Theo Bộ Tài chính, tiến trình cổ phần hóa và tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang được đốc thúc tích cực. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc thoái vốn trong thời điểm hiện nay là rất khó khăn. Trong khi đó, một số ý kiến nhìn nhận, việc thoái được hay không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của cơ quan chủ quản và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, một trong những mục tiêu thực hiện Đề án tái cơ cấu trong năm 2013 là đẩy nhanh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá và không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, phương án thoái vốn là vấn đề bắt buộc phải làm rõ trong Đề án tái cơ cấu của các doanh nghiệp, và đây cũng là vấn đề khó khăn của nhiều doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp phải rà soát, đưa ra được phương án và bản thân doanh nghiệp minh bạch được thì các cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ Tài chính mới tham mưu trình Chính phủ đưa ra các giải pháp để xử lý, mỗi doanh nghiệp có giải pháp khác nhau.
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào các báo cáo của tập đoàn, tổng công ty bước đầu đã bóc tách được các con số nợ xấu. Trong nợ xấu đó có khoản nợ có thể thu hồi được với tỷ lệ thấp hơn, nợ xấu nào không thể thu hồi được, sau đó sẽ có giải pháp. Trong khi đó, phản hồi từ một số doanh nghiệp cho thấy, công tác thoái vốn hiện nay không “xuôi chèo mát mái”.
Bởi lẽ, thị trường chứng khoán đang không dành ưu thế cho bên bán vốn trong điều kiện các doanh nghiệp được yêu cầu phải bảo toàn không làm thất thoát vốn Nhà nước.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VNF1), cho biết Tổng công ty đang tham gia góp vốn vào 3 ngân hàng và có đầu tư một số dự án bất động sản. Theo yêu cầu của Chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành từ nay đến năm 2015.
Theo bà Tâm, việc thoái vốn lần lượt sẽ không đảm bảo được bảo toàn vốn Nhà nước ở cả 3 ngân hàng. Về nguồn vốn đầu tư bất động sản, cách đây mấy năm, dựa trên lợi thế đất đai, VNF1 đã xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị, một số dự án kết hợp chung cư.
“Nếu VNF1 buộc phải thoái vốn khỏi lĩnh vực này trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đáp ứng được yêu cầu giữ được giá trị sổ sách thì rất khó khả thi. Nếu yêu cầu Tổng công ty phải thoái vốn và giữ nguyên giá trị sổ sách thì không biết bao giờ mới thoái vốn được”, bà Tâm nói.
Do đó, vị tổng giám đốc này kiến nghị cần có cơ chế hợp lý để doanh nghiệp có thể thoái được vốn, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch.
Đây cũng là khó khăn của Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe). Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, việc thoái vốn ở nhà máy đường, Intimex… nơi có lãi còn làm được, nhưng ở những đơn vị đang lỗ nặng thoái vốn chắc chắn là âm.
Cụ thể, tại Vinacafe Ban Mê Thuột, nơi Vinacafe nắm 39% cổ phần đang nợ ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng, việc thoái vốn ở đơn vị này rất khó.
Chia sẻ quan điểm về tình trạng này, ông Hoàng Xuân Vượng, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc rút vốn tại thời điểm hiện nay đối với lĩnh vực bất động sản là cực kỳ khó.
“Để nguyên thì không được, còn rút về theo thị trường thì lỗ, thậm chí lỗ một nửa. Nhiều doanh nghiệp đang sợ trách nhiệm nên chưa làm”, ông Vượng nói.
Gợi mở hướng xử lý tốt hơn, ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phân tích: “Về nguyên tắc, những dự án đầu tư ra ngoài ngành mà đang lỗ thì sớm cắt lỗ, bởi nếu càng để thì sẽ càng lỗ và dẫn tới vốn Nhà nước sẽ không bảo toàn được. Còn nếu đầu tư ra ngoài ngành mà đang kinh doanh có lãi thì trên nguyên tắc vẫn phải thoái vốn, nhưng lộ trình có thể kéo dài đến lúc nào chúng ta bán được vốn lúc đó mới thoái”.
Trong khi đó, không hoàn toàn nhất trí với các quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng việc thoái vốn là có thể làm được trong điều kiện phải công khai, minh bạch chất lượng hàng hóa trong điều kiện thị trường hiện nay. Theo đó, nếu bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp khó thì có thể tiến hành theo các phương án đấu thầu chọn lọc hoặc bán cho đối tác chiến lược.
Bình luận về sự e ngại bán “hớ” gây thất thoát vốn nhà nước, ông Hải thẳng thắn nêu quan điểm: “Không phải sợ hớ mà là sợ mất quyền”. Vị chuyên gia này cũng bất bình với tình trạng khá nhiều doanh nghiệp đã rục rịch niêm yết để công khai minh bạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có cái tên trên sàn giao dịch chứng khoán.
“Cần xem lại trách nhiệm người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước tình trạng ì ạch này. Thời điểm này, một số doanh nghiệp còn có giá tốt, một thời gian sau nữa, bị tham nhũng đục rỗng rồi thì không còn cái giá hợp lý nữa”, ông Hải nói.
Một giải pháp được ông Hải nêu ra là cần đẩy mạnh cơ chế mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đồng thời với cơ chế xử lý nợ xấu. Qua đó, nên xử lý nhanh bằng cách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông