Kiến thức Quản trị khách hàng Tiếp tục góp ý cho dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi)

Tiếp tục góp ý cho dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi)

3
Để lấy ý kiến làm cơ sở đóng góp cho dự thảo Luật Hải quan sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) một số tỉnh, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào những nội dung của dự thảo Luật…
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Cần bổ sung quy định về viên chức Hải quan vào trong dự thảo Luật. Ảnh: HUY HÙNG

Cần quy định chi tiết hơn về trách nhiệm chống buôn lậu
Góp ý về những quy định tại dự thảo Luật Hải quan sửa đổi về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cho rằng, trách nhiệm, thẩm quyền, nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong phạm vi hoạt động Hải quan của cơ quan Hải quan trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã được quy định đầy đủ, rõ ràng hơn. Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chủ trì, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ngoài địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Góp ý về phạm vi, trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần xem xét lại quy định tại Khoản 1 Điều 88: “Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới”.
Theo đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, quy định như trên là chưa hợp lý vì trong địa bàn hoạt động của Hải quan còn có những cơ quan chức năng khác hoạt động, nếu phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì các cơ quan chức năng này có quyền xử lý theo thẩm quyền được pháp luật quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kiểm tra, xử lý.
Cũng góp ý cho nội dung này, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, tại Khoản 1 Điều 90 có quy định: “Trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội Kiểm soát trên biển có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm”.
Tuy nhiên, tại Điểm e Khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 của Quốc hội quy định về thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bao gồm: “… Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu, Đội trưởng Hải đội Kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan”.
Vì vậy, để thống nhất giữa Luật Hải quan và Luật xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật cần bổ sung chức danh “Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan” vào Khoản 1 Điều 90 dự thảo Luật Hải quan sửa đổi.

Làm rõ hơn về địa bàn Hải quan
Góp ý cho quy định về địa bàn hoạt động hải quan, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật quy định: “Khu vực, địa điểm khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Đoàn ĐBQH tỉnh này băn khoăn, “Khu vực, địa điểm khác” được hiểu như thế nào?
Đồng thời tại Khoản 3 Điều 7 quy định: “Chính phủ quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động hải quan”. Theo đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, có sự phân cấp giữa Điểm b Khoản 1 Điều 7 và Khoản 3 Điều 7 trong dự thảo Luật về phân cấp giữa “Thủ tướng Chính phủ” và “Chính phủ”.
Xem xét lại nhiệm vụ và quyền hạn CBCC Hải quan
Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức Hải quan, ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng cần viết lại Khoản 3 Điều 18 thành: “Xác nhận bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử khi yêu cầu người khai hải quan xuất trình, bổ sung hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ, chứng từ theo quy định của pháp luật về hải quan”. Bởi hiện nay ngành Hải quan đang thực hiện thủ tục hải quan điện tử, vì vậy, trường hợp người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì công chức Hải quan có thể xác nhận bằng văn bản điện tử (thư điện tử) khi yêu cầu người khai hải quan xuất trình các giấy tờ ngoài hồ sơ, chứng từ theo quy định.
Bên cạnh đó, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị bỏ Điều 18 quy định nhiệm vụ và quyền hạn công chức Hải quan vì tại Khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật cũng đã quy định Chính phủ sẽ quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của Hải quan các cấp… Vì vậy, quy định tại Điều 18 về nhiệm vụ, quyền hạn công chức Hải quan là thừa.
Cùng góp ý cho nội dung này, ý kiến của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, trong ngành Hải quan có cả công chức và viên chức Hải quan, tuy nhiên tại Điều 13 quy định về hệ thống tổ chức Hải quan chỉ quy định đối với công chức Hải quan. Vậy viên chức Hải quan sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Hải quan sửa đổi ra sao? Vì vậy, cần bổ sung quy định về viên chức Hải quan vào trong Luật.
Bên cạnh những nội dung góp ý trên, đoàn ĐBQH các địa phương còn góp ý về quy định quản lý rủi ro (Điều 16), kiểm tra sau thông quan (Điều 76)… Một số đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng và ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhất trí cao với những nội dung quy định tại dự thảo Luật.

Theo Báo Hải Quan

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không