Nếu bạn cũng như đa số, có lẽ bạn cũng sẽ cho rằng vấn đề gây đau đầu nhất khi đi làm chẳng phải nghiệp vụ khó, khách hàng phàn nàn, sếp phát xít…hay chi chi cả, mà chính là chuyện giữa các đồng nghiệp với nhau. Công sở là nơi chiến tranh lạnh diễn ra hàng ngày.
ảnh minh họa
Đơn giản là vì chúng ta được trường lớp đào tạo rất nhiều thứ nhưng lại bỏ sót một điều vô cùng quan trọng: giao tiếp và xây dựng quan hệ. Chung sống hòa bình với nhau trong một tập thể đã chẳng dễ, khiến đồng nghiệp nể mình thay vì đố kị hay coi thường lại còn khó hơn. Để có được cảm tình từ đồng nghiệp (hoặc ít nhất không bị ghét), bạn cần lưu ý một vài nguyên tắc sau đây:
1. Làm nhiều hơn nói:
“Nói chín thì nên làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê!” Thiên hạ vốn đã không mấy cảm tình với những kẻ hay “nổ”, ở văn hóa Á Đông, nơi sự khiêm tốn được coi trọng thì điều này càng gay gắt hơn. Đôi khi thực tế bạn cũng chả muốn “quăng bom” làm gì, chỉ là tiện miệng nói hoặc muốn chia sẻ với đồng nghiệp những dự định của mình. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng thông điệp bạn muốn truyền tải thế này nhưng người nghe lại có thể suy diễn theo hướng hoàn toàn khác.
2. Đừng quá chú ý đến chuyện của người khác:
Thực tế là vào giờ nghỉ trưa dân văn phòng hay hình thành các “xóm nhà lá” để buôn đủ chuyện trên trời dưới bể, và trong số các đề tài đó, tất nhiên chẳng tránh khỏi những chủ đề mang tính soi mói, tọc mạch chuyện riêng của người khác. Những đề tài dạng đó bạn nên tránh xa , vì tham gia nhiều sẽ khiến bạn dần trở thành kẻ hay soi mói người khác. Chuyện thị phi trong công sở bắt nguồn từ trò soi mói lẫn nhau không phải ít, và kẻ hay săm soi sẽ khó mà được lòng thiên hạ. Vì vậy, trong công sở, bạn đừng nên quá chú ý, tò mò về chuyện của người khác, nếu bạn đã lỡ có thói quen này, hãy tập bỏ dần nó trước khi rắc rối xảy đến với bạn nhé.
3.Sòng phẳng và biết cân nhắc lợi ích của người khác:
Trong công sở không khó để tìm ra một người ích kỉ chỉ biết chăm chăm lợi ích bản thân, đùn đẩy công việc cho kẻ khác, nhất là đàn em. Uy tín của những người này thường không cao và các đồng nghiệp lâu năm ai cũng phải dè chừng. Biết quan tâm đến lợi ích của người khác trong mỗi việc làm sẽ tạo dựng cho bạn một uy tín lớn trong mắt của đồng nghiệp. Tuy nhiên mọi chuyện chỉ nên dừng lại ở mức độ song phẳng hoặc tình cảm với nhau một chút. Vì nếu tỏ ra quá tử tế ngay từ đầu, người khác có thể không cảm kích mà ngược lại còn xem thường và tìm cách lợi dụng lòng tốt của bạn.
Thành công của một người chỉ phụ thuộc 25% vào kiến thức chuyên môn và 75% còn lại vào kĩ năng mềm, mà một trong những kĩ năng mềm quan trọng nhất là giao tiếp và ứng xử. Vì vậy nếu bạn chưa đầu tư đúng mức vào việc hoàn thiện kĩ năng này, không có thời điểm nào thích hợp hơn ngay bây giờ để bạn bắt đầu điều chỉnh đâu!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông