Với 26 Oscar và 64 đề cử cho giải thưởng điện ảnh Mỹ Oscar, Walt Disney là đạo diễn và nhà sản xuất điện ảnh thành công nhất nước Mỹ. Nghệ thuật là lĩnh vực giúp Disney nổi tiếng và giàu có. Nghệ thuật hoá nghệ thuật là bí quyết thành công của thương hiệu này.
Kinh doanh trí tưởng tượng
Walt Disney sinh ngày 5/12/1901 và là đứa con thứ 3 trong gia đình. Walt Disney đến với nghệ thuật từ rất sớm. Thời còn là học sinh phổ thông, Walt Disney đã học thêm ở Viện Nghệ thuật Chicago. Từ năm 18 tuổi, Walt Disney đã làm hoạ sỹ cho một số tờ báo. Năm 1919, Walt Disney gặp Ub Iwerks và cuộc gặp gỡ này là bước ngoặt định mệnh đối với Walt Disney: Năm 1920, hai người thành lập công ty riêng với tên gọi “Iwerks-Disney Commercial Artists” chuyên về sản xuất phim hoạt hình vì cả hai đều là họa sỹ và đều có chung đam mê. Công ty này làm ăn không được hiệu quả cho lắm và tồn tại cũng chẳng được bao lâu, nhưng đã củng cố quyết tâm và đưa lại cho Walt Disney những kinh nghiệm hết sức cần thiết, quý báu để tin tưởng vào sự lựa chọn tương lai cho mình là sản xuất phim hoạt họa. Sau khi đến Hollywood, năm 1923, Walt Disney thành lập công ty Walt Disney Company. Ub Iwerks lại làm việc cho Walt Disney tới năm 1934.
Thời đó, điện ảnh Mỹ phát triển rất mạnh mẽ, nhưng công nghiệp điện ảnh nói chung vẫn mới chỉ ở giai đoạn sơ khai ban đầu. Cả âm thanh lẫn màu sắc, cả nội dung lẫn kỹ xảo điện ảnh chưa hẳn đã thật sự hài hoà đến mức đáng được coi là “nghệ thuật”, nhưng điện ảnh đã được đón chào và mong đợi như một nghệ thuật thực thụ. Walt Disney nhìn nhận thấy trong trào lưu đó tương lai của chính mình. Phim hoạt hình được Walt Disney lựa chọn bởi nhiều lý do. Đó là thế mạnh của cả Disney lẫn Iwerks, không cần đến diễn viên mà chỉ cần đến trí tưởng tượng phong phú, không cần đến những trường quay quy mô mà chỉ cần một vài phòng làm việc nhỏ, chủ đề dễ tìm thấy, loạt phim dễ kết thúc hoặc kéo dài. Nhân vật hoạt hình đầu tiên của walt Disney là Chú thỏ Oswald trong loạt phim hoạt hình “Chú thỏ Oswald may mắn”, nhưng nhân vật hoạt hình giúp Walt Disney nổi danh đến bất tử lại là chú chuột nhắt với cái tên gọi Mickey. Từ thỏ đến chuột, từ chuột đến vịt, từ vịt đến chó, voi… và rồi đến nhân vật hoạt hình là con người – Walt Disney vừa khai phá vừa chinh phục thế giới tưởng tượng của mình và khán giả để rồi hình thành nên “Thế giới Disney”.
Chú chuột Mickey gắn liền với hào quang của Disney như hình với bóng. Có một giai thoại kể lại rằng có một lần tình cờ có một chú chuột nhắt chạy nhào qua bàn làm việc của Disney mà nhờ đó Disney có ý tưởng về nhân vật hoạt hình mới. Ông dự định đặt cho nó cái tên là Mortimer nhưng vợ ông không thích tên gọi đó và khuyên ông nên đổi thành Mickey – Mickey Mouse hay MM, dễ gọi, dễ nghe và rất thân thiện với trẻ em. Chú vịt Donald – Donald Duck hay DD, một trong những biểu tượng khác nữa cho thương hiệu Walt Disney cũng hình thành theo cùng cách tư duy ấy. Từ phim câm đến phim có tiếng, từ phim ngắn đến phim truyện, từ dựa vào ý tưởng vụn vặt lẫn dựa theo cốt truyện cổ tích hay những tác phẩm văn học kinh điển, từ rạp chiếu phim đến Thế giới Disney hay Công viên Disney và về sau từ phim hoạt hình chuyển sang những bộ phim truyện có diễn viên đóng – đó là những chặng đường phát triển của thương hiệu này cho tới ngày nay.
