Kiến thức Tài chính kế toán Nợ xấu tăng trở lại, VAMC mua nợ khiêm tốn

Nợ xấu tăng trở lại, VAMC mua nợ khiêm tốn

45
Nợ xấu tăng trở lại, ở mức 4,01% vào cuối tháng 4, trong khi đó VAMC chỉ mua 3.929 tỷ đồng nợ xấu trong quý I-2014 so với mức 10.000 tỷ đồng dự kiến.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Tiền trong ngân hàng vẫn khó ra được nền kinh tế. Ảnh: Internet

Nợ xấu tăng
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng 2013 và 5 tháng năm 2014, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết: Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tại thời điểm tháng 4-2014 là 4,01%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp tỷ lệ nợ xấu tăng, từ các mức 3,61% cuối năm 2013 và 3,73% và 3,86% của tháng 1 và tháng 2-2014.
Nguyên nhân là do Công ty Quản lí tài sản Việt Nam (VAMC) chỉ mua số lượng nợ xấu ở mức khiêm tốn 3.929 tỷ đồng trong quý I-2014 so với con số dự kiến 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, diễn biến này phần nhiều mang tính chất kỹ thuật do các ngân hàng thường tăng chi phí trích lập dự phòng để giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý vào các thời điểm chốt báo cáo tài chính quan trọng (tháng 6 và tháng 12). Tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ hồi phục ở mức vừa phải.
“Chúng tôi lưu ý con số nợ xấu kể trên chỉ mới dựa vào báo cáo của các ngân hàng thương mại lên Ngân hàng Nhà nước, còn tỷ lệ nợ xấu theo công bố của thanh tra Ngân hàng Nhà nước (bao gồm số nợ được tái cơ cấu theo Quyết định 780) vào thời điểm tháng 2-2014 là 9,71%, cũng trong đà tăng nếu so với mức 9% tại thời điểm 31-12-2013” – các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định.
Như vậy, nợ xấu tiếp tục là một vấn đề cần tập trung giải quyết của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Ngoài ra, từ ngày 1-6-2014, Thông tư 09 về phân loại nợ sẽ bắt đầu được áp dụng có thể làm tăng con số nợ xấu báo cáo của các ngân hàng thương mại, tuy nhiên mức độ tác động cụ thể sẽ cần phải chờ đến kì báo cáo tài chính quý II-2014 để có thể đánh giá rõ ràng.
Tại hội thảo “Ổn định tài chính: Nhận dạng rủi ro hệ thống và tăng cường chính sách cẩn trọng vĩ mô” do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức hôm 12-6, ông Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết: Cách đây 10 năm nợ xấu được công bố chính thức là 21.000 tỉ đồng, bằng 1,5 tỉ USD Mỹ lúc đó, chiếm 7% tổng dư nợ. Thế nhưng chỉ có 3.100 tỉ đồng nợ xấu là được xử lý thật sự, và số còn lại không được xử lý gì cả, được khoanh lại.
“Chúng ta thấy câu chuyện xử lý nợ xấu tương tự như 10 năm trước đang xảy ra, chúng ta khoanh tất cả các khoản nợ xấu lại một góc, bảo để đó và hy vọng sau 5 năm nữa tốc tộ tăng trưởng tín dụng sẽ giúp hóa bùn, giống như sự kỳ diệu 10 năm trước đây. Có nghĩa là không phải xử lý gì cả” – ông Huỳnh Thế Du chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh: Bối cảnh bây giờ khác hắn 10 năm trước. Trước đây dư nợ chỉ khoảng 40% GDP. Nay dư nợ đã lên 100% GDP rồi, để nó tăng lên tốc độ cao trong thời gian tới là không thể. Có nghĩa là nếu ta áp dụng triết lý xử lý cũ là không phù hợp cho hoàn cảnh hiện nay.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn có thể đạt được
Trong 5 tháng của năm 2014, Ngân hàng Nhà nước thêm một lần nữa điều chỉnh trần lãi suất huy động xuống 6%/năm khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt với CPI tiếp tục xu hướng giảm. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng chậm, chỉ đạt 1,31% tính đến 23-5-2014 do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và tình hình tài chính chưa có nhiều cải thiện của các doanh nghiệp.
Tín dụng tăng trưởng thấp hơn kì vọng trong 5 tháng của năm 2014 dù cho một số động thái cắt giảm lãi suất đã được tiến hành. VCBS hy vọng hoạt động cho vay sẽ được cải thiện từ cuối quý II và các tháng tiếp theo khi hoạt động sản xuất đi vào mùa cao điểm và một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm được đẩy mạnh triển khai.
“Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 12-14% tín dụng cho cả năm 2014 vẫn có cơ sở thực hiện” – VCBS dự báo.
Ngoài ra, sau khi hiện thực hóa một phần lợi nhuận trong quý IV-2013, các ngân hàng tiếp tục mở rộng danh mục trái phiếu trong quý I-2014.
“Chúng tôi cũng dự báo các NH vẫn sẽ tiếp tục đầu tư trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản dồi dào” – VCBS nhận định.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng hoạt động đầu tư sẽ bớt sôi động. Một là lợi suất trái phiếu dường như đã chạm đáy, khả năng ít biến động trong quý II. Hai là các ngân hàng đã đầu tư tương đối nhiều vào giấy tờ có giá trong quý I, do đó việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ sẽ khó xảy ra, chưa kể đến việc các ngân hàng bắt đầu chuẩn bị dần cho hoạt động tín dụng ấm dần lên từ cuối quý II.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không