng như bảo vệ quyền lực. Rào cản từng bảo vệ “những người trong nghề”, như tính kinh tế theo quy mô hay các mối quan hệ chằng chịt, đang xói mòn dần.
Trong những năm 1950-1960, giới doanh nghiệp do các đại gia thống trị, từ nhóm “Bộ Ba” trong ngành ô tô và truyền hình Mỹ tới nhóm “Bảy Chị Em” trên ở ngành dầu mỏ.
Nhà xã hội học C. Wright Mills từng phàn nàn Mỹ đang bị một nhóm nhỏ thống trị. Nhà kinh tế học J.K. Galbraith cho rằng những “kế hoạch 5 năm” của nhà nước Xô Viết và của các công ty như General Motors chẳng khác gì nhau.
Ngày nay thế giới doanh nghiệp không thể khác hơn. Thời gian như bị nén lại: Google mới thành lập năm 1998 nhưng nay đã là một trong những công ty lớn nhất thế giới.
Bản đồ thì như co lại: ở cái thời của Galbraith ai mà đoán được nay một trong những nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới lại đến từ Brazil (Embraer) hay một trong những nhãn hiệu may mặc sáng tạo nhất lại tới từ Tây Ban Nha (Zara)?
Năm 1980, công ty nào ở trong top 20% dẫn đầu ngành rớt khỏi vị trí này chỉ có 10% trong vòng 5 năm tiếp theo. 18 năm sau, xác suất ấy đã tăng lên 25%.
Các sếp cũng nhanh bị đá khỏi ghế hơn: trung bình nhiệm kỳ của một CEO tại Mỹ đã giảm từ 10 năm trong thập niên 1990 xuống còn 5,5 năm hiện nay. Khoảng 80% CEO của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 bị đuổi việc trước khi nghỉ hưu.
Các sếp đang phải đối mặt với ngày càng nhiều con mắt soi xét từ chính trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, cứ xem giới đầu tư ‘quay’ CEO Tim Cook của Apple như thế nào khắc rõ. Ngay cả các ngân hàng cũng phải trả giá cho sai lầm của mình như vụ thao túng lãi suất của Barclays, rửa tiền của HSBC và giao dịch phi pháp với Iran của Standard Chartered.
Vì sao quyền lực lại nhanh biến thành ‘phù du’ đến thế? Tiếc là ông Naim lại đánh giá quá thấp vai trò của Internet, thế lực rõ ràng nhất đang làm rung chuyển mọi chế độ.
Thay vào đó, ông tập trung vào ba yếu tố cách mạng: “nhiều hơn”, “tính động” và “tâm lý”.
GDP thế giới đã tăng 5 lần kể từ năm 1950, vì thế người ta có ngày càng nhiều của cải vật chất trong tay. Con người cũng “động” hơn, Liên Hiệp Quốc ước tính hiện có 214 triệu người nhập cư trên toàn cầu, tăng 37% so với hai thập kỷ trước.
Con người hiện cũng tập trung vào cái tôi nhiều hơn. Ngay cả ở Saudi Arabia tỷ lệ ly dị cũng lên tới 20%.
Đương nhiên cũng có nhiều người phản đối lập luận của ông Naim. Cái thế giới Internet tưởng như vô chính phủ thực tế lại đang bị thống trị bởi 5 đại công ty (trừ Trung Quốc).
Trong giới ngân hàng và kiểm toán, quyền lực nay tập trung hơn so với năm 2000. Thế thống trị của Amazon và eBay nay vững chãi hơn nhiều so với bất kỳ công ty bán lẻ nào trong thập niên 1950.
Đáp lại ý kiến nêu trên, Naim nói ông không cho rằng giới doanh nghiệp đang nhỏ lại, mà chỉ dễ bị tổn thương hơn thôi.
Các đại gia Internet không còn dựa vào tính kinh tế của quy mô như General Motors và Sears vài thập kỷ trước. Thay vào đó, họ phải liên tục vật lộn để khiến sản phẩm và thương hiệu của mình vừa sáng tạo vừa thời thường, nếu không sẽ thành mồi ngon của các công ty non trẻ.
Top 1% liên tục thay đổi thành viên vì các CEO liên tục mất việc và giới trẻ nhanh chóng vượt qua những người lớn tuổi.
Ông Naím lớn tiếng ca ngợi cuộc cách mạng đã giúp những người bình thường nhất cũng có cơ hội trong tay và các “đấng toàn năng” cũng phải cẩn thận cái đầu của mình.
Nhưng ông cũng nêu lên cả những mặt hạn chế. Quyền lực càng bất ổn, thế giới lại càng bị thống trị bởi tâm lý ngắn hạn.
Giới chính trị không giải quyết nổi những nguy cơ dài hạn như biến đổi khí hậu. Giới doanh nghiệp không nghĩ gì nhiều hơn là tồn tại và sống sót.
Tuy vậy, có như thế thì vẫn tốt hơn cái kịch bản đậm chất dân túy rằng thực sự chỉ có nhóm 1% là đang lãnh đạo thế giới.

Theo TTVN/The Economist

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không