Đài truyền hình Tp.HCM phớt lờ luật cạnh tranh như thế nào?

152
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamViệc Đài truyền hình TP HCM (HTV) công bố khung giờ phim Việt vào lúc 22h hàng đêm bắt đầu được giao độc quyền cho 3 hãng phim là Vietcomfilm, Sóng Vàng và Senafilm khiến nhiều nhà sản xuất phim trên cả nước bức xúc.
Bởi vì như thế có nghĩa là hàng trăm nhà sản xuất phim truyền hình khác không còn cơ hội nào hợp tác với HTV ở khung giờ nói trên. Mà thay vào đó là 3 đơn vị nhận quota độc quyền.
Cấp quota độc quyền cho 3 nhà sản xuất
Lý giải về việc khung giờ quan trọng được giao độc quyền cho 3 đơn vị, bà Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng khai thác phim truyện của HTV cho rằng đó là cách để nâng cao chất lượng phim truyền hình. Vì 3 đơn vị nói trên là 3 đơn vị mạnh, nên giao cho họ đảm nhiệm toàn bộ khung giờ này là hợp lý.
Phải chăng giao độc quyền cho 3 nhà sản xuất thì HTV sẽ nâng cao được chất lượng phim? Phát biểu về việc này, Giám đốc một hãng phim ở TP.HCM bức xúc: “Chúng tôi kịch liệt phản đối việc làm của HTV. Lập luận rằng độc quyền để tăng chất lượng sản phẩm là một kiểu nói ngược, phản khoa học.
Ai cũng biết chỉ có tự do cạnh tranh mới nâng cao chất lượng, chứ làm gì có chuyện giao độc quyền cho một vài đơn vị sản xuất mà nâng cao chất lượng sản phẩm!”.
Một nhà sản xuất khác nói: “Tôi không nghĩ HTV ngây thơ tin rằng giao độc quyền cho 3 hãng phim để nâng cao chất lượng phim truyền hình trên khung giờ này. Bởi vì chọn lựa sản phẩm từ hàng trăm nhà sản xuất đưa đến chào hàng cho mình vẫn dễ tìm ra sản phẩm tốt hơn là từ chỉ 3 nhà sản xuất chứ. Tôi nghĩ rằng có cái gì đó bất bình thường từ cách làm này. Cần tìm hiểu xem đằng sau cách làm phi khoa học này là cái gì”. Rất nhiều nhà sản xuất phim khác không có cơ hội hợp tác với HTV cũng bức xúc tương tự.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, một nhà giáo về hưu ở Gò Vấp, TP.HCM nói: “Trong tình hình phim Việt có chất lượng thảm hại như thế này rồi mà còn bắt tay nhau độc quyền như thế thì phim Việt sẽ đi về đâu? Sẽ còn thảm hại đến mức nào nữa?”.
Vi phạm Luật cạnh tranh
Giao cho 3 trong hàng trăm nhà sản xuất độc quyền khai thác toàn bộ một khung giờ quan trọng, HTV phải chăng đã làm đúng luật hay là đã vi phạm luật? Khoản 6 và 7 của Điều 8 Luật Cạnh tranh nêu “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” như sau:
Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh (Khoản 6)
Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận (Khoản 7)
Như vậy, hành vi của HTV đã rơi đúng vào 2 trường hợp nói trên.
Khoản 1 Điều 9 về việc “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm” quy định: “Cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 8 của Luật này”.
Như vậy, bằng cách giao cho 3 trong hàng trăm nhà sản xuất toàn bộ một khung giờ, HTV đã vi phạm Luật Cạnh tranh ở nội dung “các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm” ở Điều 9. Chưa hết, HTV còn vi phạm ở một hành vi khác, đó là hành vi “Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm”.
Theo quy định ở Khoản 1 Điều 11, thì HTV thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể).
Với vị trí của mình như vậy, mà HTV áp dụng phương thức nói trên thì vi phạm Khoản 3 Điều 13 do đã “Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng”
Với những phản ánh trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý cạnh tranh của Chính phủ cần vào cuộc để điều tra làm rõ những vi phạm này để trả lại môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất phim, nhằm nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt ngày càng tốt hơn.

Theo Pháp luật VN

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không