Kiến thức Tuyển dụng Săn việc online và những điều cần lưu ý

Săn việc online và những điều cần lưu ý

6
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamCứ thảy resume (hồ sơ tìm việc) lên mạng, rất tiện lợi, nhanh có việc và không phải tốn tiền” – Trần Thiện Đạo, nhân viên Công ty HIS, nói như vậy về chuyện tìm việc qua mạng.
Săn việc qua mạng (online job hunting) đang có xu thế phát triển rất mạnh tại các đô thị lớn, được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây cũng là cách tìm việc của giới trẻ “thời @”.
Cơ hội nhiều, dễ có việc
Tốt nghiệp Khoa Nhật Bản học Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng, lang thang ở một vài trung tâm giới thiệu việc làm nhưng vẫn không tìm đâu ra một công việc phù hợp với chuyên môn; qua bạn bè, Trần Thiện Đạo thử gửi hồ sơ của mình lên mạng. Hai ngày sau, Công ty HIS gửi yêu cầu đồng thời hẹn anh phỏng vấn. Một tuần sau, Đạo trở thành nhân viên của công ty. Hiện mức lương của Đạo khá cao.
Chơi cùng nhóm bạn với Đạo là Lê Xuân Trung, hiện là Trưởng Phòng IT Siêu thị CMC – là một tay lướt web chuyên nghiệp. Ngay từ thời sinh viên, Trung đã có thói quen tìm việc trên mạng và cậu ta thường tìm được những việc làm thêm phù hợp. Trung cho biết có được công việc hiện tại cũng là nhờ “săn” qua mạng. Thủ tục khá đơn giản, trong khi đó số lượng công việc trên các trang web khá nhiều, nên cơ hội có việc là rất lớn.
Theo ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc nhân sự Công ty Sứ vệ sinh American Standard, các cá nhân được tuyển qua mạng thường được doanh nghiệp (DN) trả lương cao bởi thông thường, đây là những vị trí quan trọng hoặc những vị trí đòi hỏi năng lực khá trở lên. DN tuyển dụng qua mạng cũng thường là những DN tên tuổi, nên mức chi trả thu nhập khá hơn.
“Bật mí” từ những người đi trước
Trần Công Khiêm, tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải năm 2003 và đã xin được việc làm tại một công ty liên doanh, cho biết: “Phải nộp đơn nhiều lần vì khi đơn xin việc lọt vào website của nhà tuyển dụng, website này sẽ tự động xếp lại các lá đơn theo trình tự thời gian. Những lá đơn gần nhất sẽ được nhà tuyển dụng ưu tiên hơn, vì thế cần phải thường xuyên lên mạng, cập nhật thông tin và nộp lại đơn xin việc của mình để không bị nhà tuyển dụng bỏ sót. Cần thiết thì gửi một e-mail đính kèm để đăng ký phỏng vấn, trong đó trả lời cụ thể những gì cần thiết liên quan đến công việc chuyên môn và những khả năng của bản thân, tránh để nhà tuyển dụng hỏi đi hỏi lại nhiều lần.
Tuy nhiên, Khiêm cho biết thêm, cần phải lường trước mức độ tự do truy cập trên mạng sẽ làm những thông tin của bản thân trở thành thông tin “mở” và ai cũng có thể dễ dàng có được thông tin này, do đó nếu cẩn thận, bạn không cần cung cấp ngay số điện thoại và địa chỉ nhà vào e-mail, mà nên đợi khi có phản hồi từ nhà tuyển dụng hãy cho họ biết chi tiết hơn.
Nguyễn Trần Anh Hoàng đang là chuyên viên quản trị mạng cho một công ty giải pháp tin học, trước đây kiếm được việc làm là nhờ giỏi sục sạo trên các trang web. Theo Hoàng, giao diện của hầu hết các trang web tuyển dụng hiện nay rất thuận lợi, nhiều tiện ích và đặc biệt là gần như được “Việt hóa” hoàn toàn nên mọi đối tượng đều có thể tiếp cận. Mỗi người nên tự lượng sức trước khi săn việc “online” bởi hiện nay các công ty chọn hình thức tuyển dụng qua mạng đa số là những DN lớn, có nhu cầu tuyển những ứng viên “nặng ký”. Sự chuyên nghiệp của công ty đòi hỏi sự chuyên nghiệp tương ứng của ứng viên. Với lợi thế của điện tử, theo nhiều bạn trẻ, nên thuê một hộp thư bưu điện hay một hộp thư thoại trong thời gian tìm việc cho đến khi xin được việc thì có thể hủy những hộp thư đó.
Lời khuyên từ nhà tuyển dụng
Ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc nhân sự Công ty Nước giải khát Pepsi, đưa ra lời khuyên: “Thông tin trên mạng luôn có tính đại chúng rất cao. Vì lẽ đó, khi giới thiệu về mình trên mạng, sẽ có rất nhiều người, kể cả nhà tuyển dụng và các ứng viên khác biết về bạn. Cho nên, tính cạnh tranh sẽ rất cao. Phải tìm cách tiếp cận riêng về DN cần tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau để phần giới thiệu về mình phù hợp với những cái mà DN đang cần”.
Chị Phạm Thị Minh Nguyệt, trợ lý giám đốc Công ty The Son, cho rằng: “Không được cẩu thả, phải trung thực và đầu tư kỹ cho tờ đơn xin việc của mình. Đừng nghĩ rằng “đất” trên mạng rộng và không ai kiểm tra nên không biết và cứ thế tha hồ “tán” cũng như viết tràn lan những chi tiết không cần thiết. Một lá đơn trên mạng cũng cần tuyệt đối chính xác về thông tin, những gì thuộc về chuyên môn của người xin việc cần phải được nêu một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất”.
Ông Lê Hồng Phúc cho biết thêm: “Trên các website tuyển dụng chính thống không có công việc ảo. Do đó những ứng viên “ảo” sẽ bị nhận diện ngay sau lời mời phỏng vấn trực tiếp. Hiện nay, săn việc “online” là một xu thế hiện đại, đang và sẽ phát triển rất mạnh tại các đô thị VN”.

Theo Người Lao Động

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không