Để giải quyết vướng mắc của nhiều DN cũng như các đơn vị Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan giải đáp một số vướng mắc về hóa đơn chứng từ và hình thức thanh toán.
Công chức Cục Hải quan Lạng Sơn hướng dẫn DN mở tờ khai. Ảnh: H.NỤ
Quy định về hóa đơn chứng từ
Công ty TNHH Daiwa Plastios Thăng Long phản ánh, theo Khoản 5, Điều 11 Thông tư 128/2013/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 128) quy định: Hàng hóa NK thuộc nhiều loại hình, có chung vận đơn, hóa đơn thương mại, khai trên nhiều tờ khai theo từng loại hình hàng hóa NK thì các chứng từ bản chính được lưu kèm một số tờ khai hải quan, các chứng từ kèm tờ khai hải quan khác sử dụng bản chụp và ghi rõ trên chứng từ “bản chính được lưu kèm tờ khai hải quan số….., ngày….”. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 12 lại quy định: Khi làm thủ tục hải quan NK, các chứng từ bao gồm Hợp đồng, Hóa đơn thương mại, Bảng kê chi tiết hàng hóa và vận đơn nộp cho cơ quan Hải quan đều là bản chụp. Với quy định như vậy, DN đang lúng túng nếu các chứng từ trên chấp nhận bản chụp khi làm thủ tục hải quan NK thì DN NK có yêu cầu người bán gửi Hợp đồng, Hóa đơn thương mại, Bảng kê chi tiết hàng hóa gốc để lưu tại DN không, bởi thực tế, người bán hàng không muốn gửi chứng từ gốc vì muốn tiết kiệm chi phí gửi chứng từ về Việt Nam.
Trả lời về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, Khoản 5, Điều 11 Thông tư số 128 hướng dẫn, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa NK tại các tờ khai này thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 128 hoặc theo quy định phù hợp với loại hình hàng hóa NK. Trường hợp hồ sơ hải quan quy định phải nộp chứng từ bản chính thì bản chính chỉ được lưu kèm 1 tờ khai (do chỉ có 1 bản chính), các tờ khai khác lưu bản chụp và ghi rõ bản chính được lưu tại tờ khai.
Công ty TNHH Sung Bu Vina và một số DN khác cho biết, tại Điều 3, Thông tư 64/2013/TT-BTC, hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân khai, tính thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau: Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như XK. Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 128 thì trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất NK tại chỗ về hóa đơn thì DN sử dụng hóa đơn XK. Vì vậy, DN thắc mắc, DN nằm ở khu chế xuất và có hoạt động XK tại chỗ, DN nên sử dụng loại hóa đơn nào?
Theo Tổng cục Hải quan, ngày 22-11-2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 16239/BTC-TCHQ về việc sử dụng hóa đơn đối với hình thức xuất NK tại chỗ hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Theo đó, trường hợp DN nội địa bán hàng vào khu phi thuế quan thì sử dụng hóa đơn GTGT (liên giao khách hàng) do DN XK lập thay cho hóa đơn XK khi làm thủ tục hải quan. Tổng cục Hải quan đề nghị các DN căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 16239/BTC-TCHQ để thực hiện.
Vướng hình thức thanh toán
Công ty Xăng dầu Khu vực 3 – TP. Hải Phòng cho biết, DN có ký hợp đồng với công ty vận tải biển Việt Nam có tàu chạy chuyến quốc tế. Theo thủ tục tạm nhập tái xuất thì hóa đơn là tái xuất bằng USD và thanh toán bằng VND. Tuy nhiên, cơ quan Thuế xuất hóa đơn bằng VND và thanh toán bằng VND, trong khi đó, cơ quan Hải quan lại yêu cầu xuất bằng USD. DN đang lúng túng bởi hình thức thanh toán nào là đúng, nếu không thông qua được thì DN phải làm thủ tục gì?
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho rằng, tại Điểm 3, Phụ lục I Chứng từ thanh toán qua ngân hàng ban hành kèm theo Thông tư số 128 quy định: “Đồng tiền thanh toán đối với xăng dầu XK và tạm nhập tái xuất phải là ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, trừ trường hợp thương nhân Việt Nam bán xăng dầu cho thương nhân thuộc các khu vực hải quan riêng nằm trên lãnh thổ Việt Nam như KCX, DN CX, khu bảo thuế, KTM – CN và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu vực này với nội địa là quan hệ XK, NK và các hãng hàng không Việt Nam có máy bay bay tuyến quốc tế, thương nhân Việt Nam có tàu biển chạy tuyến quốc tế được thực hiện thanh toán bằng đồng Việt Nam”.
Do đó, việc Công ty Xăng dầu Khu vực 3 – TP.Hải Phòng cung ứng (tái xuất) xăng dầu từ nguồn tạm nhập cho tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh thanh toán bằng đồng Việt Nam là phù hợp với quy định nêu trên.
Tại Điểm a, Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 9-10-2013 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ hải quan đối với tái xuất xăng dầu không yêu cầu thương nhân phải nộp hóa đơn bán hàng. Tổng công ty dầu Việt Nam đang lúng túng bởi thời điểm chốt giá chính thức (của mặt hàng dầu thô) xác định như thế nào? Đồng thời, theo DN, hiện nay, đồng tiền nộp thuế XK dầu thô bằng USD. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tỷ giá hạch toán giữa Kho bạc và Hải quan do Hải quan không có tài khoản tiền USD tại Kho bạc. Kho bạc Nhà nước phải quy đổi số tiền USD mà DN đã nộp sang VND theo tỷ giá công bố của Nhà nước áp dụng cho hệ thống Kho bạc. Điều này dẫn đến chênh lệch tỷ giá quy đổi giữa số thuế XK tạm tính giữa tỷ giá ngày mở tờ khai hải quan/ngày nộp thuế và tỷ giá vào ngày xác định số thuế thực nộp.
Về việc xác định thời điểm chốt giá chính thức của mặt hàng dầu thô, Tổng cục Hải quan đề nghị DN nghiên cứu quy định tại Khoản 2 Điều 11 và Điều 25 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15-12-2010 của Bộ Tài chính (gọi tắt là Thông tư 205) để thực hiện. Theo đó, đối với hàng hoá XK chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai, thời điểm chốt giá tối đa là 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan hàng hoá XK. Trường hợp thời điểm chốt giá vượt quá 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, cơ quan Hải quan có thẩm quyền quyết định việc chấp nhận thời điểm chốt giá ghi trên hợp đồng. Thời điểm chốt giá được chấp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư 205.
Đối với hàng NK, trường hợp người khai hải quan chưa có đủ thông tin cần thiết để xác định trị giá tính thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan trì hoãn xác định trị giá tính thuế hoặc trường hợp phải thực hiện việc tham vấn theo quy định, cơ quan Hải quan trì hoãn xác định trị giá tính thuế, thời gian trì hoãn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai. Thủ tục trì hoãn thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Thông tư 205.
Về việc chênh lệch tỷ giá hạch toán giữa Kho bạc và cơ quan Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Trường hợp người nộp thuế được tạm nộp bằng ngoại tệ khi chưa có giá chính thức trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng theo quy định thì tỷ giá quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam đối với số thuế phải thu (TK 314) là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế. Tỷ giá hạch toán thu NSNN: Thực hiện theo tỷ giá do Kho bạc Nhà nước cung cấp cùng với thông tin trên giấy nộp tiền ngoại tệ vào NSNN.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông