Từ ngày 2/5/2014 đến nay, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương – 981 (gọi tắt là HD-981), cùng với sự hỗ trợ của hơn một trăm tàu và máy bay, trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay chiến đấu, tới hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu hơn 80 hải lý trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc đã có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Nguồn: internet
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc (CNOOC) dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp này và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, phản đối hành động ngang ngược này của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực, cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình”. Đồng thời, Việt Nam thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 ở Mianma ngày 12/5/2014, Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hành động của Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã “rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.1
Thủ tướng nước ta cho biết, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Như vậy, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đầy đủ bản chất hành động của Trung Quốc. Quan sát phản ứng của quốc tế những ngày gần đây cho thấy, không chỉ Việt Nam mà chính khách và chuyên gia nhiều nước trên thế giới đều khẳng định hành động vừa qua của Trung Quốc trên Biển Đông là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam vì giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đặt tại vị trí có toạ độ 15’29 độ vĩ bắc, 111’12 độ kinh đông, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Theo UNCLOS, vị trí đặt giàn khoan HD-981 của Trung Quốc nằm lọt hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Điều 76, khoản 1 của UNCLOS đưa ra định nghĩa: “Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý”. Theo Điều 55 và Điều 57 của UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, đặt dưới một chế độ pháp lý riêng được UNCLOS điều chỉnh. Trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, quốc gia sở hữu vùng này có quyền thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió; quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
Như vậy, theo UNCLOS, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng đối với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, việc Trung Quốc cho cả các tàu quân sự đi kèm giàn khoan và sử dụng vũ khí lạnh (vòi rồng nước) tấn công tàu dân sự làm nhiệm vụ của Việt Nam đã là hành động xâm lược. Trong trường hợp đó, theo Hiến chương Liên hợp quốc, Việt Nam hoàn toàn có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ. Tuy nhiên, do chủ trương của Nhà nước Việt Nam là giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp đàm phán ngoại giao hòa bình nên đã tự kiềm chế và chưa sử dụng tới quyền tự vệ chính đáng của mình. Nhưng mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, với việc khẳng định hành động của Trung Quốc vừa qua là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC, coi đây là một trong những cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Nhìn từ góc độ pháp lý, Trung Quốc và ASEAN đã từng ký Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) ngày 4/11/2002. Trong Tuyên bố này, Trung Quốc và các nước ASEAN tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác khu vực Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước. Tuy nhiên, từ năm 2002 tới nay, Trung Quốc liên tục vi phạm DOC. Do đó, các nước ASEAN đề xuất xây dựng một văn kiện khác có giá trị pháp lý cao hơn, dựa trên cơ sở DOC. Đó là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý để ngăn chặn các hành vi sai trái của Trung Quốc. Đến nay, phía Trung Quốc luôn viện hết cớ này đến cớ khác để trì hoãn quá trình đàm phán với ASEAN về COC nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Do đó, ngay cả khi COC được ASEAN và Trung Quốc ký kết thì văn kiện này vẫn chưa phải là cơ sở pháp lý đủ sức hạn chế các hành động sai trái của Trung Quốc bởi cả DOC và COC đều dựa trên cùng một cơ sở pháp lý rất quan trọng là UNCLOS. Một khi Trung Quốc đã phớt lờ cả UNCLOS trong vụ hạ đặt giàn khoan HD-981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì việc họ vi phạm COC trong tương lai là điều có thể dự báo trước bởi ngày nay Trung Quốc bắt đầu ứng xử theo lối “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” trong quan hệ quốc tế.
Nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định, việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ nhằm mục đích kinh tế – thương mại là khai thác dầu khí mà còn nhằm nhiều mục đích khác. Một là, khẳng định chủ trương thay đổi hiện trạng để thực hiện tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Hai là, thử thách phản ứng của các nước lớn, trước hết là Mỹ, sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng là thử thách hiệu lực của chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Ba là, thử thách sự đoàn kết thống nhất của các nước ASEAN trong bối cảnh ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm 2014 tại Mianma và cũng là thử thách đối với quá trình xây dựng COC. Bốn là, thử thách độ bền vững của Nhóm BRICS, gồm Braxin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Năm là, thể hiện quyết tâm không nhân nhượng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển với Nhật Bản ở Điếu Ngư/Senkakư. Sáu là, cố tình gây hấn bằng tàu quân sự, buộc Việt Nam phải “mắc bẫy” khi áp dụng biện pháp đáp trả bằng quân sự, từ đó Trung Quốc sẽ làm to chuyện, vu khống “Việt Nam tấn công tàu quân sự của Trung Quốc”, thậm chí họ sẽ hô hoán lên rằng “Việt Nam xâm lược Trung Quốc” và đẩy cuộc xung đột lan rộng, mượn cớ đó xâm chiếm các vùng khác trên Biển Đông. Bảy là, đẩy tình hình bất ổn chính trị – xã hội bên trong Trung Quốc ra bên ngoài, hay còn gọi là “đẩy lửa ra bên ngoài” (hiện nay, tình hình nội chính của Trung Quốc bất ổn đến mức báo động).
Để đạt mục đích này, Trung Quốc đã chọn thời điểm khá thích hợp: Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm 4 nước châu Á, trong đó cam kết bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp ở Điếu Ngư/Senkakư và tăng cường hợp tác quân sự với Philippines; ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm 2014 ở Mianma; quan hệ Nga – Trung đang ở đỉnh cao nồng ấm và Nga cùng với Trung Quốc chuẩn bị diễn tập hải quân chung trên biển Hoa Đông.
Vì theo đuổi nhiều mục tiêu đầy tham vọng như đã nói ở trên, Trung Quốc sẽ không dừng hành động của họ ở việc hạ đặt giàn khoan HD-981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu Việt Nam và cộng đồng quốc tế không kiên quyết ngăn chặn hành động ngang ngược này của Trung Quốc, thì tình hình sẽ diễn biến theo hướng nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh hàng hải quốc tế nói riêng và an ninh quốc tế nói chung bởi Biển Đông là nơi hội tụ lợi ích kinh tế, chính trị, quân sự của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2014 vừa kết thúc ở Xingapo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tuyên bố rằng Mỹ kiên quyết phản đối việc bất cứ quốc gia nào hăm dọa, ép buộc hoặc đe dọa bằng vũ lực để đòi hỏi chủ quyền. Ông Chuck Hagel nhấn mạnh rằng, Mỹ cam kết thực hiện tái cân bằng địa-chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương, sẽ không làm ngơ nếu các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức và Mỹ vẫn sẽ duy trì sự hiện diện quân sự của mình ở châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế, nhiều chuyên gia đã dự báo Biển Đông là một trong những điểm nóng có thể dẫn tới chiến tranh lớn trong thế kỷ XXI.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông