Phóng viên đã “mục sở thị” các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng trên địa bàn Lào Cai để phản ánh tình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại đây.
Sản xuất đồng katốt tại Nhà máy Luyện đồng Lào Cai. Nguồn internet.
Có mặt tại Nhà máy Gang thép Việt – Trung của Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung Lào Cai những ngày này, tại các phân xưởng là hình ảnh hàng trăm lao động đang hăng say sản xuất cho ra những mẻ gang đầu tiên đánh dấu sự chuyển mình đi lên trong sản xuất công nghiệp nơi rẻo cao vốn còn nhiều gian khó này. Theo ghi nhận của phóng viên tại dây chuyền sản suất gang, công nhân người Việt Nam và các lao động, chuyên gia Trung Quốc đang cùng điều khiển các thông số kỹ thuật lò luyện gang lớn để chuyển sang các nồi gang đúc sẵn.
Trao đổi với phóng viên, ông Vương Húc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Nhà máy Gang thép Việt – Trung khẳng định, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy vẫn diễn ra ổn định và thuận lợi. Cũng theo ông Vương Húc, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan cũng hết sức quan tâm và tạo rất nhiều thuận lợi để các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như các lao động kinh doanh tại đây. Mới đây, ngày 26-5, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có mặt từ rất sớm tại nhà máy để chứng kiến những thỏi gang đầu tiên được ra lò, và động viên thăm hỏi các lao động hai bên đang làm việc tại đây.
Gạt trên trán những giọt mồ hôi đen sẫm vì khói bụi, anh Đỗ Xuân Thành, Phó Giám đốc nhà máy gang thép Việt – Trung Lào Cai chia sẻ, cho đến ngày 11-6 có đến hơn 200 lao động và chuyên gia Trung Quốc đang tham gia vào quá trình đầu tư và sản xuất tại nhà máy. Số lao động nước ngoài tại đây được cán bộ, công nhân viên hết sức quan tâm và giúp đỡ. Bất chấp những căng thẳng giữa hai nước, người lao động hai bên tại nhà máy vẫn duy trì mối quan hệ tốt, cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất.
Không riêng chỉ Nhà máy Gang thép Việt – Trung, đứng trên điểm cao bên tỉnh lộ 151 thuộc địa phận giáp ranh thị trấn Tằng Loỏng và xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) nhìn xuống, Khu công nghiệp Tằng Loỏng trở nên lung linh như trung tâm thành phố trong ngày hội. Khu vực sáng nhất vẫn là mặt bằng xây dựng Nhà máy Phân bón DAP số 2, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với hàng trăm ánh đèn, dù đứng khá xa vẫn thấy rõ hình ảnh những thiết bị, và công nhân đang miệt mài với công việc.
Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có tổng mức đầu tư tới 265,2 triệu USD, tương đương với 5.170 tỷ đồng, thuộc hàng công trình trọng điểm của quốc gia. Theo thiết kế, Dự án hoàn thành sẽ sản xuất được 330 nghìn tấn phân bón DAP mỗi năm, tính theo thời giá hiện tại thì doanh thu mang lại khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng/năm. Nhưng ít ai biết rằng trong số hàng trăm lao động đang thi công tại đây có tới 164 lao động và chuyên gia nước ngoài đủ các quốc tịch như: Anh, Malaysia, Philipinnes, Đức, Ấn Độ, Thái Lan… đang cùng các người bạn Việt Nam xây dựng lên một công trình khát vọng làm giàu của người dân vùng cao Lào Cai.
Theo báo cáo mới nhất ngày 11-6 của Văn phòng thường trực Ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại khu công nghiệp là 422 người, trong đó đa phần lao động và chuyên gia có quốc tịch Trung Quốc. Trong suốt những ngày qua tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn ra bình thường và không có vụ việc phức tạp nảy sinh. Các doanh nghiệp và người lao động nước ngoài vẫn yên tâm ổn định phát triển sản xuất, hầu hết các hạng mục đầu tư và sản lượng sản suất của các doanh nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng tốt.
Ông Ronan Biachi, Giám đốc khách sạn Victoria Sa Pa, một trong những nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh khách sạn 5 sao cao cấp tại Sa Pa (Lào Cai) chia sẻ, ông rất hài lòng về sự hỗ trợ nhiệt tình của tỉnh Lào Cai để doanh nghiệp có thể kinh doanh thuận lợi trên địa bàn. Chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài như miễn, giảm thuế và áp dụng thuế suất ưu đãi…chính vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Lào Cai.
Hiện Lào Cai có 30 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký là 504,5 triệu USD đang được triển khai thuận lợi và hiệu quả.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông