Kiến thức Tài chính kế toán Sắp được hưởng nhiều cơ chế đặc thù, Quảng Ninh sẽ “cất...

Sắp được hưởng nhiều cơ chế đặc thù, Quảng Ninh sẽ “cất cánh”?

28
Cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với Quảng Ninh được cho là sẽ thuận lợi không kém cơ chế, chính sách hiện hành đang áp dụng đối với một số địa phương và khu kinh tế trên địa bàn cả nước.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Quảng Ninh sẽ được thí điểm mô hình đặc khu kinh tế tại Vân Đồn. (Ảnh một góc Vân Đồn, nguồn: Internet).

Được thí điểm thành lập Công ty đầu tư tài chính Nhà nước
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh.
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mục tiêu của việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Quảng Ninh là nhằm khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh, tạo động lực để Quảng Ninh phát triển tương xứng với vị trí vai trò của một trong những đầu tàu kinh tế ở miền Bắc và cả nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lí và môi trường thuận lợi nhằm nâng cao sức hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của Quảng Ninh.
Với mục tiêu đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với Quảng Ninh phải đảm bảo thuận lợi không kém cơ chế, chính sách hiện hành đang áp dụng đối với một số địa phương và khu kinh tế trên địa bàn cả nước. Đồng thời có tính đến mức độ đặc thù khác nhằm đảm bảo cạnh tranh quốc tế của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Tại Tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết: Dự thảo Quyết định cho phép UBND tỉnh Quảng Ninh được thí điểm thành lập Công ty đầu tư tài chính nhà nước để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật đô thị và các lĩnh vực kinh tế-xã hội quan trọng.
Đây là mô hình đã được áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC, Nhà nước sở hữu 100% vốn, vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với mục đích huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên đầu tư…
Dự thảo Quyết định cũng cho phép Quảng Ninh ưu tiên thu hút, vận động các nguồn vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kĩ thuật-xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cần thiết như Dự án bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long, Phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn II, Hạ tầng công nghệ thông tin Vân Đồn.
Dự thảo cũng nhất trí thực hiện một số dự án như Sân bay quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái; Bệnh viện quốc tế tại Vân Đồn… theo hình thức công-tư (PPP).
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ động lựa chọn các dự án phù hợp với tiêu chí đầu tư PPP để xây dựng danh mục dự án PPP đồng thời ưu tiên bố trí các nguồn vốn thuộc thẩm quyền của mình cho phần vốn góp của Nhà nước đối với các dự án PPP cũng như cam kết về mặt bằng cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương từ nguồn đối ứng PPP đối với các dự án được lựa chọn…
Khu kinh tế Vân Đồn sẽ được nhiều ưu tiên
Để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật ở khu kinh tế Vân Đồn, tạo động lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí với đề xuất của Quảng Ninh và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho khu kinh tế Vân Đồn trong giai đoạn 2013-2015.
Đồng thời, dự thảo Quyết định cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu kinh tế Vân Đồn tương tự các cơ chế, chính sách đã áp dụng đối với khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cụ thể, ngoài những cơ chế, chính sách hiện hành đang được áp dụng tại khu kinh tế Vân Đồn, các dự án lớn, trọng điểm ở khu kinh tế này được huy động nguồn vốn ODA để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trong khu kinh tế Vân Đồn. Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không quá 50% vốn đối ứng cho một dự án ODA của Trung ương đầu tư trên địa bàn nhưng địa phương cam kết bố trí vốn đối ứng. Thực tế theo quy định, ngân sách Trung ương không hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các dự án ODA của các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh lại là tỉnh điều tiết ngân sách về Trung ương. Do đó không thuộc diện hỗ trợ vốn đối ứng.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư giải trình rằng: Vân Đồn là 1 trong 3 địa bàn (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Đặc khu kinh tế. Để kêu gọi được các nhà đầu tư và các nhà tài trợ lớn vào đầu tư, xây dựng, đón đầu việc hình thành Đặc khu, cần có sự quan tâm đặc biệt hơn cho khu kinh tế Vân Đồn.
Do vậy, tại dự thảo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế trên.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không