Xuyên suốt trong những tác phẩm điện ảnh của Walt Disney là trí tưởng tượng, là thế giới trong tưởng tượng và là cảm nhận của con người về thế giới tưởng tượng. Thế giới ấy không có biên giới, không có tiêu chí cố định để phân biệt giống hay không giống, thật hay ảo. Khám phá thế giới tưởng tượng để chinh phục khán giả, nghệ thuật hoá thế giới tưởng tượng để kinh doanh – cái đặc biệt nhất ở thương hiệu Walt Disney chính là chỗ đó. Điện ảnh là nghệ thuật và Walt Disney là nghệ thuật hoá nghệ thuật, để tạo đỉnh cao trong thế giới nghệ thuật – đó là mục tiêu của Walt Disney và là thông điệp mà Disney muốn gửi gắm vào thương hiệu mang tên mình.
Bí quyết thành công
Năm tháng theo nhau qua đi, Walt Disney đến nay đã trở thành cây đa cây đề trong làng điện ảnh thế giới. Không ít đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực phim hoạt hình xuất hiện và cũng thành công, nhưng chưa ai vượt được những đỉnh cao mà Walt Disney đã chinh phục, dù rằng về phương diện phim có diễn viên đóng, Walt Disney chưa thành công được như nhiều hãng phim khác.
Bí quyết thành công trước hết của Walt Disney là sự kết hợp hài hoà giữa tính độc đáo và tính đại chúng. Sản phẩm mang thương hiệu này là sản phẩm thích hợp với mọi diện khán giả, cả già lẫn trẻ, dù họ ở bất cứ nơi nào, theo bất cứ tôn giáo nào, thuộc về bất cứ nền văn hoá nào và mang trong mình bất kỳ dòng máu sắc tộc nào. Chúng ẩn hiện hài hoà, hợp lý giữa thế giới thật và ảo, giữa cuộc sống thường nhật và thế giới của tưởng tượng. Chúng mang nội dung vừa giải trí vừa giáo dục và vì thế rất thích hợp cũng như được ưa chuộng không chỉ ở từng khán giả hay nhóm khán giả mà trong cả gia đình.
Bí quyết thành công thứ hai của Walt Disney là sự lựa chọn nhân vật. Những nhân vật của Walt Disney đơn giản chứ không phức tạp. Chúng hài hước, độc đáo và gây ấn tượng. Chúng không thay đổi tính cách theo thờì gian và luôn sống động. Chúng theo khán giả từ thời thơ ấu của họ đến khi trưởng thành, đến mức mỗi lần tiếp cận sản phẩm mang thương hiệu này về sau đều là một kỷ niệm trong cuộc đời họ. Vì thế, xem đi vẫn thấy hay, xem lại cũng chưa chán.
Bí quyết thành công thứ ba của Disney là gây dựng được cả một bộ máy kinh doanh những nhân vật hoạt hình của mình. Cùng với phim có sách và ảnh, có các đồ lưu niệm và biểu tượng mà đỉnh cao của chiến lược quảng bá và phát triển thương hiệu này là “Thế giới Disney” – Disneyland hay Disney World. Đó là một độc chiêu của Walt Disney mà tất cả các hãng điện ảnh khác đều không làm được. Thế giới Disney không chỉ là một cách kinh doanh nhu cầu giải trí của du khách, mà còn là thế giới nghệ thuật riêng của Walt Disney. Đó chính là nơi Walt Disney thể hiện ý tưởng “nghệ thuật hoá nghệ thuật” của mình. Thế giới ấy vô tận như thế giới tưởng tượng của con người không có giới hạn. “Thế giới Disney sẽ không bao giờ hoàn chỉnh mà sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng mới mẻ chừng nào vẫn còn trí tưởng tượng trên thế giới này”, Walt Disney đã từng phát biểu như thế và trên thực tế tuyên bố của ông cũng đã được công nhận một cách rộng rãi.
Walt Disney mất năm 1966 ở tuổi 65, không được chứng kiến sự ra đời của Disneyland đầu tiên ở Florida (Mỹ) năm 1976, Tokyo-Disneyland ở Nhật Bản năm 1988 và Euro-Disneyland ở Pháp năm 1992. Một ngôi sao trên Đại lộ Vinh quang – nơi giúp các minh tinh màn bạc của nước Mỹ bất tử với thời gian – được gắn tên ông. Thương hiệu Walt Disney vẫn toả sáng và danh giá với thời gian cho dù ông khuất bóng đã từ lâu, bởi thành công ở một trong những khía cạnh khó khăn nhất đối với mọi thương hiệu là duy trì được sự gắn kết mật thiết cả về vật chất lẫn tinh thần với con người.Ngư Phủ
Thông điệp của Walt Disney là “nghệ thuật, thuật hóa nghệ thuật, để tạo đỉnh cao trong thế giới nghệ thuật”
Theo DN
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông