Sáng 1-4-2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời về các nội dung: Tình trạng xuất lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch; trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu…
Xuất lậu quặng, khoáng sản giảm nhiều
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình trạng xuất lậu quặng, khoáng sản qua đường tiểu ngạch, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ cuối năm 2012 trở về trước, buôn lậu khoáng sản (quặng titan, quặng sắt) mang lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng lợi dụng vận chuyển nội địa để xuất lậu sang Trung Quốc với số lượng lớn.
Tuy nhiên, từ năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, hiện tượng này đã giảm rõ rệt do các biện pháp hạn chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát của phía Việt Nam và cũng do giá bán bên Trung Quốc không chênh lệch nhiều so với giá bán tại nội địa.
Để xử lý, ngăn chặn việc xuất lậu khoáng sản qua biên giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Ban Chỉ đạo 127, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tích cực kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa trái phép trên thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho hoạt động xuất lậu khoáng sản qua biên giới.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những đội tàu thuộc các công ty Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các loại phương tiện khác có dấu hiệu hoạt động buôn lậu, vận chuyển quặng và các loại khoáng sản trái phép ra nước ngoài…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, việc khai thác trái phép và xuất khẩu khoáng sản qua biên giới cũng đã giảm nhiều, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, do đường biên giới của nước ta dài, đời sống cư dân giáp biên giới đang còn nhiều khó khăn, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp nên chưa thể ngăn chặn một cách triệt để tình trạng trên. Một phần cũng do chính sách thu hút khoáng sản của Trung Quốc đã kích thích buôn lậu khoáng sản.
Điều hành giá xăng dầu giúp thị trường ổn định
Trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về việc quản lý và điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, thực tế điều hành giá xăng dầu trong năm 2013 và đầu năm 2014, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã nhiều lần yêu cầu các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thậm chí yêu cầu các thương nhân đầu mối cắt giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá cơ sở nhằm bình ổn giá xăng dầu bán trong nước, kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế – xã hội.
Hiện nay, theo Công văn số 3458/BTC-QLG ngày 19-3- 2014 của Bộ Tài chính, trong công tác điều hành giá bán xăng dầu trong nước, Quỹ Bình ổn giá đang phải chi sử dụng 300 đồng/lít xăng và các thương nhân đầu mối chưa được tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa (chỉ được tính 150 đồng/lít, tương đương 50% định mức quy định).
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Huy Hoàng, về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước, bảo đảm phản ánh kịp thời xu hướng giá thế giới, tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều điểm mới nhằm tạo môi trường kinh doanh xăng dầu ngày càng cạnh tranh hơn; tăng tính công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá..; tăng cường quản lý hệ thống phân phối theo chuỗi, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu; Bổ sung hình thức phân phối xăng dầu mới; quy định về dự trữ xăng dầu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu…
Giải trình làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Liên Bộ cơ bản nhất quán trong điều hành giá xăng dầu, vừa phải bám sát giá xăng dầu thế giới vừa phải điều hành giá trong nước hợp lý. Vì vậy, công cụ điều hành hiệu quả nhất trong thời gian qua là Quỹ bình ổn giá.
Thời gian qua, liên Bộ Công thương và Tài chính đã công khai Quỹ bình ổn giá, công khai cách tính toán, thường xuyên công khai số dư của Quỹ… Theo thống kê, năm 2013 đã 24 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Và trong quý 1 -2014 đã có 7 lần điều chỉnh tăng và giảm giá.
Kéo dài giờ mở cửa khẩu để hạn chế ứ đọng nông sản
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tình trạng ứ đọng dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh và trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thực ra chỉ là cửa khẩu phụ, với địa thể hẹp, diện tích chật chội, mặc dù đã đầu tư rất nhiều nhưng một ngày chỉ có thể thông quan khoảng 300 xe container. Trong khi đó, thực tế vừa qua, mỗi ngày có tới cả nghìn xe hàng đợi thông quan.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, thực tế phía DN Trung Quốc NK dưa hấu chỉ yêu cầu nhập qua cửa khẩu Tân Thanh. Bên cạnh đó, do năm nay dưa hấu được mùa, có một số hộ gia đình, DN mặc dù chưa tìm được đối tác XK nhưng vẫn mang hàng lên cửa khẩu rồi mới tìm khách hàng, gây ra ứ đọng hàng tại cửa khẩu.
Để tạo điều kiện cho DN xuất khẩu hàng nông sản, Bộ Công Thương đã có 1 phòng cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Form E tại Lạng Sơn, có ngày cấp đến hàng nghìn giấy chứng nhận xuất xứ hàng …
Bộ Công Thương đã có kiến nghị với phía Trung Quốc và cơ quan Hải quan kéo dài thời gian mở cửa khẩu thay vì đóng cửa khẩu lúc 17 giờ sẽ kéo dài tới 21 giờ. Đồng thời xem xét mở thêm cửa khẩu mới. Cùng với đó là điều tiết việc đưa hàng lên biên giới, khuyến cáo DN, cá nhân khi XK cần phải tìm đối tác, ký kết hợp đồng rồi mới đưa hàng lên cửa khẩu.
|
Theo Báo Hải Quan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông