Câu trả lời, theo các chuyên gia, là do họ nắm giữ các bí quyết công nghệ quan trọng trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, quy trình công nghệ, con giống và kỹ thuật chuồng trại…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2012, các DN FDI chiếm đến 70% thị phần thức ăn chăn nuôi, tham gia sâu vào thị trường thực phẩm của Việt Nam (riêng Công ty cổ phần Chăn nuôi CP của Thái Lan nắm giữ 40% thị phần thịt gà công nghiệp, 50% thị trường trứng gà công nghiệp và 18 – 20% thị phần thức ăn chăn nuôi).
Vai trò của các DN này là không thể chối bỏ, trong việc gây dựng lên các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn ở nhiều địa phương. Nhưng từ sự phụ thuộc ngày càng lớn, các trang trại trở thành “người làm thuê” cho chính các đối tác DN FDI của mình.
Lý do gì khiến thị trường thực phẩm Việt Nam nhanh chóng “rơi vào” tay các DN FDI? Câu trả lời, theo các chuyên gia, là do họ nắm giữ các bí quyết công nghệ quan trọng trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, quy trình công nghệ, con giống và kỹ thuật chuồng trại…
Nguồn lực lớn, với nhiều DN toàn cầu đầu tư vào thị trường chăn nuôi của Việt Nam, cũng đem lại lợi thế để có thể phát triển nhanh về quy mô. Từ đó, vai trò quyết định đối với thị trường dần rơi vào tay các DN FDI. Điều này, cuối cùng lại tác động đến cách hành xử của thị trường, của đối tác chăn nuôi có liên doanh, liên kết với các DN này.
“Là người nội trợ, tôi chọn mua những sản phẩm có chất lượng tốt cũng như giá cả hợp lý”, chị Hoàng Thị Tuyết (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng. Trong khi trứng gà ở chợ có giá 26 ngàn đồng/chục, tại siêu thị Big C, trứng gà của Công ty CP chỉ có giá 23,6 ngàn đồng/chục.
“Vì CP là thương hiệu lớn trong ngành chăn nuôi, giá lại hợp lý hơn nên tất nhiên tôi mua sản phẩm của họ”, chị Tuyết giải thích. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều bà nội trợ khi đưa ra quyết định mua với sản phẩm thực phẩm. Và tất nhiên, với các tiêu chí về giá và thương hiệu, DN ngoại đang chiếm ưu thế hơn hẳn.
Trong khi đó, từ góc độ của các chủ trang trại Việt Nam, sự hỗ trợ của DN FDI cũng rất lớn, như con giống, thức ăn, công nghệ… thậm chí bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhưng, thắt chặt mối liên kết này, một điểm mạnh nữa của các DN FDI là họ rất chú trọng đến việc bảo hiểm cho các sản phẩm của mình để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ thương hiệu trên thị trường, điều rất ít các DN nội địa làm được.
“Năm 2010, khi đại dịch lợn tai xanh quét qua địa bàn Kiến Thụy (Hải Phòng), có thời điểm cứ mỗi ngày tôi phải đi thu dọn, tiêu huỷ hàng chục con lợn đã chuẩn bị đến giai đoạn xuất chuồng… Nhưng cũng may là tôi đã ký văn bản hợp tác với một công ty chăn nuôi lớn của nước ngoài, DN này cũng gánh đỡ cho tôi phần lớn thiệt hại. Chúng tôi mất toàn bộ tiền công, chứ không mất cả”, ông Đoàn Văn Dũng – chủ trại chăn nuôi lợn tại thôn Na Dương (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) chia sẻ.
Về lý thuyết, thành công với mỗi DN trong ngành chăn nuôi luôn đi liền với tiềm lực vốn dồi dào và khả năng chịu đựng rủi ro… DN FDI có lợi thế ở chính điểm này.
“Cách đây gần 10 năm, khi chúng tôi có mặt tại Việt Nam đã xác định phải 5 năm sau công ty mới có lợi nhuận. Bởi vì, mức đầu tư cơ bản như con giống, thức ăn, hệ thống chuồng trại và bao tiêu khâu đầu ra… là rất lớn. Nhưng chỉ sau 3 năm, chúng tôi đã chuyển giao công nghệ chăn nuôi cho bà con nông dân, hỗ trợ kỹ thuật để họ đầu tư vào hệ thống chuồng trại. Điều này đã sinh lợi nhuận cho công ty trước thời hạn”, ông Vũ Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam nói vậy về mô hình trang trại liên kết của DN này, nay đang phát huy hiệu quả tại gần 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Và bài học phát triển nhanh của DN FDI từ các lợi thế làm chủ công nghệ, tiềm lực đầu tư lớn và kế hoạch kinh doanh bài bản… có lẽ là những điều ý nghĩa nhất mà các DN Việt Nam có thể học hỏi, dù là trong lĩnh vực chăn nuôi, hay ngay cả các lĩnh vực khác.
Theo Thời báo ngân hàng
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông