Những khó khăn kéo dài của nền kinh tế, cùng với nhu cầu vận tải đường biển giảm sút trong khi chi phí tăng cao đã khiến các DN vận tải biển rơi vào tình cảnh thu không đủ bù chi.
Tàu VINASHIP PEARL của Công ty cổ phần vận tải biển VINASHIP bốc hàng tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: ST
Hiện đã có tới 3 cổ phiếu vận tải biển niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (VOS, VST và VNA) cùng ở trong tình trạng bị kiểm soát do có kết quả kinh doanh thua lỗ trong 2 năm liên tiếp.
Điệp khúc chi phí cao, giá cước thấp
Báo cáo thường niên của Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cho biết, năm 2013 công ty kinh doanh trong điều kiện còn khó khăn hơn cả 2012 và những năm trước đó. Cụ thể, tất cả các tuyến đều thua lỗ, chi phí ngày tàu 7.000-11.000 USD trong khi thu về chỉ được 3.000-5000 USD. Hàng loạt các biện pháp đối phó đã được thực hiện nhằm tăng thu, tiết kiệm tối đa chi phí, bán tàu để trả nợ và có vốn duy trì sản xuất … Tuy nhiên, do chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường vận tải biển thế giới, đồng thời không được hưởng chính sách giảm khấu hao như năm 2012 nên kết quả kinh doanh của công ty năm 2013 vẫn lỗ. Theo đó, năm 2013, VST đạt 1.354 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế âm 223 tỷ đồng.
Công ty CP Vận tải Vinaship (VNA) cũng cho hay, trong năm 2013, tại thị trường khai thác truyền thống của VNA là Đông Nam Á, mặt hàng gạo xuất khẩu từ Việt Nam đi một số thị trường như Philippines, Malaysia, Indonesia hầu như rất nhỏ. Bên cạnh đó, hiện VNA đang có 3 trên tổng số 13 chiếc tàu đã trên 25 tuổi. Thực trạng đội tàu già và trọng tải nhỏ làm phát sinh các chi phí sửa chữa, khai thác, bảo hiểm, chi phí quản lý… và hạn chế khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, tàu khai thác định hạn ở những tuyến xa, khả năng cung ứng vật tư trang thiết bị, sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì trạng thái tàu, ngăn ngừa đề phòng sự cố còn nhiều bất cập dẫn đến việc phát sinh hư hỏng, sự cố kỹ thuật, giảm tốc độ làm ảnh hưởng đến ngày tàu tốt, phát sinh khấu trừ offline từ người thuê định hạn.
Do kết quả kinh doanh lỗ trong các năm trở lại đây dẫn đến nguồn vốn bị giảm, VNA đã phải khắc phục bằng cách huy động vốn vay ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và từ cán bộ, nhân viên trong công ty để bổ sung nguồn vốn lưu động bị thiếu hụt. Việc vay ngắn hạn vốn lưu động khiến chi phí tài chính của Công ty tăng cao. Bởi các lẽ trên, năm 2013 công ty chỉ thu về 681 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế tiếp tục âm năm thứ 2 liên tiếp với mức âm 108 tỷ đồng.
Đồng cảnh ngộ với VST và VNA, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS) cũng lỗ 187 tỷ đồng trong năm 2013. Theo VOS, chi phí tài chính của công ty liên tục tăng qua các năm tăng, đạt 194 tỷ đồng trong năm 2012 và 234 tỷ đồng trong năm 2013. Trong đó chi phí lãi vay dài hạn ngân hàng tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho công ty (năm 2012 là 152 tỷ đồng, năm 2013 là 164 tỷ đồng). Chi phí lãi vay dài hạn của VOS trong năm 2013 tăng cao hơn năm 2012 là do năm 2012 công ty có 1 tàu hàng khô đóng mới trong nước Vosco Sunrise vẫn đang trong giai đoạn thi công nên chi phí vay dài hạn không đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh. Cụ thể, từ khi nhận bàn giao tàu vào ngày 15-5-2013 đến ngày 31-12-2013, chi phí lãi vay VOS phải trả cho tàu này là 34,27 tỷ đồng.
Giải pháp bán tàu, giảm lương
Theo dự báo của các công ty vận tải biển, năm 2014, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với 2013. Nhờ đó nhu cầu vận chuyển năm 2014 dự kiến tăng khoảng 6%. Tuy nhiên, do tình trạng mất cân bằng cung cầu còn khá lớn từ việc đầu tư ồ ạt những năm qua mà thị trường cước 2014 dự báo vẫn còn ở mức thấp và chưa thể hồi phục thật sự, nhất là những tháng đầu năm. Cùng với đó, tình trạng chờ cầu, chờ hàng vẫn còn tiếp diễn nên việc kinh doanh vận tải biển dự báo tiếp tục khó khăn. Hơn nữa, cạnh tranh giữa các chủ tàu sẽ càng gay gắt khi ngày càng nhiều tàu đóng mới hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường được đưa vào khai thác.
Trước tình hình đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 của VST đã thông qua kế hoạch lỗ cho năm 2014, số lỗ dự kiến sẽ là 179 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch bán 2 chiếc tàu Viễn Đông 3 và VTC Sky. Theo VST, việc bán tàu giúp công ty thu được 1 phần lợi nhuận khác và cắt lỗ nhằm cải thiện kết quả kinh doanh (năm 2014 dự kiến Viễn Đông 3 lỗ 7,8 tỷ và VTC Sky lỗ 9,5 tỷ đồng). Điều này cũng giúp công ty cải thiện tình hình tài chính, giảm nợ và lãi vay, có nguồn bổ sung vốn lưu động để duy trì hoạt động đội tàu an toàn. Đối với VNA, dự kiến doanh thu năm 2014 là 725 tỷ đồng, công ty chưa đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể cho năm 2014. VNA cũng cho hay, nếu thị trường có chuyển biến thuận lợi công ty sẽ bán 1 đến 2 tàu cũ không hiệu quả.
Tại VOS, năm 2013, ban lãnh đạo công ty đã thực hiện việc điều chỉnh giảm lương của cả khối phòng ban quản lý và thuyền viên đang làm việc trên các tàu với mức giảm từ 5 – 10% nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính của công ty. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, VOS sẽ thực hiện một số biện pháp để đảm bảo mục tiêu tối thiểu phải cân bằng được thu chi trong năm 2014. Một trong các biện pháp được thực hiện là thanh lý thêm 1 đến 2 tàu đã hết thời gian khấu hao, thực hiện bán một số bất động sản sử dụng không hiệu quả tại một số chi nhánh vào thời điểm thích hợp để góp phần cải thiện kết quả kinh doanh, quyết tâm cân bằng thu chi và tiến tới có lãi trong năm 2014 và 2015.
Theo Báo Hải Quan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông