Không gì kể hết nỗi khổ của lần đầu tiên đi xin việc. Càng khổ sở và gian khó hơn với những người ở quê lần đầu đặt chân ra thành phố mưu sinh.
Với đôi chân còn hằn nỗi cơ cực, tóc còn thơm mùi cỏ lúa, họ chân chất và không biết rằng chốn thị thành có lắm cạm bẫy, lắm nỗi gian truân mà họ sẽ phải trải qua.
“Đạo chích” cuỗm đồ
Quang, 19 tuổi, vừa thi đỗ tú tài, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành gác ước mơ vào đại học để đi làm phụ giúp cha mẹ. Ở quê hiếm việc, Quang liều một phen ra Bình Dương tìm việc.
Khi đi xe đến ngã tư Gò Đậu, cậu đón tiếp xe ôm về xã Tân Phước Khánh để tìm ông anh họ làm ở xí nghiệp gốm thuộc huyện Tân Uyên. Khổ nỗi mảnh giấy ghi địa chỉ cùng chiếc ví đã không cánh mà bay mất. Cũng may bác xe ôm có lòng tốt, thấy xưởng gần nhà mình đang cần người, nên ông đã xin cho Quang vào làm ở đó.
Gái quê dễ bị gạt
Vì nghe theo lời của một phụ nữ trung niên gặp ngoài chợ mà Hồng, Loan và Hoa đã từ bỏ nghề gói kẹo dừa ở xứ Đồng Khởi để theo bà ta lên TPHCM làm công ty may, mỗi tháng lương được 1.200.000 đồng. Để có được những đồng lương hấp dẫn như thế, gia đình của các cô phải chạy vạy khắp nơi mượn 500.000 đồng/người đưa cho bà ta lo lót với người tuyển dụng của công ty.
Khi đặt chân lên đất Sài Thành, bà bảo mỗi cô đưa cho bà thêm 100.000 đồng nữa gọi là tiền chi phí mà mấy ngày qua bà đã lo cho họ. Sau đó, bà đưa các cô vào một “công ty” may mặc với vỏn vẹn chỉ… 30 công nhân và đồng lương ít ỏi là 450.000 đồng/tháng. Các cô bây giờ mới vỡ lẽ ra, nhưng quá muộn, vì người đàn bà đó đã cao chạy xa bay với số tiền béo bở.
Lạc vào ổ “gay”
Từ Bắc Ninh vào TPHCM đã được 20 ngày, ngày nào Tuấn và Phong cũng xách xe đạp chạy vòng quanh các Khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc B… để tìm việc. Nhưng chạy đến nỗi mòn đôi dép mà họ vẫn chưa xin được chỗ nào làm cả.
Đang buồn vì gần hết tiền chi tiêu ăn uống, rồi sắp phải đóng tiền trọ thì hai cậu gặp được một người nhận đứng ra giúp. Đó là Dũng – một người đàn ông 40 tuổi, chưa vợ, chủ của khu nhà trọ mà Tuấn và Phong đang ở.
Nghe hai người than thở, Dũng an ủi và bảo muốn có việc làm và tiền chi tiêu thì hãy… ngủ với ông ta một đêm, sau đó ông sẽ giúp cho. Biết ông ta là dân đồng tính, nhưng trong tình thế trong túi không có một xu và việc làm chưa có, nên hai người đành chấp nhận.
Hôm sau, Dũng đưa Tuấn và Phong vào làm bồi bàn ở một quán cà phê sang trọng, tiền lương khá cao. Nhưng khi vào đây rồi thì cả hai mới sửng sốt vì tất cả những vị khách và người phục vụ ở đây đều là dân đồng tính. Cũng may hai người thoát ra được và chuyển phòng trọ ngay đêm đó. Họ phải bán chiếc xe đạp mới coóng để có tiền đóng cho chủ nhà trọ mới.
Khổ sở vì hồ sơ
Nghe chị viết thư bảo lên thành phố xin việc, Hùng tức tốc làm hai bộ hồ sơ, rồi đón xe đò lên Thủ Đức. Cậu vững bụng và tự tin là mình sẽ có việc làm ngay, bởi chị Hùng đã lập gia đình ở Thủ Đức được hai năm. Nhưng thật xui xẻo, xin ở công ty nào người tuyển dụng cũng lắc đầu. Bởi Hùng hết thiếu sơ yếu lí lịch, lại thiếu đơn xin xác nhận hạnh kiểm… cho nên anh phải đón xe đò về quê đến hai, ba lần để làm lại hồ sơ mới.
Nhưng việc làm vẫn không mỉm cười với Hùng. Hùng chẳng hiểu tại sao nhà tuyển dụng lại không chọn mình, trong khi hồ sơ đã được bổ sung đầy đủ, ngoại hình to khỏe có thua ai đâu? Thì ra nguyên do là tại hồ sơ của cậu có quá nhiều lỗi chính tả! Vì cả hai chị em Hùng chỉ mới học hết lớp 5 nên khi làm hồ sơ đã sai bét, từ cách ghi cho đến lỗi chính tả. Cuối cùng Hùng phải nhờ anh rể viết hộ và về quê lần nữa để chứng thực, sau đó mới xin được việc.
…
Chuyện đi xin việc thật gian truân đối với những lao động ở quê ra. Nhiều người gặp may nhưng cũng lắm kẻ gặp chuyện rắc rối. Chính những “va chạm” đầu tiên đó đã giúp họ nhận ra mình cần tỉnh táo và cố gắng hơn trên bước đường mưu sinh.
Theo DT
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông