Ông cho biết triết lý của Nhật Bản có phần nào đó giống triết lý của Trung Quốc là “dĩ nhân vi bản”. Sony bắt đầu đầu tư kinh doanh ở Trung Quốc không lâu, nhưng thu được thành công rất lớn. Lúc đầu chỉ có mấy người trong văn phòng, nhưng giờ đây trụ sở của Sony ở Trung Quốc có tới hơn 500 người, còn công nhân làm trong các công xưởng ở Trung Quốc tới trên 10.000 người. Hiện nay ở Trung Quốc, Sony có 6 công ty lớn, 20 công ty chi nhánh và hơn 460 trạm, văn phòng phục vụ khách hàng. Năm 2005, tiêu thụ sản phẩm của Sony ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần năm 2003, và tới năm 2008, lượng hàng của Sony tiêu thụ ở Trung Quốc dự đoán sẽ vượt quá lượng hàng tiêu thụ ở thị trường chính quốc Nhật Bản. Sở dĩ Sony hầu như thành công ở khắp nơi trên thế giới vì tài sản lớn nhất của Sony là “con người”.
Hơn 40 năm kể từ khi thành lập tới nay, dù là công nhân bình thường hay các kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học, Công ty đều tổ chức một buổi lễ “nhập hãng” trang trọng. Sony tuyển chọn người trên cơ sở tự nguyện vào làm. Khi vào làm họ đều phải nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình đối với công ty. Đã vào làm thông thường từ 20-30 năm. Trong các buổi lễ “nhập gia”, ngoài những lời chúc mừng xã giao, chủ hãng bao giờ cũng khuyến cáo mọi người rằng “làm trong Sony phải từ 20-30 năm”. Sony có một chính sách công bằng dù nhân viên đó làm việc trong Sony ở Nhật Bản, Trung Quốc, ở Mỹ hay ở bất kỳ nước nào khác trên thế giới đều được đối xử bình đẳng như nhau. Họ sẽ không bao giờ có cảm giác bị phân biệt đối xử và luôn cảm thấy mình là thành viên trong đại gia đình Sony. Điều quan trọng hơn nữa là mọi người đều cảm thấy mình là đồng nghiệp quý giá và thân thiết của ông Chủ tịch hãng. Vào trong công ty, người ngoài không phân biệt được đâu là ông chủ, đâu là nhân viên, bởi vì ông chủ tịch mặc đồng phục như nhân viên, ăn uống ở nhà ăn như nhân viên, làm việc đúng giờ như nhân viên… Bất kỳ một quan chức hoặc nhân viên quản lý cấp cao nào đều không có văn phòng riêng, kể cả giám đốc công ty. Họ cùng nhau làm việc ở một nơi, cùng nghỉ, cùng ăn. Ở những công xưởng sản xuất, giám đốc, quản đốc phân xưởng thường hội ý, giao ban nhanh chóng với mọi người vào buổi sáng về tình hình công việc ngày hôm qua và công việc trong ngày hôm nay. Sở dĩ Sony làm như vậy vì muốn chứng tỏ một chân lý rằng “dĩ nhân vi bản”, “nhất thị đồng nhân”, không có phân biệt đối xử cho dù người đó là lãnh đạo.
Morita cho biết sau hơn 40 năm “bươn chải” trên các thị trường, Sony hiện có một gia tài rất lớn, nhưng gia tài lớn nhất và quý giá nhất vẫn là con người của Sony. Các nhân viên coi danh dự, uy tín, thành công, thất bại của hãng như của chính mình, từ đó luôn nỗ lực phấn đấu cho sự thành công của hãng.
Theo Econet
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông