Kiến thức Quản trị khách hàng Thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự: Bộc lộ vướng mắc,...

Thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự: Bộc lộ vướng mắc, bất cập

13
Theo Tổng cục Hải quan, sau 10 năm thực thi Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ luật cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập của quy định về công tác điều tra, khởi tố các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Công chức Đội Kiểm soát Hải quan Lạng Sơn bắt giữ hàng nhập lậu tại đường mòn 386. Ảnh: HỒNG NỤ
Từ ngày 1-7-2004 đến hết tháng 12-2013, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lí hơn 160.000 vụ vi phạm pháp luật Hải quan. Thu giữ nhiều tang vật nghiêm trọng như: 110,5 kg heroin, 8,8 tấn nhựa cần sa, 1.036.000 viên thuốc gây nghiện, hướng thần, hàng trăm container phế liệu, rác thải độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng… Khởi tố theo thẩm quyền 91 vụ vi phạm, trong đó có 66 vụ về tội buôn lậu quy định tại Điều 153, 25 vụ về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới quy định tại Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chuyển cho cơ quan Công an khởi tố theo thẩm quyền 615 vụ vi phạm về tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. 
Vướng về thẩm quyền khởi tố, điều tra
Theo Tổng cục Hải quan, quy định về thẩm quyền khởi tố, điều tra của cơ quan Hải quan tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự còn chưa bao quát và chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự với 2 tội danh được quy định tại Điều 153 (tội buôn lậu) và Điều 154 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới)-Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lí Nhà nước chuyên ngành, trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, có nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lí của ngành Hải quan như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới, trốn thuế, rửa tiền, vi phạm quyền SHTT, hàng giả… gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong quá trình xử lí, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về kinh tế.
Mặt khác, qua thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Tổng cục Hải quan nhận thấy quy định về thẩm quyền điều tra của một số chức danh còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tế. Theo quy định tại Điều 104, Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự , cơ quan Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhưng không quy định rõ chủ thể thuộc cơ quan Hải quan có thẩm quyền này.
Bên cạnh đó tại Điều 20 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự quy định chỉ Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục KTSTQ, Cục trưởng Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu và các cấp phó của những người trên khi được phân công hoặc ủy nhiệm thực hiện các quyền của cấp trưởng mới được quyền tiến hành các hoạt động điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự.
Điều này hạn chế rất nhiều trong hoạt động điều tra hình sự của cơ quan Hải quan, do quy định hiện nay mỗi đơn vị Hải quan chỉ có 1 cấp trưởng và 2 đến 3 cấp phó giúp việc, nếu mọi hoạt động điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự đều phải do những người này tiến hành thì không đảm nhiệm hết các hoạt động điều tra vì hàng ngày họ còn điều hành, quản lí, giải quyết các công việc khác của đơn vị.
Vướng về thời hạn, trình tự thủ tục điều tra
Qua quá trình thực hiện, theo quy định hiện nay thì thời gian điều tra của cơ quan Hải quan quá ngắn. Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, thời hạn điều tra quy định đối với lực lượng Hải quan là 20 ngày (đối với tội phạm ít nghiêm trọng) và 7 ngày (đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp) kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Trong khi đó, tính chất đặc thù của lực lượng Hải quan là địa bàn hoạt động ở các khu vực biên giới, cửa khẩu, địa bàn rừng núi, giao thông không thuận lợi, việc di chuyển đi lại rất khó khăn, nhiều nơi, nhiều chỗ phương tiện đi lại còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp, cơ quan Hải quan có yêu cầu giám định, với quy định về thời gian điều tra như hiện nay, người tổ chức thực hiện giám định hoặc không đảm bảo chất lượng của kết quả giám định do chạy theo tiến độ hoặc để đảm bảo kết quả giám định thì cơ quan Hải quan không kịp điều tra và xử lí do thời gian còn lại rất ít.
Quy định về trình tự, thủ tục trong hoạt động điều tra của cơ quan Hải quan, theo Tổng cục Hải quan là vẫn chưa đầy đủ. Việc chưa quy định cụ thể về trình tự thủ tục tố tụng trong hoạt động điều tra của các cơ quan Bộ đội Biên phòng, Hải quan… làm cho các hoạt động điều tra được tiến hành không thống nhất, dễ xảy ra sai sót hoặc có thể bỏ lọt tội phạm hoặc có thể gây oan sai.
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi tiến hành hoạt động điều tra, Bộ đội Biên phòng, Hải quan… phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật này, nhưng hoạt động điều tra theo quy định trong Bộ luật chỉ quy định cho điều tra viên, kiểm sát viên.

Quy định còn thiếu chặt chẽ
Theo Tổng cục Hải quan, sau 10 năm thực hiện, một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đã bộc lộ sơ hở, thiếu chặt chẽ, không theo kịp với sự phát triển của kinh tế, xã hội, kĩ thuật. Vì theo xu thế phát triển của kinh tế quốc tế, các chứng từ, chữ kí điện tử được sử dụng phổ biến và có giá trị pháp lí, được pháp luật chuyên ngành thừa nhận. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định về việc thu thập chứng cứ là chứng cứ điện tử, do đó dễ bỏ lọt tội phạm do không thu thập đủ chứng cứ để chứng minh tội phạm.
Ngoài ra, tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm”.
Theo đó, quy định tạm giữ người là một biện pháp ngăn chặn, trong khi đó cơ quan Hải quan là cơ quan “gác cửa” nền kinh tế, là cơ quan đầu tiên đón khách và là cơ quan cuối cùng tiễn khách ra khỏi Việt Nam lại không có thẩm quyền tạm giữ người gây khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ.
Ở các khu vực biên giới, sân bay, trên biển… trong những trường hợp khi phát hiện tội phạm đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ, tài liệu phản động… nếu không cho phép cơ quan Hải quan được áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ người ngay thì đối tượng vi phạm sẽ xuất cảnh qua biên giới, dẫn tới việc điều tra, xác minh, truy tố gặp nhiều khó khăn.

Theo Báo Hải Quan

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không