Kiến thức Tài chính kế toán Thặng dư sản xuất là gì? Đặc điểm, cách tính thặng dư...

Thặng dư sản xuất là gì? Đặc điểm, cách tính thặng dư sản xuất

8925
thặng dư sản xuất là gì

Thặng dư sản xuất là gì và có những đặc điểm như thế nào. Hãy cùng MISA SME tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về thặng dư sản xuất, đặc điểm và cách tính.

1. Thặng dư sản xuất là gì?

Thặng dư sản xuất là chênh lệch giữa tổng doanh thu mà người bán nhận được từ việc bán một lượng hàng hóa nhất định và tổng chi phí biến đổi để sản xuất số hàng hóa đó.

Trong đó:

  • Chi phí biến đổi: Là những chi phí thay đổi khi mức sản lượng thay đổi.
  • Tổng doanh thu: Là tổng sản lượng hàng hóa bán ra nhân với giá bán trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Tổng chi phí biến đổi được tính bằng diện tích dưới đường cung. Đường cung thể hiện giá thấp nhất mà người bán sẽ chấp nhận để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm. Đây chính là chi phí sản xuất cho đơn vị tiếp theo, được gọi là chi phí biên đổi.

Ví dụ về thặng dư sản xuất: Một nhà sản xuất áo mưa sẵn sàng bán một chiếc áo mưa với giá ít nhất là $4 (đường cung). Tuy nhiên, mùa mưa kéo theo nhu cầu mua áo mưa tăng lên nên các nhà sản xuất có thể bán một chiếc áo mưa với giá cao hơn là $6/cái (giá thị trường). Phần chênh lệch $2 chính là thặng dư sản xuất.

2. Đặc điểm của thặng dư sản xuất

Thặng dư sản xuất được xuất phát từ việc các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm với chi phí biên thấp hơn giá bán trên thị trường. Khi có sự chênh lệch này, nhà sản xuất có cơ hội bán các sản phẩm này để thu được lợi nhuận.

Tại mức sản lượng tối ưu để tối đa hóa lợi nhuận, thặng dư sản xuất từ mỗi đơn vị sản phẩm là bằng không vì giá bán trên thị trường bằng chi phí sản xuất (P = MC).

Thặng dư sản xuất thường được biểu diễn như diện tích nằm giữa đường cung cấp và giá thị trường. Đây là cách đo lường lợi ích ròng của người sản xuất và giúp các doanh nghiệp đo lường được tác động của các chính sách bằng cách theo dõi thay đổi trong thặng dư sản xuất.

Một số đặc điểm của thặng dư sản xuất có thể kể đến như:

  • Thặng dư sản xuất là một giá trị không cố định và luôn có sự biến đổi liên tục. Các yếu tố ảnh hưởng đến thặng dư sản xuất có thể kế đến như vốn, công nghệ, trang thiết bị, năng suất lao động, thời gian lao động… và cả khả năng quản lý và tiếp thị. Những yếu tố này thường được gọi là chi phí biến đổi để tạo ra giá trị của một sản phẩm. Nếu chi phí biến đổi thấp thì khả năng tạo ra thặng dư sản xuất sẽ lớn hơn.
  • Thặng dư không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho nhà sản xuất. Chẳng hạn, để giảm chi phí biến đổi, nhà sản xuất có thể quyết định sản xuất số lượng lớn sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu nhu cầu tiêu dùng thấp hơn so với sản lượng sản xuất, điều này sẽ dẫn đến thặng dư hàng hoá hoặc chính xác hơn là sản phẩm dư thừa trong kho nhiều hơn nhu cầu trên thị trường. Các vấn đề về tồn kho hay tình trạng hư hỏng sản phẩm gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của doanh nghiệp. Do đó, việc quản lý thặng dư sản xuất luôn là một thách thức, đòi hỏi sự cân nhắc và tính toán để đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra một cách hợp lý nhất.
  • Thặng dư sản xuất xuất hiện khi một nhóm người sẵn sàng trả một số tiền lớn để sở hữu một sản phẩm. Nếu có một mức giá đã được xác định và tất cả mọi người đều đồng ý với mức giá đó thì sẽ không xảy ra thặng dư hoặc thiếu hụt. Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh, nơi có nhiều tác nhân khác nhau đang tác động và các doanh nghiệp có những ngưỡng giá riêng thì thặng dư luôn tồn tại. Đặc biệt là trong thời đại hiện nay, cuộc đua công nghệ giúp các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới, đột phá với giá cạnh tranh nhất.
  • Thứ tư, mức thặng dư sản xuất sẽ tăng lên khi nhà sản xuất hoạt động trong một thị trường cạnh tranh có sự độc quyền.

3. Cách tính thặng dư sản xuất

thặng dư sản xuất

Đồ thị đường cung hàng hóa. Nguồn tham khảo: Giáo trình Economics for Investment Decision Makers

Trong đồ thị đường cung, chiều cao của đường này tương đương với chi phí biến đổi cho mỗi đơn vị sản phẩm thêm vào. Do đó, tổng chi phí biến đổi của tất cả các đơn vị cho Q1 sản phẩm được tính bằng diện tích nằm dưới đường cung từ điểm xuất phát đến đơn vị Q1 (diện tích hình thang có gạch sọc trên đồ thị).

Với giả định rằng mỗi đơn vị sản phẩm được bán với giá P1, tổng doanh thu cho người bán sẽ là một hình chữ nhật có chiều cao là P1 và chiều ngang là tổng số lượng sản phẩm Q1.

Người bán thực tế sẵn sàng chấp nhận số tiền được biểu thị bằng diện tích hình thang, tuy nhiên, họ thực sự thu được một phần diện tích lớn hơn, chính là diện tích của hình tam giác. Do đó, họ nhận được một khoản thặng dư sản xuất bằng diện tích của hình tam giác.

>> Xem Thêm: Phần mềm kế toán phổ biến nhất MISA SME

4. Phân biệt thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng

Thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng là hai khái niệm quan trọng trong kinh tế, nhưng chúng khác nhau về cách hình thành và nguồn gốc.

Thặng dư tiêu dùng (consumer surplus) là lợi nhuận bằng tiền mà người tiêu dùng thu được do họ có thể mua một sản phẩm với giá thấp hơn giá cao nhất mà họ sẵn lòng trả.

Ví dụ về thặng dư tiêu dùng: Giả sử khi đấu giá để mua 1 bức tranh, bạn đã tính toán và sẵn sàng trả 500 triệu đồng. Tuy nhiên trong quá trình đấu thầu, thực tế bạn chỉ phải chi trả 400tr cho bức tranh đó. Vậy thặng dư tiêu dùng là 100 triệu đồng.

Cũng trong ví dụ này, do có quá nhiều người mong muốn được sở hữu bức tranh đưa ra đấu giá kể trên, bức tranh được định giá cao hơn rất nhiều so với giá trị mà người bán mong muốn bán. Chính điều này đã tạo ra thặng dư sản xuất cho nhà sản xuất.

Như vậy, thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng có mối quan hệ đối lập về mặt lợi ích và loại trừ nhau. Theo đó, thặng dư sản xuất mang lại lợi ích cho nhà sản xuất nhưng có thể tạo thiệt hại cho người tiêu dùng và ngược lại, thặng dư tiêu dùng tạo lợi ích cho người tiêu dùng nhưng có thể gây tổn thất cho người sản xuất.

Tuy nhiên, cả thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng đều đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp thu được thặng dư sản xuất lớn sẽ có thể tái đầu tư và khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh, cải thiện năng suất lao động… trong điều kiện giá trị thặng dư ở mức cân bằng.

Khi thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng mất cân bằng và không thể điều phối được thì Chính phủ có thể can thiệp để đảm bảo ổn định giá cả và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của quy luật kinh tế, đôi khi sự can thiệp của chính phủ có thể không cần thiết vì thị trường có thể tự điều chỉnh theo hướng cân bằng.

Trên đây là các nội dung liên quan đến thặng dư sản xuất là gì, cách tính thặng dư sản xuất và sự khác biệt giữa thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng. Hi vọng kiến thức này sẽ giúp bạn đọc ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp mình.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không